'Ông lớn' khu công nghiệp muốn thoái vốn tại các công ty thành viên

dji_0010-1316

Tỉ lệ sở hữu của SNZ tại KCN Sonadezi Giang Điền sẽ giảm còn 36%. Ảnh: SZG

Tổng công ty CP Phát triển khu công nghiệp - Sonadezi (mã chứng khoán SNZ) vừa công bố tờ trình lấy ý kiến cổ đông về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu tổng công ty giai đoạn 2021-2025.

Theo kế hoạch tái cơ cấu, SNZ đề xuất thoái vốn tại 6 công ty con gồm Công ty CP Sonadezi Giang Điền (46,45%), Công ty CP Sonadezi Long Thành (52,75%), Công ty CP Sonadezi Châu Đức (46,84%), Công ty CP Sonadezi Long Bình (46,22%), Công ty CP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (57,86%) và Công ty CP Sonadezi Bình Thuận (42%). 

Theo đó, các công ty kinh doanh hạ tầng sở hữu các khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy đạt dưới 70% sẽ thoái vốn xuống còn 46%;thoái vốn xuống còn 36% đối với các KCN có tỉ lệ lấp đầy từ 70% trở lên.

Đồng thời, đưa tỷ lệ sở hữu từ 52,59% hiện tại về còn 36% vốn tại Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Vật liệu Đồng Nai (DND). 

Mặt khác, Sonadezi cũng đề xuất thoái sạch vốn tại các 5 đơn vị khác là Công ty CP Xây dựng Đồng Nai, Sơn Đồng Nai (SDN), Công ty CP Xây dựng Dân dụng Công nghiệp số 1 Đồng Nai, Công ty CP Đô thị Amata Biên Hòa và Công ty CP Công trình Giao thông Đồng Nai (DGT).

Các doanh nghiệp còn lại trong danh mục đầu tư của Sonadezi sẽ được giữ nguyên tỷ lệ sở hữu.

Theo Ban lãnh đạo Sonadezi, công tác định giá công ty này rất phức tạp, vì sở hữu nhiều công ty con, công ty liên kết, các công ty này có diện tích đất lớn.

"Vừa qua, Sonadezi có tiến hành định giá một số công ty thành viên cùng thời điểm với định giá công ty mẹ. Giá trị cổ phần của các công ty thành viên được định giá theo phương pháp tài sản thường cao hơn giá trị xác định bằng phương pháp khác. Để đảm bảo giá trị vốn nhà nước ở mức cao nhất, công ty đã đề xuất nhiều phương án định giá. Trong đó có đề xuất định giá công ty con theo phương pháp tài sản. Việc này dẫn đến khối lượng công việc lớn, thời gian kéo dài, chi phí tăng cao phải đấu thầu", ban lãnh đạo công ty cho biết.

Ngoài ra, việc định giá cổ phần của Tổng công ty phải làm đi làm lại nhiều lần do tuân thủ quy định trong Nghị định số 140/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 30/11/2020, thay đổi cách xác định giá trị quyền sử dụng đất thuê trả hằng năm.

Cùng với đó, việc xem xét của các cấp có thẩm quyền có thể kéo dài nhiều tháng, trong khi chu kỳ chốt số liệu báo cáo tài chính chỉ là 6 tháng. 

Vì vậy công ty đề xuất đẩy nhanh tiến độ công tác thoái vốn, rút ngắn thời gian xem xét từ các cơ quan thẩm quyền, tránh lãng phí do làm đi làm lại nhiều lần.

Cũng theo Đề án tái cơ cấu, Sonadezi đặt mục tiêu trong năm 2024 đạt doanh thu hợp nhất là 6.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.100 tỷ đồng, tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 12,75%. Những con số này của năm 2025 lần lượt là 6.300 tỷ đồng, lãi sau thuế 1.150 tỷ đồng và tỉ suất lợi nhuận 12,9%

Ngày 15/12/1990, tiền thân của Sonadezi là Công ty Phát triển Khu Công nghiệp Biên Hòa được thành lập. Đến ngày 1/2/2016, công ty cổ phần hoá hoạt động dưới tên Tổng CTCP Phát triển Khu công nghiệp. Ngày 20/11/2017, Sonadezi chính thức niêm yết trên sàn UPCoM, mã SNZ.

Hiện tại, Sonadezi có vốn điều lệ 3.765 tỷ đồng, sở hữu 16 công ty thành viên hoạt động trong 4 nhóm ngành nghề kinh doanh gồm bất động sản khu công nghiệp và dân dụng; Xây dựng và vật liệu xây dựng; Dịch vụ hỗ trợ; Cung cấp nước.

Xem thêm tại nhadautu.vn