“Ông lớn” hàng không đua nhau báo lãi nhờ thị trường quốc tế
Theo báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu năm 2024 do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa công bố, “ông lớn” quản lý và vận hành phần lớn các cảng hàng không trên cả nước đạt doanh thu thuần ở mức 11.178 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023.
Lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm ở mức kỷ lục, đạt 6.150 tỷ đồng, tăng mạnh 45% và hoàn thành 81% mục tiêu lợi nhuận năm đề ra. Biên lợi nhuận gộp ấn tượng lên đến 63%, điều này chứng tỏ khả năng sinh lời của doanh nghiệp rất tốt.
"ÔNG TRÙM" CẢNG HÀNG KHÔNG LÃI KỶ LỤC
Lý giải mức tăng đáng kinh ngạc trong 6 tháng đầu năm 2024, ACV cho rằng chủ yếu do thị trường hàng không quốc tế được phục hồi. Thống kê cho thấy sản lượng hành khách qua các cảng hàng không do ACV quản lý đạt 54,7 triệu khách, đạt 48% kế hoạch năm 2024, giảm 3,8% so với cùng kỳ 2023.
Trong đó, khách quốc tế đạt trên 20 triệu khách, tăng 38,5% và phục hồi gần bằng mức trước dịch Covid-19. Còn khách trong nước đạt 34,4 triệu khách, giảm 18,5% do khó khăn về đội tàu bay nên các hãng hãng hàng không Việt Nam phải điều chỉnh giảm cung ứng trên các đường bay nội địa.
Giới phân tích ước tính doanh thu năm 2024 của ACV đạt 23,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,4% so với năm 2023, lợi nhuận trước thuế ước đạt 14,5 nghìn tỷ đồng, tăng 38%, đây là mức cao trong lịch sử, dựa trên giả định số lượng hành khách tăng 14% trong năm 2024.
Tiếp tục ưu tiên đầu tư nâng cấp hạ tầng cảng hàng không, sân bay, theo lãnh đạo ACV, với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “vượt nắng, thắng mưa”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “làm ba ca, bốn kíp, làm xuyên lễ, xuyên tết”, ACV hoàn thành và đưa dự án đầu tư mở rộng Cảng hàng không Điện Biên vào khai thác, phục vụ cho lễ kỷ niệm quốc gia 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024).
Đồng thời, khởi công dự án mở rộng nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài vào ngày 19/5/2024 (gói thầu 12), dự án phấn đấu hoàn thành trước ngày 30/12/2025 chào mừng Đại hội lần thứ 14 của Đảng.
Bên cạnh đó, hai dự án trọng điểm đang được lãnh đạo tổng công ty chỉ đạo quyết liệt, tiếp tục tháo gỡ khó khăn phấn đấu hoàn thành từng hạng mục cụ thể là dự án nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hoàn thành 60% khối lượng, riêng phần thô hoàn thành 100%, phấn đấu hoàn thành trước ngày 30/4/2025 theo yêu cầu của Chính phủ.
Với dự án thành phần 3 Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, các gói thầu được triển khai đồng bộ, một số hạng mục vượt tiến độ theo hợp đồng.
Ngoài ra, các dự án, công trình chuẩn bị đầu tư dự án nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, dự án nhà ga T2 Cảng hàng không Đồng Hới, dự án nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau, dự án sửa chữa đường cất hạ cánh Cảng hàng không quốc tế Vinh, Liên Khương đang được các ban quản lý dự án triển khai thủ tục đầu tư theo tiến độ được phê duyệt...
Tuy nhiên, bức tranh tài chính của ACV không hoàn toàn là màu hồng. Tính đến cuối tháng 6/2024, nợ xấu của công ty tăng mạnh 45% so với đầu năm, lên 8.256 tỷ đồng, công ty cũng phải trích lập dự phòng gần 3.900 tỷ đồng.
CÓ HÃNG BAY THOÁT LỖ, CÓ HÃNG TĂNG TRƯỞNG ẤN TƯỢNG
Nhờ sự tăng trưởng của thị trường quốc tế, nửa đầu năm 2024, Vietnam Airlines vận chuyển gần 11,5 triệu lượt hành khách và 143.000 tấn hàng hóa bưu kiện, tăng lần lượt 10% và 42,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo báo cáo tài chính nửa đầu năm 2024, Vietnam Airlines đạt doanh thu hợp nhất hơn 53.126 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận hợp nhất sau thuế hơn 5.476 tỷ đồng, đảo chiều so với mức lỗ gần 1.400 tỷ cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh là gần 1.143 tỷ đồng và lợi nhuận khác là hơn 4.531 tỷ đồng, với sự đóng góp rất lớn từ việc Pacific Airlines được các đối tác xóa nợ.
Đây là kết quả tương đối khả quan trong bối cảnh Hãng hàng không Quốc gia đang phải đối mặt với khó khăn từ giá nhiên liệu cao, biến động tỷ giá bất lợi, tính mùa vụ thấp điểm vào quý 2 và tình trạng thiếu hụt máy bay do nhà sản xuất Pratt & Whitney triệu hồi động cơ trên toàn cầu.
Theo Vietnam Airlines, giá nhiên liệu vẫn đang ở mức cao, bình quân 102,14 USD/thùng, tăng 30,3% so với năm 2019, khiến chi phí của Vietnam Airlines phát sinh thêm gần 2.500 tỷ đồng.
Tỷ giá VND/USD ở mức 24.856 đồng, tăng 7% so với năm 2019 khiến chi phí của hãng trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 724 tỷ đồng. Đồng thời, tỷ giá Yên Nhật giảm sâu cũng gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng doanh thu cho Vietnam Airlines ở thị trường trọng điểm này.
Một yếu tố quan trọng khác giúp doanh thu Vietnam Airlines tăng trưởng là hãng đẩy mạnh thu hút khách doanh thu cao thông qua nâng cấp chất lượng dịch vụ và tăng cường chuyển đổi số.
Ngoài ra, trong lĩnh vực tái cơ cấu, Vietnam Airlines thành công khi đạt thỏa thuận xóa nợ 4.665 tỷ đồng đối với Pacific Airlines, góp phần đáng kể vào lợi nhuận hợp nhất. Bên cạnh đó, công tác đàm phán giãn hoãn thanh toán, cắt giảm chi phí và sử dụng linh hoạt hạn mức tín dụng được thực hiện quyết liệt giúp giảm áp lực dòng tiền.
Còn Vietjet trong 6 tháng đầu năm 2024 vận chuyển 13,1 triệu khách, khai thác 70.154 chuyến bay, cao hơn năm 2019. Trong đó, Vietjet vận chuyển trên 5,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 52%.
Về kết quả kinh doanh hợp nhất, Vietjet đạt trên 34.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 15% và mức lãi đạt 1.117 tỷ đồng, tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Kết quả tăng trưởng vượt bậc đó một phần quan trọng nhờ thời gian qua hãng hàng không mở ra rộng khắp mạng bay quốc tế tầm trung. Với việc liên tiếp mở thêm các đường bay quốc tế mới, đến nay, Vietjet đang khai thác 111 đường bay quốc tế trong tổng số 149 đường bay hãng đang khai thác, nổi bật là đường bay TP.HCM - Tây An (Trung Quốc), Phú Quốc - Đài Trung (Đài Loan, Trung Quốc), Nha Trang - Daegu (Hàn Quốc)…
TÍCH CỰC THÁO GỠ KHÓ KHĂN
Trong 6 tháng cuối năm 2024, bên cạnh một số yếu tố thuận lợi như đà phục hồi của thị trường quốc tế, môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải hàng không vẫn sẽ phải đối mặt với các vấn đề đang tồn tại như: giá nhiên liệu ở mức cao, biến động tỷ giá bất lợi, giá thuê máy bay tăng mạnh và nguồn lực máy bay trong nước suy giảm.
Tình hình thiếu máy bay trầm trọng tác động lớn đến doanh thu, lợi nhuận của các hãng bay như Vietnam Airlines, Vietjet. Trước đại dịch Covid-19, ngành hàng không Việt Nam có 230 máy bay nhưng hiện nay chỉ có 167 máy bay, giảm gần 30% nguồn lực do ảnh hưởng từ sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc thiếu hụt máy bay toàn cầu làm tăng giá thuê máy bay, tăng chi phí bảo dưỡng, vật tư phụ tùng máy bay, đồng thời kéo dài thời gian máy bay nằm đất gây thiệt hại doanh thu.
Nửa cuối năm 2024, Cục Hàng không Việt Nam sẽ triển khai sáu giải pháp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các hãng hàng không...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 32-2024 phát hành ngày 05/08/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Xem thêm tại vneconomy.vn