Ông Tô Hải: Lợi nhuận quý 1/2025 của Vietcap ước đạt 400 tỷ, kỳ vọng thị trường IPO sẽ cải thiện từ cuối năm
Chiều ngày 1/4/2025, CTCP Chứng khoán Vietcap (mã chứng khoán VCI) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên, thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với tổng doanh thu 4.325 tỷ đồng, tăng hơn 15%.
Lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 1.420 tỷ đồng, tăng 30% so với thực hiện năm trước.

Ban lãnh đạo Vietcap nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn sẽ được hỗ trợ bởi các yếu tố như tốc độ tăng trưởng kinh tế tích cực, khung pháp lý dần được hoàn thiện, khả năng nâng hạng thị trường, lãi suất tiếp tục được duy trì ở mức thấp và định giá doanh nghiệp đã rơi vào vùng hấp dẫn trong dài hạn. VN-Index được dự báo dao động quanh 1.400 điểm vào cuối năm 2025.
Nếu hoàn thành kế hoạch trên, Vietcap sẽ có năm ghi nhận tổng doanh thu kỷ lục, đồng thời đây cũng là con số lợi nhuận cao nhất trong vòng 4 năm và cao thứ hai trong lịch sử hoạt động.
Với chỉ tiêu trên, Vietcap dự kiến trả cổ tức tỷ lệ 5-10%.
Ngoài ra, Vietcap cũng sẽ trình cổ đông thông qua phương án phát hành hơn 4,5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP), dự kiến thực hiện trong năm 2025. Giá phát hành 12.000 đồng/cp. Cổ phần phát hành sẽ hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.
Năm 2024, Vietcap đạt doanh thu hơn 3.695 tỷ - tăng trưởng 49% và lợi nhuận sau thuế 911 tỷ đồng – tăng đến 85% so với năm 2023. Năm qua, Công ty đã tạm ứng hai lần cổ tức bằng tiền mặt với tổng tỷ lệ đạt 6,5% (650 đồng/cp).
Phát biểu tại Đại hội, bà Nguyễn Thanh Phượng – Chủ tịch HĐQT Vietcap - cho biết: “Dù nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh nhưng thị trường vẫn tăng trưởng, cho thấy TTCK Việt Nam đang được dẫn dắt bởi nhà đầu tư trong nước”.
Năm vừa rồi cũng là năm có nhiều thay đổi về chính sách trên TTCK, ví dụ Luật chứng khoán thay đổi cũng như Bộ Tài chính bổ sung 4 thông tư, sửa đổi 1 thông tư nhằm tăng cường minh bạch, gỡ đổi được nút thắt để nâng hạng được thị trường. Bà Phượng hi vọng việc nâng hạng sẽ được diễn ra trong năm nay.
Cuối năm 2024, quy mô vốn hoá 3 sàn là 62,5% GDP, cuối năm 2025 này dự kiến quy mô 3 sàn sẽ đạt 100% GDP. Năm nay, đại diện Vietcap cũng hi vọng nâng hạng được TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi. Về phía Vietcap, Công ty cho biết sẽ tăng vốn để có thể đáp ứng được sự tăng trưởng của TTCK.
Thảo luận tại Đại hội:
Kiến nghị xem xét giảm mức chiết khấu phát hành ESOP để tạo giá trị cho tương lai?
Phó Tổng Giám đốc Đinh Quang Hoàn: Thực tế tỷ lệ chúng tôi không nhiều so với thị trường, chỉ có 0,6% nên tôi nghĩ con số này hợp lý.
Chuẩn kế toán IFRS thì khi nào Công ty sẽ áp dụng?
Hiện chưa có thông báo cụ thể của Bộ Tài chính về hướng dẫn sử dụng. Hiện, Vietcap đã ghi nhận kế toán theo cách tiệm cận với chuẩn IFRS rồi nên khi có hướng dẫn cụ thể từ Bộ cũng không khác nhiều so với hiện tại.
Sơ bộ KQKD quý 1/2025?
Ông Tô Hải: Lợi nhuận trước thuế gần 400 tỷ đồng.
Về mảng tự doanh, ban lãnh đạo cập nhật về các khoản đầu tư lớn?
Ông Tô Hải: Với kế hoạch lợi nhuận gần 1.500 tỷ đồng thì Vietcap đang theo sát mục tiêu này.
Khoản đầu tư lớn như IDP… khi nào thoái vốn?
Ông Tô Hải: Ngay từ đầu xác định lâu dài, dù dĩ nhiên không phải là nắm mãi mãi. Hiện, muốn bán phải có người mua, nếu có bên trả giá ổn sẽ bán.
Chia sẻ về các mảng kinh doanh của ngân hàng đầu tư của công ty chứng khoán?
Ông Tô Hải: Có 2 mảng chính mang lại lợi nhuận cho CTCK nói chung là IPO và M&A. Hai mảng này sau Covid, không chỉ tại Việt Nam và cả Đông Nam Á, thì 2 năm qua không có di chuyển mới nhiều.
Cuối năm rồi có đợt IPO lớn nhất của chuỗi trà sữa Mixue, tại Malaysia thì IPO chuỗi đồ ăn và một thương vụ bên Mexico. Chỉ có vài thương vụ lớn nhưng so với quá khứ thì giá trị không quá lớn, ví dụ thương vụ Mixue thì vốn hoá 10 tỷ USD, chuỗi Malaysia khoảng 200 triệu USD.
Dù vậy, các thương vụ IPO này cũng cho thấy những tín hiệu tích cực trở lại. Tôi kỳ vọng luật nới lỏng để IPO nhiều hơn, kỳ vọng cuối năm nay sẽ hồi phục trở lại.
Còn với M&A, khi nào tình hình lãi suất thuận lợi và tình hình kinh tế khu vực khả quan hơn thì việc M&A sẽ tốt trở lại.
Cách tính khi phát hành ESOP?
Ông Tô Hải: Trước khi ra vấn đề phát hành ESOP thì Vietcap đã cân nhắc, tính trên con số trung bình số nhân viên… rồi ra con số trung bình. Sau đó chiết khấu và tính theo tỷ lệ KPI cho từng bộ phận.
Vietcap có tham gia tài sản số không?
Bà Phượng: Trước hết phải có sàn về tài sản số. Thường khi nói đến loại hình này thì mọi người nghĩ CTCK sẽ tham gia. Với Vietcap thì tinh thần luôn đổi mới và tuân thủ theo quy định.
Đóng góp của các mảng kinh doanh vào chỉ số kinh doanh Vietcap?
Dự kiến mảng môi giới góp khoảng 45%, IB góp từ 10-20% và các mảng còn lại 35%.
Công ty đón sóng nâng hạng thế nào?
Bà Phượng: Nâng hạng sẽ làm độ mở thị trường rất khác biệt. Dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ thay đổi. Từ năm 2023, chúng ta đã có nhiều sự thay đổi, hoàn thiện nâng cao nền tảng công nghệ, quy mô về vốn để tham gia các sản phẩm mới khi thị trường được nâng hạng.
Chủ trương xây dựng trung tâm tài chính ở Việt Nam có mang lợi thế gì cho Vietcap?
Bà Phượng: Trung tâm tài chính không phải chỉ nằm ở một khu vực với các tòa nhà đẹp. Quan điểm của tôi là những tòa nhà đó có những gì. Khu vực đó có trung tâm tài chính thì cái gì tạo nên trung tâm tài chính.
Tôi cho rằng ở đó phải có các sàn giao dịch chứng khoán, trụ sở của các quỹ, công ty trong các lĩnh vực hỗ trợ tài chính, kiểm toán – kế toán, luật. Vietcap dù có trung tâm tài chính hay không thì vẫn có thứ hạng, vị thế trong top đầu.
Công ty có kế hoạch tăng vốn trong năm nay không?
Bà Phượng: Năm 2024 Công ty đã có 3 đợt tăng vốn. Năm nay Vietcap kế hoạch tăng vốn thông qua ESOP. HĐQT cũng cân nhắc tăng vốn từ vốn chủ sở hữu để nâng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng.
Xem thêm tại cafef.vn