Ô nhiễm không khí gia tăng, Việt Nam lên kế hoạch “làm sạch”
Trong hai ngày 24-25/4/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Kiểm soát và cải thiện chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam”.
Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ GÂY THIỆT HẠI RẤT LỚN
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, nhận định ô nhiễm không khí đang là một trong những thách thức môi trường nghiêm trọng tại Việt Nam, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Số liệu quan trắc và chỉ số chất lượng môi trường không khí tại các thành phố này thường xuyên ở mức trung bình và có chiều hướng kém, gia tăng ô nhiễm trong những giai đoạn gần đây, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại hai thành phố này thường vượt so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh và vượt nhiều so với khuyến cáo của WHO.
Trước tình hình ô nhiễm không khí có chiều hướng gia tăng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đầu mối là Cục Môi trường đã và đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Đó là, xây dựng nhiệm vụ, dự án kiểm kê phát thải tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam phục vụ cho công tác phân tích, đánh giá dữ liệu, xây dựng các mô hình hóa và kịch bản dự báo ô nhiễm không khí.
“Hiện tại chúng tôi đang chạy thử nghiệm mô hình dự báo chất lượng không khí trong 48 giờ tại Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc”, Thứ trưởng Lê Công Thành thông tin.
Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đang hoàn thiện Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng không khí, đề ra các mục tiêu cụ thể đến giai đoạn 2026 – 2030, với từng nhóm giải pháp như năng lượng, nguồn thải, giao thông, xây dựng. Đồng thời, Bộ cũng phối hợp với các tổ chức quốc tế như UNDP, ADB, Worldbank, UNEP các tập đoàn và tổng công ty (Vingroup) để triển khai các dự án thí điểm, phát triển mạng lưới trạm đo nhanh chất lượng không khí, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, giao thông xanh và huy động nguồn lực tài chính, kỹ thuật nhằm cải thiện chất lượng không khí.
“Dự kiến trong thời gian sắp tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng sẽ có 2 đoàn công tác, trong đó có đoàn công tác cấp cao của Bộ trưởng về trao đổi kinh nghiệm, học tập Bắc Kinh trong cải thiện, kiểm soát, quản lý chất lượng không khí. Các sự kiện trong chuỗi Hội thảo khoa học hôm nay, diễn ra trong 2 ngày sẽ là đầu vào quan trọng cho việc hoàn thiện Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng không khí giai đoạn 2025-2030 và các đề xuất chính sách sắp tới”.
Ông Lê Công Thành - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường
Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam, bà Ramla Khalidi, cho biết ô nhiễm môi trường đã và đang gây thiệt hại vô cùng lớn trên thế giới, với khoảng 6 nghìn tỷ USD chi phí y tế toàn cầu hàng năm; 1,2 tỷ ngày làm việc bị mất trên toàn cầu mỗi năm; tổn thất năng suất nông nghiệp toàn cầu từ 3- 16%; làm giảm 5% giảm GDP toàn cầu do tác động sức khỏe, giảm năng suất chăn nuôi trồng trọt, ảnh hưởng đến lịch, sự kiện thể thao, hoạt động văn hóa, tôn giáo…
Theo bà Ramla Khalidi, trong mục tiêu Thiên niên kỷ đã đề ra nhiều mục tiêu liên quan đến giảm ô nhiễm không khí. Cụ thể, Mục tiêu 3: Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và thúc đẩy hạnh phúc cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi. Đến năm 2030, giảm đáng kể số ca tử vong và bệnh tật do hóa chất độc hại và ô nhiễm không khí, nước và đất.
Mục tiêu 11: Làm cho các thành phố và khu định cư của con người trở nên toàn diện, an toàn, có khả năng chống chịu và bền vững. Đến năm 2030, giảm tác động bất lợi đến môi trường bình quân đầu người của các thành phố, bao gồm đặc biệt chú ý đến chất lượng không khí và quản lý chất thải đô thị và các chất thải khác...
Mục tiêu 12: Đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Kiểm soát ô nhiễm không khí đẩy nhanh tiến độ thực đạt được mục tiêu phát triển bền vững (SDG), đồng thời đầu tư vào không khí sạch mang lại nhiều lợi ích, bao gồm cải thiện sức khỏe, phát triển kinh tế, giảm thiểu khí hậu và giảm bất bình đẳng.
6 GIẢI PHÁP CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÍ
PGS.TS. Nguyễn Thị Trang Nhung, Trường Đại học Y tế Công cộng Hà Nội, đồng thời là chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu Sức khỏe Trẻ em, Bệnh Viên Nhi Trung Ương, cho biết kết quả khảo sát nghiên cứu cho hay năm 2021, tại Việt Nam chỉ có 6 tỉnh/thành phố có chất lượng không khí đạt chuẩn QCVN 05:2013 (25µg/m3).
Tại Việt Nam, không tỉnh/thành phố nào đạt mức quy chuẩn của WHO (5µg/m3). Sự ô nhiễm không khí có liên quan đến số ca trẻ em nhập viện vì nhiễm trùng hô hấp ngày càng gia tăng. Sự gia tăng nồng độ PM10, NO2 và SO2 trong mùa khô (tháng 11 đến tháng 4) có liên quan đến việc gia tăng số ca nhập viện do nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ nhỏ.
Ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cho biết các kết quả theo dõi những thông số từ quan trắc không khí tại Việt Nam, cho thấy ô nhiễm tập trung vào hàm lượng bụi, trong đó có bụi mịn (PM2.5). Đối với các thông số NO2, O3, SO2 đều đạt giới hạn cho phép của QCVN 05:2023/BTNMT.
Tại Việt Nam, ô nhiễm không khí có tính quy luật theo mùa (từ khoảng tháng 10-11 của năm trước, kèo dài tới tháng 4 năm sau), tập trung chủ yếu tại một số điểm có mật độ giao thông và tập trung nhiều cơ sở sản xuất.
Ông Nam chỉ rõ các nguyên nhân chính phát sinh bụi, khí thải gây ô nhiễm môi trường không khí gồm: hoạt động giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp, hoạt động đốt mở (đốt rác, rơm rạ, đốt sinh khối), hoạt động dân sinh, khí hậu thời tiết.
Cụ thể, đối với hoạt động giao thông, theo nghiên cứu của WB trong giai đoạn 8/2019-7/2020, có 12% lượng bụi mịn PM2.5 là do phát thải trực tiếp từ giao thông; 18% là từ phần thứ cấp vô cơ hình thành từ khí tiền chất (trong đó có giao thông); 17% do bụi đường bị cuốn lên. Đối với nguồn ô nhiễm từ hoạt động xây dựng, theo mô hình tiếp nhận sử dụng dữ liệu từ WB, bụi cuốn lên (gồm bụi đường, bụi từ xây dựng, bụi từ xi măng…) đóng góp 17% vào nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội.
Về nguyên nhân từ hoạt động công nghiệp, theo báo cáo của WB năm 2022, nguồn công nghiệp chiếm 29% lượng phát thải bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội.
Đối với hoạt động đốt mở, đóng góp vào phát thải PM 2.5 (năm 2015, theo WB): Hà Nội đốt rơm rạ đóng góp 26% lượng phát thải PM2.5; Bắc Ninh đốt sinh khối chiếm 29%; Hưng Yên đốt sinh khối chiếm 32%. Giai đoạn quan trắc nghiên cứu từ 8/2019-7/2020, theo mô hình tiếp cận từ dữ liệu WB, đốt sinh khối tại Hà Nội đóng góp 19% vào nồng độ PM2.5.
Ngoài ra, nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động dân sinh hiện đóng góp khoảng 5% vào tổng lượng phát thải bụi mịn P2.5.
Nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, ông Nam đề xuất 6 giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, rà soát tham mưu xây dựng chính sách lớn, có tầm quan trọng vĩ mô liên quan đến chất lượng không khí, trong đó cần xây dựng Luật không khí.
Thứ hai, thực hiện kiểm kê, giám sát chặt chẽ nguồn phát sinh khí thải.
Thứ ba, ưu tiên bố trí nguồn lực cho hệ thống quan trắc môi trường
Thứ tư, siết chặt các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi phương tiện xanh, không phát thải; sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường; sử dụng phương tiện công cộng.
Thứ năm,tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giám sát các nguồn thải khí thải (đặc biệt là nguồn diện từ các điểm đốt mở, đốt rác thải, đốt sinh khối, đốt phụ phẩm nông nghiệp, rơm rạ, khu vực xây dựng; nguồn điểm từ các cơ sở sản xuất công nghiệp).
Thứ sáu, tăng cường công tác thông tin, truyền thông về chất lượng môi trường không khí.
Xem thêm tại vneconomy.vn