Sở hữu nhiều tài sản
Cổ phần hóa cách đây 7 năm, với vốn điều lệ 769 tỷ đồng, VHI có 4 công ty con là Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội, Công ty cổ phần Tràng An, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Việt Hà, Công ty cổ phần Rượu Quốc tế và 7 công ty liên doanh, liên kết: Công ty cổ phần Bia và nước giải khát Việt Hà (37,2%), Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Nội (40%), Công ty cổ phần Giầy Ngọc Hà, Công ty cổ phần Thời trang Quốc tế Ngôi Sao, Công ty cổ phần Đồng Tháp.
Ngoài ra, VHI còn nắm giữ cổ phần ở một số doanh nghiệp như Công ty liên doanh TNHH Crown Hà Nội, Công ty cổ phần Đô thị sinh thái Vân Nội, Công ty cổ phần Đầu tư và dịch vụ Hà Nội… Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Việt Hà, công ty con của VHI cũng tham gia liên doanh trong Dự án Khu đô thị Việt Hà với 2 đối tác là Công ty TNHH Đại Hoàng Long và Công ty cổ phần Xây dựng và kỹ thuật Việt Nam.
Hiện phần vốn Nhà nước tại VHI chiếm 51%, do UBND TP.Hà Nội nắm giữ; cổ đông chiến lược Tổng công ty Rau quả Vegetexco (thành viên Tập đoàn T&T) nắm giữ 36,1%; Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không nắm 12,56%.
Kể từ ngày 4/4/2022, 76,9 triệu cổ phiếu VHI của CTCP Kinh doanh và Đầu tư Việt Hà đã bị huỷ đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Lý do, VHI là doanh nghiệp cổ phần hóa đã thực hiện đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM trước ngày Luật Chứng khoán năm 2019 có hiệu lực thi hành nhưng chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng, thuộc trường hợp hủy đăng ký giao dịch theo quy định tại khoản 8, Điều 310, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP.
VHI nắm quyền khai thác, sử dụng quỹ đất lớn tại Thủ đô. Trong đó, Dự án tổ hợp thương mại dịch vụ kết hợp giới thiệu sản phẩm Việt Hà tại xã Kim Nỗ - Đông Anh, Hà Nội có quy mô 2,08 ha, Công ty đã dừng triển khai công tác giải phóng mặt bằng và được UBND Thành phố phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2022.
Đối với Dự án Khu đô thị sinh thái Việt Hà tại Tiến Xuân và xã Yên Bình - Thạch Thất, Hà Nội (quy mô 97 ha), trong năm 2022, Công ty đã phối hợp với các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương thực hiện công tác rà soát, phân loại đồ án quy hoạch/dự án đầu tư.
Với Dự án 87 Lĩnh Nam, quy mô 2.000 m2 sàn thương mại, Công ty đã ký hợp đồng cho thuê tổng cộng 586 m2 và hiện đang xúc tiến hoạt động cho thuê phần còn lại.
Về dự án 11 - 13 Nguyễn Chí Thanh, quận Ba Đình, Hà Nội (trên khu đất 1.071 m2), Công ty đặt kế hoạch ngay sau khi được UBND Thành phố ban hành Quyết định phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà đất do Việt Hà quản lý, sử dụng sẽ khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý, tiến hành nghiên cứu chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc để thực hiện Dự án Tổ hợp văn phòng, thương mại dịch vụ kết hợp giới thiệu sản phẩm Công ty Việt Hà.
Không chỉ sở hữu quỹ đất lớn, vị trí đắc địa, VHI còn nắm giữ lượng lớn tiền mặt. Tại báo cáo tài chính 2022 (báo cáo gần nhất được kiểm toán và được VHI công bố), Công ty có 66,5 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền (là tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống). Chưa kể, Công ty có 443,5 tỷ đồng các khoản đầu tư tài chính là tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn không quá 12 tháng, với lãi suất từ 6,9 - 10,66%/năm.
Hiệu quả kinh doanh thấp, quản trị yếu kém
Năm 2022, VHI ghi nhận tổng doanh thu 610 tỷ đồng, chủ yếu tới từ doanh thu bán thành phẩm, hàng hoá (562,6 tỷ đồng, chiếm 92,2%); doanh thu cung cấp dịch vụ 43,2 tỷ đồng, doanh thu cho thuê bất động sản chỉ chiếm 720 triệu đồng. Quỹ đất của Công ty hầu hết vẫn trong giai đoạn chuẩn bị triển khai dự án, nên đóng góp của mảng bất động sản trong cơ cấu doanh thu của VHI vẫn rất khiêm tốn.
Doanh thu của VHI chủ yếu tới từ bán hàng hoá, trong đó doanh thu bán hàng của Công ty cổ phần Bia và Nước giải khát Việt Hà là trọng điểm. Thực tế, các tài liệu đại hội cổ đông 2023 của VHI cũng tập trung hoạt động của Bia Việt Hà.
Theo đó, năm 2022, Bia Việt Hà không hoàn thành chỉ tiêu doanh thu và sản lượng kinh doanh đã được UBND TP. Hà Nội giao và đại hội cổ đông thông qua. Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 187,3 tỷ đồng, đạt 65,5% kế hoạch. Doanh thu hoạt động tài chính đạt 53,7 tỷ đồng, giảm 2,96% so với năm trước. Trong đó, doanh thu từ lãi tiền gửi đạt 29,35 tỷ đồng, cổ tức và lợi nhuận được chia từ các công ty con, công ty liên doanh liên kết là 24,12 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận năm 2022 đạt 22,63 tỷ đồng, tăng 37,3% so với kế hoạch và giảm 14,7% so với năm trước.
Phân tích nguyên nhân dẫn tới kết quả kinh doanh kém khả quan, ông Mai Xuân Sơn, Tổng giám đốc VHI cho biết, năm 2022, Bia Việt Hà quyết định tăng giá bán các sản phẩm bia vào tháng 3/2022 rơi vào đúng thời điểm bắt đầu chuẩn bị cho vụ bia hơi mới mở, khai trương bán hàng trở lại đã gây ra phản ứng khá tiêu cực.
Tới ngày 29/4/2022, Bia Việt Hà tiếp tục có thông báo tăng giá bia lần 2 trong năm 2022 và đề nghị áp dụng từ 1/6/2022.
Mặc dù dưới áp lực tăng giá nguyên vật liệu đầu vào các hãng bia đều có động thái tăng giá, nhưng việc tăng giá liên tục của Bia Việt Hà đã gây áp lực lớn lên việc tiêu thụ các sản phẩm, cũng như việc mở rộng hệ thống nhà phân phối. Ngoài ra, Nghị định 100/2019/NĐ-CP tiếp tục gây ra các tác động trực tiếp và mang tính dài hạn tới nhu cầu và thói quen tiêu dùng của khách hàng. Đây là yếu tố gây ảnh hưởng lớn tới sản lượng tiêu thụ của các hãng bia, trong đó có Việt Hà.
Thị trường xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm bia hơi, bia tươi, bia lon mới với phân khúc giá thấp cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm của Việt Hà. Áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt và rõ rệt lên tất cả các dòng sản phẩm của Công ty.
Đáng chú ý, báo cáo tài chính 2022 của VHI, kiểm toán viên đưa ra nhiều ý kiến ngoại trừ. Theo đó, trong năm 2022, các công ty liên kết bao gồm Công ty cổ phần Giầy Ngọc Hà, Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Nội và Công ty Bia và Nước giải khát Việt Hà có lãi; Công ty cổ phần Đồng Tháp và Công ty cổ phần Thời trang Quốc tế Ngôi Sao chưa thu thập được báo cáo tài chính. Báo cáo tài chính của các công ty con khác chưa được kiểm toán, hoặc bị kiểm toán có ý kiến ngoại trừ.
Một số ý kiến ngoại trừ chính bao gồm: Thứ nhất, số liệu liên quan tới công ty con là Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Hà chưa được đối chiếu cụ thể.
Thứ hai, tại ngày lập báo cáo tài chính năm, VHI chưa xác định được giá trị thuần có thể thu hồi để đánh giá trích lập dự phòng hàng tồn kho với tổng giá trị 3,39 tỷ đồng tại công ty con là Công ty cổ phần Rượu Quốc tế. Kiểm toán cũng không thể đánh giá ảnh hưởng của việc thực hiện kiểm kê hàng tồn kho tại công ty con là Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Hà.
Công ty con là Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội không lập báo cáo tài chính tổng hợp nên số liệu hợp nhất vào báo cáo tài chính của VHI không bao gồm số liệu báo cáo tài chính của Chi nhánh Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội – Khách sạn Việt Linh.
Kiểm toán cũng có ý kiến ngoại trừ về các khoản công nợ tiềm tàng liên quan tới công ty con là Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Hà. Hiện cơ quan thuế đang thực hiện cưỡng chế với công ty con này bằng hình thức không được xuất hoá đơn…
Năm 2023, VHI đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế tăng trưởng hai con số, nhưng cũng chỉ ở mức 25,14 tỷ đồng.
Đầu tháng 6/2023, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 166/KH-UBND về việc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc UBND TP. Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025. VHI tiếp tục nằm trong nhóm doanh nghiệp cổ đông Nhà nước thoái 100% vốn.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2023, ông Mai Xuân Sơn, Tổng giám đốc VHI cho biết, Công ty đang khẩn trương phối hợp với Sở Tài chính rà soát, sắp xếp lại theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định sửa đổi, bổ sung số 67/2021/NĐ-CP. Đến nay, Công ty đã rà soát 3 lần và đang chờ Liên ngành trình Thành phố phê duyệt.
“Ngay sau khi được UBND Thành phố phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất Việt Hà sẽ khẩn trương tiến hành thực hiện các bước tiếp theo trong công tác xác định phần vốn Nhà nước tại Công ty, phục vụ cho công tác thoái vốn theo quy định”, ông Sơn cho hay.