OCB đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2024 tăng 66%, chia cổ tức 20% và tiên phong về tài chính xanh
Ngày 15/4/2024, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 tại Tp.HCM, thông qua nhiều chỉ tiêu tài chính quan trọng cùng các định hướng phát triển cho giai đoạn mới.
Thông tin tại Đại hội, OCB cho biết, năm 2023, nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi nhiều biến động như lạm phát tăng cao, tiêu dùng và xuất nhập khẩu suy giảm, thị trường bất động sản trầm lắng... Tuy nhiên, OCB vẫn ghi nhận những kết quả kinh doanh tích cực, cho thấy sự đúng đắn trong chiến lược quản trị của ngân hàng trước bối cảnh khó khăn chung.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của OCB đạt 240.114 tỷ đồng, tăng 24,3% so với năm 2022. Tăng trưởng tín dụng đạt 20,53%, cao hơn mức trung bình ngành, với dư nợ thị trường 1 đạt 148.005 tỷ đồng. Huy động vốn thị trường 1 cũng tăng trưởng ấn tượng 22%, lên mức 168.000 tỷ đồng.
Kế hoạch kinh doanh và lợi nhuận năm 2024 của OCB (Đơn vị tính: tỷ đồng ). |
Hoạt động kinh doanh của OCB tiếp tục cho thấy chất lượng tài sản tốt, với tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,02% vào cuối năm 2023, nằm trong nhóm các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất thị trường.
OCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 4.139 tỷ đồng trong năm 2023. Mặc dù lợi nhuận giảm nhẹ 6% so với năm trước, nhưng điều đáng chú ý là OCB đã chủ động trích lập thêm 501 tỷ đồng vào chi phí dự phòng, qua đó tăng cường năng lực phòng ngừa rủi ro tín dụng trong tương lai.
Tổng giám đốc Nguyễn Đình Tùng cho biết, kết thúc quý I/2024, tăng trưởng tín dụng của OCB đạt khoảng 4,6% và huy động vốn tăng khoảng 5%. Lợi nhuận trước thuế quý I đạt 1.000 - 1.200 tỷ đồng, tăng trưởng trở lại so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2024, OCB tiếp tục đặt ra các mục tiêu tăng trưởng và phát triển đầy tham vọng, thể hiện quyết tâm vươn lên vị thế mới trong ngành ngân hàng Việt Nam.
Cụ thể, OCB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.885 tỷ đồng, tăng mạnh 66% so với kết quả năm 2023. Tổng tài sản dự kiến tăng 19%, lên mức 286.562 tỷ đồng vào cuối năm 2024. Huy động vốn thị trường 1 phấn đấu tăng 17%, đạt 197.346 tỷ đồng. Tổng dư nợ thị trường 1 tăng khoảng 20% lên 177.592 tỷ đồng (sẽ được điều chỉnh theo hạn mức tăng trưởng tín dụng thực tế). Tỷ lệ nợ xấu vẫn được kiểm soát dưới 3%.
Các chỉ số sinh lời như ROE và ROA được đặt mục tiêu lần lượt đạt 17,11% và 2,06%, tiếp tục cải thiện so với kết quả năm 2023. Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Tuấn nhấn mạnh, OCB định vị tỷ suất lợi nhuận nằm trong top 5 các ngân hàng có lợi nhuận cao nhất, để mang lại quyền lợi tốt nhất cho cổ đông.
Về nguồn vốn, OCB dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 4.168 tỷ đồng, nâng tổng vốn điều lệ lên mức 24.717 tỷ đồng trong năm 2024. Trong đó, phát hành khoảng 411 triệu cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 20%, phát hành 5 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động với giá 10.000 đồng/cp, chào bán riêng lẻ tối đa 882.353 cổ phiếu với giá không thấp hơn giá trị sổ sách.
Sau các đợt tăng vốn, Aozora Bank (Nhật Bản) vẫn sẽ là cổ đông chiến lược lớn nhất của OCB với tỷ lệ sở hữu 15%.
Song song với việc thúc đẩy tăng trưởng quy mô và lợi nhuận, OCB cũng đặt mục tiêu trở thành "Ngân hàng xanh tiên phong tại Việt Nam", với định hướng phát triển theo chiến lược ESG (bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng).
OCB đã hợp tác với IFC (thành viên của WB) để triển khai các sản phẩm tín dụng xanh, góp phần thúc đẩy kinh tế bền vững. IFC cũng hỗ trợ OCB tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. OCB cũng sẽ tăng cường các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị doanh nghiệp vào các hoạt động của ngân hàng.
Bên cạnh đó, việc hoàn thiện Basel II tiên tiến trong quản trị rủi ro là một thành tựu đáng tự hào của OCB trong năm qua, cho thấy sự tiên phong của OCB về mặt tuân thủ quy định và gia tăng uy tín trên thị trường quốc tế.
Mối quan hệ với cổ đông chiến lược Aozora Bank cũng được thắt chặt hơn nữa. Đại diện Aozora chia sẻ, họ đã hỗ trợ OCB khai thác khách hàng doanh nghiệp Nhật Bản, nâng tầm hợp tác song phương trong thời gian tới.
Theo Tổng giám đốc Nguyễn Đình Tùng: “OCB đã có hoạt động về ngân hàng xanh từ nhiều năm trước. Tất cả những khoản vay của OCB đều có tiêu chí đánh giá bảo vệ môi trường. Năm 2024, OCB sẽ điều chỉnh đưa ESG vào một trong những trụ cột phát triển. Đây là xu hướng bát buộc và nếu tham gia sớm, sẽ tạo ra lợi thế kinh doanh cho OCB”.
Đồng thời, năm 2024 được kỳ vọng sẽ là bước ngoặt quan trọng của OCB để chuyển mình mạnh mẽ, tận dụng cơ hội phát triển trong bối cảnh kinh tế phục hồi, khẳng định vị thế ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam. Với chiến lược bài bản, tầm nhìn xa và sự giám sát chặt chẽ của các cổ đông lớn, OCB đang sẵn sàng cho hành trình phát triển mới, các lãnh đạo OCB chia sẻ.
Minh Phong
Xem thêm tại vnbusiness.vn