Ông chủ “đế chế hàng tiêu dùng” Masan đứng ở đâu trong top tỷ phú USD của Việt Nam?
Theo bảng xếp hạng tỷ phú thế giới của Tạp chí Forbes ngày 15/10, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan (Masan Group, mã MSN) là 1 trong 6 tỷ phú USD của Việt Nam.
Ông Quang hiện có tài sản 1,2 tỷ USD, xếp sau ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup (4,4 tỷ USD), bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Vietjet (2,8 tỷ USD), ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát (2,6 tỷ USD), ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Ngân hàng Techcombank (1,7 tỷ USD) và xếp trên ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Thaco và gia đình cũng với 1,2 tỷ USD.
Trên thực tế, ông Nguyễn Đăng Quang đã vào danh sách tỷ phú Forbes từ năm 2019. Tài sản của ông Quang đạt mức cao nhất theo xếp hạng của Forbes là 1,9 tỷ USD hồi tháng 4/2022.
Một giai đoạn ngắn ông Quang từng rời khỏi danh sách tỷ phú USD của Forbes nhưng sau đó đã sớm trở lại vào tháng 2/2024 vừa qua do giá cổ phiếu MSN biến động kéo theo khối tài sản của Chủ tịch Masan thay đổi theo. Chỉ riêng trong tháng 1/2024 vừa qua, khối tài sản của vị doanh nhân này đã có nhiều thay đổi khiến ông Quang từng quay lại danh sách tỷ phú USD của Forbes vào ngày 3/1 sau đó lại rời khỏi danh sách chỉ sau vài ngày.
Ông Quang là một trong những nhà sáng lập và đóng vai trò quan trọng dẫn dắt Masan Group trong suốt quá trình hình thành và phát triển cho đến hiện nay.
Là nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, ông đã thúc đẩy quá trình chuyên môn hóa công ty từ những ngày đầu thành lập, đưa Masan Group trở thành một trong những tập đoàn đa ngành nghề hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế tư nhân với hơn 50 công ty thành viên, đồng thời phát huy bản sắc văn hóa, các giá trị và niềm tự hào của Việt Nam.
Ông Quang hiện là Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Masan, đồng thời là thành viên Hội đồng Quản trị của 5 công ty thành viên và công ty liên kết.
Trong thư ngỏ tại Báo cáo thường niên năm 2023 vừa qua, ông Quang đã chia sẻ rất chi tiết về lý tưởng phụng sự người tiêu dùng của Masan, đề cập đến những mảng kinh doanh chiến lược của Masan như Masan Consumer, WinCommerce…
Cụ thể, Masan Consumer là công ty hàng tiêu dùng (FMCG) có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trên 15% xuyên suốt từ năm 2017 đến năm 2022, trong khi vẫn duy trì biên lợi nhuận ròng sau thuế (NPAT margin) ở mức 20%. Bức tranh này không thay đổi trong năm 2023 khi lợi nhuận tăng trưởng hơn 30% trong môi trường tiêu dùng trầm lắng. Các phát kiến mới đóng góp hơn 50% vào tăng trưởng doanh thu, cho thấy việc củng cố thị phần trong nước sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian dài.
“Bước ngoặt lớn nhất trong năm 2023 là việc tái định nghĩa thị trường mục tiêu của chúng ta từ 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam thành 8 tỷ người tiêu dùng toàn cầu, mở ra cơ hội tăng trưởng vượt trội trong dài hạn. Chúng ta đã gặt hái được những kết quả ban đầu rất tích cực - tương ớt CHIN-SU lọt vào Top 8 sản phẩm bán chạy nhất trên sàn thương mại điện tử Amazon của Mỹ và chiếm vị trí số 1 trên sàn Coupang của Hàn Quốc. Lĩnh vực kinh doanh này còn rất nhiều tiềm năng để khai phá”, ông Quang cho biết trong thư ngỏ.
Đối với WinCommerce, thước đo phản ánh hiệu quả rõ ràng nhất chính là có lãi ròng sau thuế. Ưu tiên hàng đầu đối với WinCommerce hiện nay là củng cố vị trí dẫn đầu thị trường để đạt được mô hình kinh tế mạnh mẽ.
Hiện tại, thị phần giá trị thương mại hiện đại của chúng ta là 25% và thị phần mạng lưới chiếm 50%, trong khi 90% cửa hàng của hệ thống đã đạt đến điểm hòa vốn về EBITDA, so với mức 5% khi Masan mua lại mảng kinh doanh này.
Bên cạnh đó, sự kết hợp của nền tảng Point of Life và chương trình Hội viên WiN đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt cho Masan MEATLife và Techcombank, nhưng chưa thực sự bứt phá với Phúc Long và Dr. Win.
Doanh thu trên cửa hàng của Masan MEATLife hiện đã đạt 1,6 triệu đồng mỗi ngày, tăng 40% và tiếp tục tăng trưởng khi người tiêu dùng ngày càng đánh giá cao chất lượng của thịt mát và hương vị của các sản phẩm thịt chế biến của Masan. Mục tiêu trung hạn là tăng doanh số tại mỗi cửa hàng lên 5 triệu đồng với tầm nhìn dài hạn là thúc đẩy tỷ lệ thâm nhập thị trường của thịt mát và thịt chế biến từ 1% lên 25%.
“Masan đã thành công với câu chuyện xây dựng thương hiệu nước mắm và chúng ta có thể tiếp tục lặp lại thành công này với thịt mát”, ông Quang cho hay.
Cuối cùng, Chủ tịch Masan cho biết, các chỉ số kinh doanh là mục tiêu nhưng không bao giờ là đích đến của Masan. “Mục đích thật sự làm động lực thúc đẩy chúng ta mỗi ngày là trở thành niềm tự hào của Việt Nam bằng cách phụng sự người tiêu dùng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Đây mới là ý nghĩa thực sự của việc đặt người tiêu dùng làm trọng tâm”, ông Quang cho biết.
Ông Quang đồng thời chia sẻ: “Thành thật mà nói, đã có những ngày tôi tự hỏi liệu chúng ta có đi chệch khỏi kim chỉ nam này hay không, nhưng năm 2023 đã nhắc nhở tôi rằng chúng ta vẫn đang áp dụng công thức này mỗi và mọi ngày. Những mục tiêu cụ thể giúp chúng ta đạt được mục đích: Mỗi gia đình Việt Nam, mọi sản phẩm Masan. Mỗi gia đình thế giới, ít nhất một sản phẩm Masan”.
Về kết quả kinh doanh của Masan, 6 tháng đầu năm, Masan đạt lợi nhuận sau thuế trước phân bổ cho cổ đông thiểu số 1.425 tỷ đồng, 607 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế khi phân bổ. SSI Research dự báo, quý III, Masan Group sẽ là một trong những doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế mạnh nhất với mức tăng 1.250% so với cùng kỳ, đạt 650 tỷ đồng. Quý III, WinCommerce nhiều khả năng sẽ ghi nhận quý đầu tiên có lãi.
Trong năm 2024, Masan đặt kế hoạch doanh thu từ 84.000 - 90.000 tỷ đồng (tăng trưởng từ 7 - 15%), lợi nhuận sau thuế dự kiến từ 2.250 - 4.020 tỷ đồng (tăng trưởng từ 15,4 - 106,2%).
Xem thêm tại cafef.vn