'Ông lớn' ngành hàng hải ước lãi khủng 2.084 tỷ đồng năm 2023
Theo thông tin từ lãnh đạo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC, UPCoM: MVN), trong năm 2023, sản lượng vận tải biển toàn tổng công ty ước đạt 20,6 triệu tấn; sản lượng hàng thông qua cảng đạt 113,5 triệu tấn mang lại doanh thu 17.964 tỷ đồng, bằng 104% kế hoạch năm 2023, lợi nhuận thu về đạt khoảng 2.084 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 12/2023, hệ thống cảng của VIMC gồm 84 cầu cảng có tổng chiều dài 13.882m, chiếm hơn 26% tổng số cầu cảng và gần 17% tổng số chiều dài cầu cảng của cả nước, công suất thiết kế hệ thống cảng của VIMC khoảng 60 triệu tấn hàng rời và hơn 6,5 triệu teu hàng container.
Một tàu chở hàng của VIMC |
>> Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (MVN) quyết định thoái vốn tại hai công ty con
Tổng công ty cũng sở hữu, quản lý đội tàu gồm 59 chiếc, trong đó có 4 tàu dầu (chiếm 5% tổng trọng tải đội tàu VIMC), 10 tàu container (chiếm 7% tổng trọng tải đội tàu VIMC), 45 tàu hàng khô (chiếm 88% tổng trọng tải đội tàu VIMC). Tuổi tàu trung bình là 20 tuổi. Tổng trọng tải đội tàu khoảng 1,3 triệu DWT, trọng tải bình quân 23.019 DWT/tàu. Đội tàu của VIMC chiếm trọng tải tương đương khoảng 21% đội tàu của Việt Nam.
Trong lĩnh vực dịch vụ hàng hải, các doanh nghiệp dịch vụ hàng hải của VIMC quản lý và khai thác các trung tâm phân phối hàng hoá, ICD trên toàn quốc như Depot Nam Hoà, ICD Lào Cai, hệ thống kho CFS tại Đình Vũ, Hải Phòng, … Tổng diện tích kho, bãi khoảng 543.765m2.
Đối với tình hình nhiều biến động như năm 2023, công ty bị ảnh hưởng lớn bởi thị trường tàu hàng khô liên tục suy giảm, đặc biệt tại các phân khúc Supramax, Handysize, với sản lượng các mặt hàng chính như than, quặng, clinker, ngũ cốc sụt giảm nghiêm trọng. Chỉ số BDI có những thời điểm giảm xuống mức rất thấp, dao động ở mức 500 điểm (là mức thấp nhất kể từ tháng 05/2020). Thị trường vận tải container cũng suy giảm rất mạnh khi chỉ số World Container Index (WCI) giảm liên tục, thậm chí giảm tới trên 70% so với cùng kỳ năm 2022.
Đối mặt với những thách thức, VIMC đã tập trung nguồn lực nhằm phát triển các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cảng biển, logistics nhằm kết nối chuỗi dịch vụ logistics của VIMC. Tổng công ty đã đẩy nhanh tiến độ thi công: Dự án bến số 3, số 4 cảng Lạch Huyện (dự kiến, hoàn thành đưa vào khai thác trong quý I/2025); dự án nâng cấp bến số 1 cảng Quy Nhơn (đã khai thác thử nghiệm từ tháng 8/2023).
Đồng thời, VIMC cũng đang tập trung thúc đẩy việc xin phê duyệt chủ trương đầu tư của các dự án: Dự án Cảng Cần Giờ (TP. HCM); Dự án Cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng). Ngoài ra, với chiến lược phát triển mở rộng các ICD để tạo thành chuỗi dịch vụ logistics, VIMC đã nghiên cứu phát triển một số ICD (tại Ninh Giang, Hải Dương; Lạch Huyện, Hải Phòng; Tuy Phước, Bình Định...).
>> Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (MVN) quyết định mời ông lớn Roland Berger về tư vấn chiến lược
Xem thêm tại nguoiquansat.vn