Ông Lê Viết Hải nhận trách nhiệm về 'nội chiến' và việc thua lỗ năm 2023 của Xây dựng Hoà Bình
Trong thông điệp của Chủ tịch HĐQT ở báo cáo thường niên 2023 của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình, ông Lê Viết Hải thẳng thắn thừa nhận: "Tập đoàn vừa trải qua năm 2023 đầy sóng gió. Một năm còn có nhiều khó khăn hơn cả năm 2022 và có thể khẳng định là năm có nhiều khó khăn thử thách nhất trong hành trình 36 năm hình thành và phát triển của tập đoàn.
Có những khó khăn đã manh nha từ năm 2017, trước khi có nhiều biến cố bất lợi cho ngành xây dựng, đặc biệt là trong xây dựng nhà ở đô thị và du lịch nghỉ dưỡng, hai lĩnh vực xây dựng chủ yếu của Hòa Bình".
Ông Hải cho biết do siết chặt về pháp lý, từ năm 2017 đã có rất ít dự án nhà ở đô thị được cấp phép xây dựng trong khi nguồn nhân lực của ngành vẫn cứ tăng liên tục. Thực trạng thiếu việc làm xảy ra với tất cả các doanh nghiệp lớn nhỏ trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt trong năm 2023 có nhiều doanh nghiệp xây dựng bị phá sản, nhiều công ty chỉ hoạt động 20% công suất, một số công ty lớn mạnh, uy tín hơn và có năng lực, kinh nghiệm nhiều hơn thì hoạt động cũng chỉ từ 50 – 70% công suất.
"Sự cạnh tranh trên thị trường trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Nhiều nhà thầu đã bỏ giá thấp hơn vốn lên đến vài chục phần trăm. Đồng thời, không ít nhà thầu lớn đã sử dụng những chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh để giành được công trình", trích thông tin từ báo cáo thường niên.
Người đứng đầu tập đoàn nói thêm: "Bối cảnh chung là vậy nhưng Hòa Bình lại bắt đầu năm 2023 với một câu chuyện không mong muốn – cuộc “nội chiến” trong HĐQT diễn ra vào ngày giáp Tết Nguyên đán. Khi ấy, tôi vốn đã định lui về phía sau nhưng phải quay trở lại vị trí Chủ tịch HĐQT để chèo lái con thuyền Hòa Bình.
Năm 2023, Hòa Bình còn phải đối mặt với những khó khăn lớn trong kinh doanh khi những hệ lụy của COVID và chiến tranh tác động tiêu cực gây ra nhiều đổ vỡ trong lĩnh vực bất động sản, nhất là bất động sản du lịch nghỉ dưỡng".
Tổng kết Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, Hòa Bình đạt doanh thu hơn 7.537,1 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch đã đề ra. Đây là năm thứ hai Hòa Bình có kết quả kinh doanh có lợi nhuận âm và âm tới 1.115 tỷ đồng.
Với việc áp dụng chuẩn mực kế toán Việt Nam theo quan điểm rất thận trọng, báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2023 cũng ghi nhận sự sụt giảm vốn chủ sở hữu của Hòa Bình chỉ còn 93 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Lê Viết Hải cho rằng con số này hoàn toàn khác xa với thực tế.
Theo báo cáo tài chính quản trị do khối Tài chính kế toán của Hòa Bình lập dựa vào đặc thù của hoạt động xây dựng và những thông tin số liệu sát với thực tế của thị trường cũng như tập đoàn, vốn chủ sở hữu của Hoà Bình là khoảng 5.539 tỷ đồng, cao hơn gần 60 lần so với vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính kiểm toán.
Ông Hải thừa nhận: "Là người chèo lái con thuyền Hòa Bình, tôi xin thành khẩn nhận trách nhiệm khi năm 2023 vừa qua, đã không đưa Hòa Bình phát triển theo đúng mục tiêu, kế hoạch đã đề ra của tập đoàn. Tuy nhiên, tôi xin khẳng định, là người sáng lập của Hòa Bình, tôi luôn xem Hoà Bình là đứa con ruột thịt, đáng yêu, đáng quý của mình và trong suốt 36 năm qua, đặc biệt năm 2023 nhiều thử thách, khó khăn nhất, tôi vẫn luôn cố gắng hết sức mình, làm tất cả mọi điều có thể để chèo lái con thuyền Hòa Bình vượt qua sóng gió, đồng thời cam kết luôn bảo vệ quyền lợi cao nhất của cổ đông".
Chủ tịch HĐQT thông tin tính đến ngày 18/4 đã có trên 99 nhà cung cấp, nhà thầu phụ đồng ý ký biên bản thỏa thuận hoán đổi công nợ bằng cổ phiếu HBC của Hòa Bình đạt giá trị lên đến trên 660 tỷ đồng.
Ngoài ra, năm qua, Hoà Bình không bị xử lý bất cứ một bảo lãnh nào của các ngân hàng bao gồm các bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh hoàn trả tiền tạm ứng, bảo lãnh bảo hành công trình. Đồng thời, Hòa Bình cũng đã trả nợ đúng hạn cho ngân hàng, không bị chuyển sang nhóm nợ xấu. Hạn mức tín dụng ở ba ngân hàng chính hiện nay là 7.592 tỷ đồng.
Xem thêm tại vietnambiz.vn