Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - mã chứng khoán: TCB) vừa thông báo tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản năm 2025 về việc phê duyệt góp vốn thành lập Công ty Bảo hiểm Nhân thọ là công ty con của Techcombank; phê duyệt mua lại cổ phần để Công ty Cổ phần Bảo hiểm phi nhân thọ Kỹ thương (TCGIns) trở thành công ty con của Techcombank. Thời hạn cổ đông gửi lại phiếu lấy ý kiến đã trả lời chậm nhất 16 giờ ngày 5/3/2025 tính theo dấu bưu điện hoặc thời gian nhận thư điện tử.

Nâng cao dịch vụ, hưởng lợi về mặt tài chính

Theo lãnh đạo ngân hàng Techcombank, việc góp vốn thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ nhằm nâng cao dịch vụ và sản phẩm, tăng lợi ích tài chính và khả năng cạnh tranh của ngân hàng.

Dự kiến sở hữu trên 50% vốn điều lệ TCLife

Theo tờ trình xin ý kiến cổ đông, Techcombank dự kiến thành lập Công ty cổ phần Bảo hiểm nhân thọ Kỹ thương (TCLife), với vốn điều lệ tối thiểu 1.300 tỷ đồng và sẽ sở hữu ít nhất 50% vốn điều lệ công ty này. Techcombank sẽ nhận được những lợi ích về mặt tài chính như: nhận doanh thu phí với mức phí cạnh tranh, kèm theo việc gia tăng giá trị tổng tài sản từ phần vốn góp tại công ty bảo hiểm nhân thọ.

Lãnh đạo ngân hàng Techcombank cho rằng thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển.

Hiện cơ cấu dân số Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn dân số vàng với hơn 50% dân số thuộc độ tuổi lao động, là đối tượng trụ cột rất cần được bảo vệ. Trong khi đó, tỷ lệ dân số đang được bảo vệ bởi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ chỉ tương đương 20% dân số trong độ tuổi lao động và 10% toàn dân số.

Cùng với đó, thu nhập hộ gia đình tăng trưởng tốt, nghiên cứu trong giai đoạn 5 năm 2017-2022 của Công ty nghiên cứu thị trường Cimigo cho thấy, tỷ lệ gia đình có thu nhập hàng tháng từ 500 - 999 USD tăng 67%, gia đình có thu nhập hàng tháng từ 1.000 USD tăng 378%. Với khả năng chi trả ngày càng tăng, kèm theo đó sự hiểu biết về các công cụ tài chính được nâng cao, bảo hiểm nhân thọ sẽ là sản phẩm tiếp tục được đón nhận trong tương lai.

Cùng với đó, việc thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ giúp ngân hàng chủ động cung cấp những sản phẩm đa dạng, ưu việt đến với khách hàng.

"Ông lớn" ngân hàng sắp thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ vốn tối thiểu 1.300 tỷ đồng. Ảnh tư liệu.

Từ những phân tích trên, Techcombank dự kiến thành lập Công ty cổ phần Bảo hiểm nhân thọ Kỹ thương (TCLife), với vốn điều lệ tối thiểu 1.300 tỷ đồng. Techcombank dự kiến sở hữu trên 50% và tối đa 100% vốn điều lệ của TCLife. Với số vốn điều lệ này, TCLife đứng sau 14/19 công ty bảo hiểm nhân thọ trên thị trường và tương đương Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas (MB Ageas Life).

Tính đến cuối năm 2024, Việt Nam có 19 công ty bảo hiểm nhân thọ nhưng chỉ có duy nhất Bảo Việt là doanh nghiệp Việt, chiếm 21,7% thị phần tổng doanh thu phí bảo hiểm. Còn lại gần 80% thị phần vẫn nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài chi phối, với những cái tên lớn như Prudential, Manulife, Dai-ichi, AIA...

Tăng tỷ lệ sở hữu tại TCGIns lên 68%

Tương tự, với bảo hiểm phi nhân thọ, đại diện ngân hàng cho rằng, việc tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần để TCGIns trở thành công ty con của Techcombank nhằm nâng cao dịch vụ và sản phẩm, gia tăng lợi ích tài chính và khả năng cạnh tranh của ngân hàng.

Theo đánh giá, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam tăng trưởng đều đặn và bền vững qua các năm. Việc bán bảo hiểm phi nhân thọ qua hệ thống ngân hàng (bancassurance) tăng trưởng vượt trội với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép 11,3%.

"Tiềm năng tăng trưởng thị trường bảo hiểm vẫn còn lớn khi sự đóng góp của bảo hiểm phi nhân thọ vào GDP của Việt Nam vẫn đang ở mức thấp, với 1,3% so với 3- 4% của các thị trường khác trong khu vực" - đại diện Techcombank đánh giá.

Do đó, cơ hội thị trường và khả năng khai thác sản phẩm trong hệ thống khách hàng khá lớn. Việc tăng cường vốn đầu tư của Techcombank tại TCGIns sẽ giúp tăng lợi nhuận trước thuế trên báo cáo tài chính hợp nhất của Techcombank hàng năm. Bên cạnh đó, TCGIns trở thành công ty con của Techcombank sẽ giúp ngân hàng chủ động cung cấp những sản phẩm đa dạng, ưu việt đến với khách hàng.

Nguồn: Techcombank.

TCGIns hiện có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, mới thành lập tháng 10/2024. Doanh nghiệp này cung cấp các sản phẩm như bảo hiểm tài sản; bảo hiểm các lĩnh vực hàng hóa vận chuyển, hàng không, xe cơ giới và các loại nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe...

Mua lại 57% vốn từ Công ty Đầu tư và phát triển NewCo

Techcombank dự chi 285 tỷ đồng để mua lại 57% vốn của Công ty cổ phần Bảo hiểm phi nhân thọ Techcom (TCGIns) từ cổ đông lớn nhất là Công ty Đầu tư và phát triển NewCo. Nhờ đó, sở hữu của Techcombank tại TCGIns tăng từ 11% lên 68%.

Với số vốn điều lệ này, TCGIns đứng sau 21/32 công ty bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh công ty bảo hiểm trên thị trường và ngang bằng Công ty TNHH bảo hiểm Samsung Vina (Samsung Vina), Công ty TNHH bảo hiểm Fubon (Việt Nam) (Fubon).

Động thái này diễn ra 5 tháng sau khi Techcombank chấm dứt hợp đồng phân phối bảo hiểm nhân thọ độc quyền với Manulife (tháng 10/2024).

Trong hai năm 2021 và 2022, thu từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm đem lại cho Techcombank lần lượt 1.558 tỷ và 1.750 tỷ đồng. Năm 2024, thu từ mảng này đem lại cho nhà băng 606 tỷ đồng, chiếm khoảng 5,5% thu nhập từ hoạt động dịch vụ.

Hiện nhiều ngân hàng như: BIDV và MB đều sở hữu công ty con trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, đó là Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIC) và Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC). Hai "ông lớn" ngân hàng này đều liên kết với các đối tác để xây dựng các công ty bảo hiểm nhân thọ, hoàn thiện hệ sinh thái./.