![]() |
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát trả lời câu hỏi của các cổ đông |
Nóng với phân chia lợi nhuận, ứng phó khó khăn?
Phân chia lợi nhuận hàng năm của tập đoàn làm sao cho hợp lý, tập đoàn có dự kiến điều chỉnh kế hoạch kinh doanh do ảnh hưởng của việc áp thuế từ Hoa Kỳ; tập đoàn cần trích lợi nhuận sau thuế vài phần trăm để lập quỹ đầu tư khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết 57, thời gian hoàn vốn của dự án đường sắt tốc độ cao, …. Là những câu hỏi được nhiều cổ đông đặt ra với Chủ tịch HĐQT Hoà Phát tại đại hội đồng cổ đông diễn ra sáng 17/4.
“Hoà Phát chuẩn bị thế nào khi xuất khẩu dự báo gặp khó khăn và có đơn hàng rất lớn trong nước là dự án đường sắt nối Lào Cai - Hải Phòng và dự án mà tập đoàn Vingroup đang làm ở Cần Giờ. Dự án Lào Cai - Hải Phòng có vốn Trung Quốc và Hoà Phát có thể tham gia được không?”, một cổ đông đặt câu hỏi với Chủ tịch HĐQT Hoà Phát Trần Đình Long.
![]() |
Doanh thu, tài sản của Hoà Phát qua các năm |
Các cổ đông cũng đặt nhiều câu hỏi liên quan đến việc Hoà Phát có dự định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, mở rộng sang đầu tư đa ngành thay vì tập trung lĩnh vực cốt lõi. Việc thay đổi kế hoạch, không trả tiền mặt năm 2025 để dự phòng cho tình huống xấu và tập đoàn cần tăng trả tiền mặt lên mức 15%, thay vì trả 100% bằng cổ phiếu trong các năm tới khi tình hình kinh doanh tốt lên…. Nhiều cổ đông cũng đặt câu hỏi với việc ứng phó của tập đoàn liên quan đến việc HRC bị áp thuế chống bán phá giá với mức cao và ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của tập đoàn trong giai đoạn tới.
Các thông tin liên quan đến dự án Khu Công nghiệp Yên Mỹ mở rộng, dự án nuôi bò ở Thái Bình, dự án nhà ở xã hội của tập đoàn ở Hưng Yên, dự án xây dựng công trình đường sắt cũng là những vấn đề nóng được các nhà đầu tư quan tâm đặt ra với Chủ tịch Hoà Phát.
Hồi đáp các vấn đề quan tâm của các cổ đông, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát cho biết, việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng với Việt Nam, đã tạo ra tác động với thị trường chứng khoán Việt Nam những ngày qua. Ông cho rằng, trong tương lai, tình hình thế giới sẽ rất biến động, không biết sẽ ra sao? Với Hoà Phát, tinh thần là luôn chuẩn bị tốt và rất cẩn trọng. Nếu Việt Nam đàm phát tốt, không bị áp thuế, nền kinh tế sẽ đi lên nhưng lúc này ‘quân tử phải phòng thân’, làm sao để có sự phát triển bền vững. Năm 2025, Hoà Phát đã làm được nhiều việc lớn. Đầu tiên là hoàn thành giai đoạn 1 của dự án Dung Quất 2 và đã ra được sản phẩm. Việc lớn thứ hai cũng được ông Long nhắc đến là việc nhiều cổ đông năm ngoái đã đặt câu hỏi về thép Trung Quốc tràn vào Việt Nam nhưng tình hình vẫn ổn. “Chúng tôi đã mạnh dạn bàn bạc, trao đổi và đặt mục tiêu 170.000 tỷ doanh thu và 15.000 tỷ lợi nhuận sau thuế năm 2025. Quý 1/2025, tập đoàn đạt lợi nhuận sau thuế 3.300 tỷ đồng. Hiện Hoà Phát đã trở thành công ty lớn trong ngành công nghiệp thép với gần 164.000 cổ đông. Đây là số cổ đông công ty đông nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam và lần đầu tiên ghi nhận số lượng cổ đông lớn như vậy. Công ty đã trở thành công ty quốc dân, trách nhiệm rất nặng nề.”, ông nói.
![]() |
Xuất khẩu của Hoà Phát sang Hoa Kỳ chỉ chiếm tỷ trọng 1% trong cơ cấu xuất khẩu nên không lo tác động từ việc áp thuế đối ứng. |
Về cơ hội tham gia dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, đường sắt đô thị, đường sắt Lào Cai - Hải Phòng, ông Long cho biết, trong cuộc họp tháng 9/2024 khi Thủ tướng Chính phủ mời các doanh nghiệp lớn làm và Hoà Phát đã nhận lời và được giao nhiệm vụ sau đó. Hoà Phát không làm các đầu máy, toa xe nhưng sẽ cung cấp các loại thép, nguồn vật tư cho các doanh nghiệp khác làm. Theo tính toán, hiện tổng lượng thép cho các dự án đường sắt cần khoảng 10 triệu tấn nhưng con số này không cố định, biến động rất nhanh vì đang có những dự án mới được triển khai.
“Chúng ta có dự án sản xuất đường ray với tổng vốn đầu tư 14.000 tỷ đồng ở Dung Quất 2. Với truyền thống và quyết tâm, Hoà Phát tự tin sẽ làm được thép chất lượng cao cho đường sắt tốc độ cao, thép làm hầm, làm cầu, thép chất lượng cao cho chế biến, chế tạo. Các dự án cụ thể như Sài Gòn - Cần Giờ, dự án đường sắt Lào Cai - Hải Phòng… Hoà Phát sẽ tham gia”, ông Long chia sẻ. Ông cũng cho biết, ngoài quyết tâm của Hoà Phát, tuần trước Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ Nghị định giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp lớn, trong đó có Hoà Phát tham gia. Đây là một thông tin rất mừng. Hoà Phát đã có liên hệ với các đơn vị khác trong nước như Thaco, Tổng công ty đường sắt để làm các sản phẩm có liên quan, phục vụ cho phát triển kinh tế, quốc phòng của đất nước. “Thứ Hai này tôi sẽ ký hợp tác chiến lược với Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng quốc gia để cung cấp thép cho các dự án điện gió, năng lượng”, ông tiết lộ.
Hoà Phát chưa từng sợ cạnh tranh, thuế đối ứng không ảnh hưởng nhiều
Về lo ngại ảnh hưởng lợi nhuận do tác động của thuế quan từ Hoa Kỳ với hoạt động năm 2025, ông Long cho biết, tập đoàn đặt ra mức rất cao nhưng đây là mục tiêu để phấn đấu, là động lực và tập đoàn không điều chỉnh gì, vẫn làm bình thường dù mức tăng trưởng và lợi nhuận mỗi quý từ nay đến cuối năm rất cao.
“Điều rất đáng mừng, sau khi chúng tôi ra thông báo không chia cổ tức tiền mặt, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ từ thị trường, các cổ đông. 3 quý còn lại chưa biết thế nào nhưng chúng tôi cam kết, nếu không có gì đặc biệt, từ năm 2026 trở đi, Hoà Phát sẽ chia cổ tức tiền mặt bình thường. Đó là truyền thống của tập đoàn”, ông Long cho hay.
Về mối lo thép giá rẻ Trung Quốc vào Việt Nam, Chủ tịch Hoà Phát khẳng định không đáng lo. Cũng giờ này năm ngoái nhiều cổ đông cũng lo ngại việc này và đến nay, hiện đơn hàng thép sản xuất ra của tập đoàn đều bán hết. Ngay dự án ở Dung Quất 2 đã ghi nhận doanh thu, lợi nhuận từ tháng 3. Về những tác động của thuế quan Hoa Kỳ, Chủ tịch Hoà Phát khẳng định quan điểm của tập đoàn không quá chú trọng xuất khẩu. “Hoà Phát từ trước đến nay không sợ, chưa từng sợ cạnh tranh, đứt dây thần kinh sợ từ lâu rồi. Với việc áp thuế đối ứng của Hoa Kỳ, từ trước đến nay tôi chỉ đạo không để phần xuất khẩu quá nhiều nên giờ vẫn thấy mình luôn đúng. Sản xuất kinh doanh của tập đoàn luôn đặt lợi ích của cổ đông lên trên hết”, ông Long nhấn mạnh
Trả lời những câu hỏi liên quan đến hoạt động kinh doanh, đầu tư bất động sản của tập đoàn, theo ông Long, quan điểm từ trước đến nay của tập đoàn với các dự án bất động sản, bất động sản công nghiệp từ trước đến nay tập đoàn luôn để tỷ trọng chỉ từ 5 – 7%. Đây là mức khá an toàn. Với các dự án nhà ở xã hội, Hoà Phát nhận định đây là lĩnh vực có đầu ra rất tốt và tập đoàn đang đi theo hướng này. Tập đoàn đang làm dự án ở Yên Mỹ,
Về lo ngại việc áp thuế sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá và hoạt động của doanh nghiệp, ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Hoà Phát cho biết, tỷ giá USD, không ai có thể nói trước được. Nếu sau 90 ngày, việc thực hiện chính sách thuế diễn ra, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp. Hiện Hoà Phát có 31% xuất khẩu và chia ra 40 nước trên thế giới. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm từ 40 – 60% trong khi Hoà Phát xuất sang Hoa Kỳ chỉ có tỷ trọng 1% nên khi có biến động, việc chia nhỏ thị trường sẽ giúp giảm tác động nhiều. Để ứng phó với biến động tỷ giá, ông Thắng cho biết, tập đoàn sẽ có biện pháp hedging (phòng vệ giá) để bảo hiểm tỷ giá. “Tỷ giá tăng sẽ ảnh hưởng giá thành bán ra. Giá thành tăng và đưa vào giá bán thế nào sẽ phụ thuộc sức chịu đựng của nền kinh tế và điều hành của Chính phủ”, ông Thắng cho hay.
“Lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương coi doanh nghiệp tư nhân là động lực chính để phát triển. Đây là động lực rất lớn, tiền đề cho sự phát triển huy hoàng, sáng lạn của Hoà Phát. Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo theo Nghị quyết 57 là một chủ trương lớn. Tập đoàn là một doanh nghiệp lớn, khi có chủ trương triển khai cụ thể của Đảng và Chính phủ và hướng dẫn thì tập đoàn sẽ thực hiện. Với truyền thống luôn đổi mới của tập đoàn, Hoà Phát sẵn sàng tham gia”, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát.