Ông chủ dự án Endless Skyline West Lake tại 'đất vàng' Tây Hồ gánh khoản nợ hơn 6.000 tỷ
Công ty cổ phần Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa) vừa công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính năm 2023, với mức lãi sau thuế đạt 611 tỷ đồng, giảm 39% so với năm 2022.
Vốn chủ sở hữu của Phenikaa kết thúc năm 2022 đạt 8.779 tỷ, tăng 282,7 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 0,69 lần; tương ứng nợ phải trả tính đến cuối năm 2023 của doanh nghiệp này ở mức hơn 6.057 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu là 904 tỷ đồng, bằng 0,103 lần vốn chủ sở hữu.
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 7,08% năm 2023, suy giảm so với mức 12,06% của năm trước đó.
Toàn bộ dư nợ trái phiếu của Phenikaa đến từ 2 lô trái phiếu PKACH2330001 và PKACH233002, được phát hành ngày 14/12/2023 với có kỳ hạn 7 năm, lãi suất phát hành lần lượt ở mức 6,2%/năm và 5,87%/năm.
Được biết, chỉ cách 1 ngày trước khi phát hành 2 lô trái phiếu nói trên (13/12/2023), Phenikaa đã mang quyền mua cổ phần, khoản cổ tức, lợi ích, khoản tiền nhận được hoặc sẽ nhận được liên quan tới 28 triệu cổ phần trong Công ty cổ phần Vicostone (VCS) thế chấp tại Credit Guarantee and Investment Facility (CGIF)- quỹ ủy thác có liên quan đến Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa) được thành lập vào tháng 10/2010, trụ sở hiện đặt tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Thời điểm ban đầu, Phenikaa số vốn điều lệ 100 tỷ đồng, danh sách cổ đông sáng lập gồm: Nghiêm Thị Ngọc Diệp (99%), Phạm Hùng (0,5%) và Phạm Thị Thu Hằng (0,5%).
Tháng 6/2013, danh sách cổ đông của Phenikaa xuất hiện thêm 2 cá nhân mới là Nguyễn Diệu Thúy Ngọc và Nguyễn Quốc Dũng. Lúc này, tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông ban đầu cũng thanh đổi khi bà Nghiêm Thị Ngọc Diệp giảm tỷ lệ sở hữu còn 1% cổ phần, trong khi ông Dũng sở hữu 98% cổ phần. 1% cổ phần còn lại thuộc về bà Ngọc.
Tháng 2/2017, vốn điều lệ của Phenikaa từ mức 900 tỷ đồng đột ngột tăng lên mức 1.600 tỷ đồng; cơ cấu cổ đông gồm: Nguyễn Quốc Dũng, Nguyễn Quốc Khanh và Phạm Kịm Sơn. Tỷ lệ sở hữu của 3 cổ đông này không được công bố.
Tháng 12/2017, vốn điều lệ của Phenikaa tiếp tục tăng lên mức 2.100 tỷ đồng; rồi lại tiếp tục tăng lên 3.000 tỷ đồng vào tháng 8/2019.
Dù không nằm trong danh sách cổ đông của Phenikaa, tuy nhiên nhiều năm qua, doanh nhân Hồ Xuân Năng (sinh năm 1964) là người đại diện pháp luật, kiêm chức danh Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp này.
Phenikaa hiện sở hữu hệ sinh thái với hàng chục đơn vị thành viên hoạt động trong các lĩnh vực chính, gồm: công nghệ, công nghiệp, nghiên cứu khoa học, giáo dục... Trong đó, đáng chú ý là Vicostone (VCS) - chủ sở hữu thương hiệu đá thạch anh Vicostone.
Tính đến cuối năm 2022, Phenikaa đang nắm giữ 134,6 triệu cổ phiếu VCS, tương đương 84,15% vốn điều lệ Vicostone. Ông Hồ Xuân Năng cũng trực tiếp sở hữu 5,98 triệu cổ phiếu VCS, tương đương 3,74% vốn của công ty này.
Đặc biệt, Phenikaa cũng đánh dấu tên tuổi trong lĩnh vực bất động sản khi sở hữu và đang triển khai dự án tổ hợp văn phòng, khách sạn và căn hộ cao cấp Endless Skyline West Lake (đường Võ Chí Công, quận Tây Hồ, Hà Nội).
Dự án Endless Skyline West Lake được triển khai trên tổng diện tích 3.626,8m2, có tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Khu đất thực hiện dự án nêu trên trước đây thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Đầu tư Song Kim, sau đó được chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Nam Hưng - thành viên của Tập đoàn Phenikaa.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn