Ông Petri Deryng: Nhịp điều chỉnh gần đây gây thất vọng, tình hình chung không đáng lo ngại

Ông Petri Deryng, nhà quản lý quỹ Pyn Elite Fund. Nguồn: FBNV.

Theo cập nhật mới nhất, quỹ Pyn đã bán giảm tỷ trọng sở hữu với hai cổ phiếu DBC và CMG. Cụ thể, trong các ngày 5-7/11, Pyn Elite Fund đã hạ sở hữu tại CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Mã: DBC) từ 24,1 triệu cp (7,2% vốn) về 20 triệu cp (5,98% vốn). Khối lượng bán ròng đạt 4,1 triệu cp. Chiếu theo thị giá tương ứng, lượng cổ phiếu này trị giá khoảng 113 - 115 tỷ đồng.

Tổ chức đến từ Phần Lan báo cáo sở hữu 30 triệu cp DBC, tương ứng với 8,97% vốn tại ngày 4/9. Như vậy trong khoảng hai tháng (4/9 đến 7/11), quỹ đã bán ròng hơn 10 triệu cp. 

Về phần CMG, quỹ đến từ Phần Lan báo cáo đã bán 300.000 cp CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC (Mã: CMG) vào ngày 5/11. Theo đó, khối lượng sở hữu giảm từ 9,5 triệu cp (5% vốn) về 9,2 triệu cp (4,85% vốn), không còn là cổ đông lớn. Gần nhất, cổ đông ngoại từng bán 500.000 cp vào 30/5, hạ sở hữu về 10,6 triệu cp, tương ứng với 5,77% vốn. Như vậy từ 30/5 đến nay, khối lượng bán ròng là 1,9 triệu cp.

Động thái cơ cấu danh mục này xuất phát từ việc thị trường chứng khoán Việt Nam chịu áp lực điều chỉnh do những lo ngại liên quan đến yếu tố từ bên ngoài.

Theo góc nhìn của ông Petri Deryng, sau chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump, các thị trường mới nổi đã chứng kiến một làn sóng bán tháo không mong đợi. Đây là tuần thứ ba liên tiếp dòng vốn rút ra khỏi các thị trường này. Đồng đô la Mỹ tăng giá đã hút vốn từ các thị trường như châu Á quay lại Mỹ, trong khi mối đe dọa áp thuế nhập khẩu của ông Trump khiến các nhà đầu tư vào thị trường mới nổi lo lắng về mức độ tác động của thuế quan đối với thương mại toàn cầu và tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi.

Thêm vào đó, kỳ vọng lạm phát tăng nhanh do chính sách thuế đã làm giảm hy vọng về việc cắt giảm lãi suất, khiến các đồng tiền châu Á suy yếu so với đồng đô la.

“Đối với một nền kinh tế tăng trưởng nhanh như Việt Nam, sự bất định là một thách thức. Tuy nhiên, song song với điều đó là những diễn biến tích cực đáng kể trong nền kinh tế nội địa. Thị trường chứng khoán Việt Nam chủ yếu bị chi phối bởi các công ty tập trung vào nhu cầu nội địa, thay vì phụ thuộc vào xuất khẩu”, ông Petri Deryng nhận định.

Theo đại diện từ Pyn, mặc dù các chính sách thuế tiềm năng của ông Trump có thể cản trở sự phát triển của một số công ty xuất khẩu thuộc sở hữu nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, những công ty này không được niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.

“Việc tăng trưởng xuất khẩu chậm lại có thể khiến GDP của Việt Nam giảm 0,5–1,0% trong vài năm tới, nhưng đồng thời, nhu cầu nội địa đang gia tăng mạnh mẽ sẽ giúp GDP của Việt Nam duy trì mức tăng trưởng 6–7% vào năm 2025. Đáng chú ý, các công ty xuất khẩu này không phụ thuộc vào nguồn tài chính từ ngân hàng Việt Nam, và sự gia tăng nhu cầu nội địa dự kiến sẽ thúc đẩy hiệu suất của các ngân hàng Việt Nam trong năm 2025”, lãnh đạo quỹ Pyn dự báo trong thư.

Dự phóng về doanh nghiệp từ ông Petri, tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết tại Việt Nam được kỳ vọng đạt khoảng 20% vào năm 2024 và sẽ tiếp tục duy trì ở mức tương tự vào năm 2025. Thị trường chứng khoán trước khi điều chỉnh đã ở mức định giá khá hợp lý, với P/E dự phóng năm 2025 là 10.

“Dù sự điều chỉnh gần đây gây thất vọng, tình hình chung không có dấu hiệu đáng lo ngại. Các điều kiện thị trường hiện tại đã cho phép chúng tôi thực hiện điều chỉnh danh mục để tận dụng các biến động đã xảy ra”, nhà quản lý Pyn Elite Fund lý giải về động thái cơ cấu danh mục gần đây của quỹ.

Xem thêm tại vietnambiz.vn