OCB: Chồng là Chủ tịch ngân hàng, 2 công ty liên quan đến vợ vay… 110 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Phương Đông (mã chứng khoán OCB) công bố báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2023.
Báo cáo quản trị của OCB khá chi tiết, trong đó cho thấy OCB có Ủy ban xử lý rủi ro gồm 6 thành viên. Trong năm 2023 vừa qua Ban này đã xử lý 1.559 hồ sơ, trong đó có 1.548 hồ sở về xử lý rủi ro tín dụng và 11 hồ sơ về rủi ro hoạt động.
Ngoài ra Ban quản lý rủi ro gồm 5 thành viên nhằm tham mưu cho HĐQT về khung chiến lược quản lý rủi ro, đảm bảo OCB xây dựng và hoàn thành các chính sách liên quan…
Bên cạnh các chi tiết về các phòng ban, Báo cáo quản trị OCB cũng công bố danh sách các giao dịch giữa ngân hàng với người có liên quan. Nội dung chi tiết ghi nhận OCB có khoản cấp tín dụng đối với 2 công ty do vợ của thành viên HĐQT làm người quản lý là CTCP Sợi Thế Kỷ và CTCP Thực phẩm Xanh.
> NHNN muốn siết chặt sở hữu chéo, cho vay "sân sau" tại các ngân hàng
2 công ty liên quan đến vợ Chủ tịch OCB Trịnh Văn Tuấn vay… 110 tỷ đồng
Số liệu từ OCB ghi nhận ngân hàng có những giao dịch với các bên liên quan, trong đó cho CTCP Sợi Thế Kỷ (mã chứng khoán STK) vay 97,11 tỷ đồng và cho CTCP Thực phẩm Xanh vay 12,9 tỷ đồng (dư nợ đến 31/12/2023). Đây là 2 khoản vay với bên liên quan lớn nhất của OCB được công bố. Các khoản cho vay khác chủ yếu là từ nợ thẻ tín dụng của các lãnh đạo công ty.
Mối quan hệ của OCB và Sợi Thế Kỷ, liên quan bà Cao Thị Quế Anh, vợ ông Trịnh Văn Tuấn – Chủ tịch HĐQT OCB. Bà Quế Anh là thành viên HĐQT độc lập của Sợi Thế Kỷ.
Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB
Còn CTCP Thực phẩm Xanh thành lập tháng 5/2008, ban đầu do ông Trần Bình Ổn làm Chủ tịch HĐQT. Bà Cao Thị Quế Anh tiếp nhận vị trí này từ cuối năm 2021. Thực phẩm Xanh có khoản vay 12,9 tỷ đồng tại OCB.
Tổng cộng 2 khoản vay của 2 công ty liên quan bà Quế Anh tại OCB lên đến 110 tỷ đồng.
Đáng chú ý, thông tin đăng ký giao dịch đảm bảo không hiển thị các giao dịch của thực phẩm Xanh từ 2014 đến nay. Lần gần đây nhất thông tin đảm bảo còn hiển thị là tháng 7/2014 khi doanh nghiệp mang 500.000 cổ phần phổ thông của CTCP Bia Sài Gòn Sông Lam đi thế chấp tại OCB.
Trước đó tháng 6/2014 Thực phẩm Xanh cũng từng mang 8,02 triệu cổ phiếu VIB (Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam) làm tài sản đảm bảo tại ngân hàng OCB. Đây cũng không phải lần duy nhất Thực phẩm xanh thế chấp cổ phiếu VIB tại ngân hàng OCB. Ví dụ tháng 12/2012 công ty cũng từng mang gần 3 triệu cổ phiếu VIB đi thế chấp tại OCB.
Giao dịch thế chấp “khủng” nhất liên quan cổ phiếu VIB phải kể đến là tháng 10/2012 khi mang hơn 17,03 triệu cổ phiếu VIB ra làm tài sản đảm bảo tại ngân hàng Phương Đông.
Sợi Thế Kỷ (STK) vừa trải qua năm 2023 kinh doanh khó khăn với doanh thu thuần đạt 1.425 tỷ , giảm 32% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế còn giảm sâu hơn, đến 63% xuống còn 88 tỷ đồng. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Sợi Thế Kỷ báo lợi nhuận giảm sút.
Một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận Sợi Thế Kỷ giảm sút là chi phí tài chính tăng mạnh, trong đó riêng chi phí lãi vay tăng gần gấp đôi cùng kỳ, lên 17,3 tỷ đồng.
Báo cáo ghi nhận tính đến hết năm 2023 tổng nợ phải trả của Sợi Thế Kỷ gần 1.345 tỷ đồng, tăng đột biến 130% so với thời điểm đầu năm và chiếm đến 45% tổng tài sản công ty. Trong tổng nợ, dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 609 tỷ đồng và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn 409 tỷ đồng.
Trong năm 2023 Sợi Thế Kỷ đã hoàn tất nắm giữ 100% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Sợi, dệt nhuộm Unitex và gia tăng chi phí xây dựng cơ bản dở dang vào dự án nhà máy Unitex từ chưa đến 30 tỷ đồng lên 757 tỷ đồng.
Cùng với đó Sợi Thế Kỷ cũng mang tài sản là dự án nhà máy Unitex đi thế chấp ngân hàng cho khoản vay. Khoản vay này thực hiện tại ngân hàng TCBC - đây là ngân hàng đại lý cho khoản vay hợp vốn của 4 ngân hàng nước ngoài. Khoản vay này hơn 577 tỷ đồng, Tại TCBC Sợi Thế Kỷ còn khoản vay ngắn hạn 168 tỷ đồng.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn