Ông lớn dệt may 50 tuổi lao đao vì không có đơn hàng, 4.000 nhân sự giảm xuống còn 31 người

CTCP Garmex Sài Gòn (HoSE: GMC) tiếp tục không có đơn hàng trong quý III/2024. Trong kỳ, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu không đáng kể, vỏn vẹn 116 triệu đồng, đến từ may chăn phụ liệu tồn kho và kinh doanh nhà thuốc.

Lãi gộp đạt 7 triệu đồng, cộng với 841 triệu đồng lãi tiền gửi ngân hàng, nhưng Garmex Sài Gòn phải chịu chi phí quản lý doanh nghiệp lên đến 9,6 tỷ đồng, bao gồm: nhân công, hao mòn tài sản, đồ dùng văn phòng, dịch vụ mua ngoài... Từ đó, công ty lỗ sau thuế 8,7 tỷ đồng.

9 tháng đầu năm, GMC mang về 475 triệu đồng doanh thu và lỗ sau thuế 8 tỷ đồng. Lỗ lũy kế lên đến 82 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu còn 388 tỷ đồng tại thời điểm ngày 30/9. Công ty này rơi vào tình trạng "trắng" đơn hàng trong 2 năm trở lại đây.

Trong lúc nhiều công ty kín đơn hàng, ông lớn dệt may 50 tuổi vẫn lao đao, 4.000 nhân sự giảm xuống còn 31 người
Nguồn: Tổng hợp

Garmex Sài Gòn, tiền thân là CTCP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn, được thành lập vào năm 1976, khởi đầu là một doanh nghiệp quốc doanh. Năm 2004, Garmex Sài Gòn được cổ phần hóa và niêm yết trên HoSE với mã chứng khoán GMC từ năm 2006. Trước khi rơi vào tình trạng khó khăn như hiện tại, đây là doanh nghiệp dệt may lớn hàng đầu Việt Nam với doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng và quy mô gần 4.000 nhân sự.

Nguyên nhân khiến công ty rơi vào "vũng lầy" bởi sự phụ thuộc vào 1 đối tác lớn là CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, HoSE: GIL). Khi dịch Covid xảy đến, GIL mất đối tác là gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon Robotics LLC khiến GMC không còn đơn hàng gia công và ôm lượng tồn kho lớn chưa có phương án xử lý.

Đồng thời, Garmex Sài Gòn khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng dù đã có gần 50 năm tuổi đời và ngành dệt may có nhiều tín hiệu khả quan. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 27,34 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023. Một số doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh cải thiện và đơn hàng tích cực. Chẳng hạn như TNG - doanh nghiệp sản xuất cho các thương hiệu lớn như Decathlon, Asmara, Columbia... ghi nhận doanh thu 2.358 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 111 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 61% so với cùng kỳ. TNG thông tin đã kín đơn hàng cho đến hết năm sau.

Trong lúc nhiều công ty kín đơn hàng, ông lớn dệt may 50 tuổi vẫn lao đao, 4.000 nhân sự giảm xuống còn 31 người
Nhà máy của Garmex Sài Gòn

"Từ 1 công ty đầu ngành dệt may, đến nay chỉ còn lại hơn 30 người. Công ty nên định hướng ngành nào cho phù hợp, không nhất thiết phải giữ lại ngành may" - đây là ý kiến cổ đông nêu ra trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2024.

Về hướng giải quyết, Garmex Sài Gòn liên tục có động thái rao bán tài sản. Bên cạnh xe cộ, máy móc... hồi tháng 5, GMC bán đấu giá khu đất rộng 26.000m2 tại cụm Công nghiệp Hà Lam - Chợ Được, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam với giá 156 tỷ đồng nhưng không ai đăng ký tham gia. Ngoài ra, GMC còn có mảnh đất rộng 15.264m2 mua từ năm 2007 nhưng để cho công ty liên kết là CTCP Phú Mỹ đứng tên. GMC đang muốn thanh lý khu đất trên với giá 35 tỷ đồng nhưng phía Phú Mỹ đang không sang tên lại và chỉ đồng ý giá trị là 11 tỷ đồng.

Doanh nghiệp vẫn giữ lại Nhà máy An Nhơn và An Phú cho ngành may. GMC cho biết sẵn sàng hợp tác với bất cứ đối tác nào để khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Trước tình hình khó khăn hiện nay, GMC muốn tìm nhân tài để vực dậy doanh nghiệp.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn