Ông trùm vận tải biển Việt Nam hồi phục sau 2 năm lao dốc: Lợi nhuận tăng 65% về sát đỉnh, dồn lực cho siêu cảng 4,8 tỷ USD

Chiều ngày 6/1/2025, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác xây dựng Đảng và nhiệm vụ kinh doanh năm 2025.

VIMC cho biết năm 2024 đánh dấu một năm đầy thách thức khi VIMC phải đối mặt với biến động mạnh của thị trường quốc tế, suy thoái kinh tế và những yêu cầu mới từ xu hướng giảm phát thải toàn cầu.

DÙ vậy, VIMC đã công bố kết quả kinh doanh năm 2024 với doanh thu toàn tổng công ty đạt 24.813 tỷ đồng và  lợi nhuận toàn tổng công ty đạt 4.940 tỷ đồng.

Doanh thu hợp nhất đạt 18.208 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2023 và lợi nhuận hợp nhất đạt 3.510 tỷ đồng, tăng 65% so với năm trước.

Ông trùm vận tải biển Việt Nam hồi phục sau 2 năm lao dốc: Lợi nhuận tăng 65% về sát đỉnh, dồn lực cho siêu cảng 4,8 tỷ USD- Ảnh 1.

Sản lượng vận tải biển đạt 20 triệu tấn, vượt 22% kế hoạch; hệ thống cảng biển xử lý 145 triệu tấn hàng hóa, tăng 27% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng container đạt trên 6,2 triệu TEUs. 

Trong báo cáo tài chính quý 3/2024, 9 tháng đầu năm, VIMC ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 12.360 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.641 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 2.243 tỷ đồng.

Đáng chú ý, năm 2024 VIMC đã hoàn thành ký kết thỏa thuận thành lập liên doanh đầu tư và xây dựng dự án Cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt chủ trương.

Đây là dự án có quy mô lớn được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của TP.HCM và khu vực.

Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có quy mô khoảng 571ha, cầu cảng chính dài hơn 7km, có thể tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất hiện nay 250.000 DWT (24.000 TEU). Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 4,8 tỷ USD.

Tại hội nghị tổng kết của Bộ Giao thông vận tải mới đây, Tổng Giám đốc VIMC Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết, VIMC sẽ tập trung nguồn lực lớn nhất vào các dự án cảng nước sâu mang tính chiến lược, điển hình là dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và kỳ vọng cảng này sẽ trở thành biểu tượng mới của ngành hàng hải Việt Nam.

6 mục tiêu chiến lược

Năm 2025, VIMC xác định 6 mục tiêu chiến lược.

Một là, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng bền vững các hoạt động cốt lõi, quyết tâm giữ vững và phát triển thị trường, thị phần đồng thời tìm kiếm và tạo động lực tăng trưởng mới trên cơ sở hệ sinh thái cảng biển – vận tải biển – logistics.

Hai là, thiết kế và cung cấp trải nghiệm khách hàng xuất sắc, nâng tầm và lan tỏa văn hóa "Lấy khách hàng làm trung tâm" trong mọi không gian, hoạt động.

Ba là, hoàn thành và hoàn thành vượt mức tiến độ các dự án đầu tư phát triển, đặc biệt các dự án trọng điểm: Bến số 3,4 Lạch Huyện; cảng Liên Chiểu, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và dự án cảng Liên Chiểu.

Bốn là, xây dựng nền tảng, quy định, quy chế theo hướng nhất thể hóa (One System), đồng bộ hóa các quy định nội bộ, hướng tới sự linh hoạt để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Năm là, tăng cường đào tạo nội bộ, thu hút nhân tài bên ngoài để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cuối cùng, tiếp tục sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường phân cấp, phân quyền thực chất, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

Sang năm 2025, VIMC đặt mục tiêu sản lượng vận tải biển đạt 20,09 triệu tấn, sản lượng hàng hóa hệ thống cảng biển xử lý đạt 155,8 triệu tấn, doanh thu đạt 20.308 tỷ đồng và lợi nhuận hơn 3.000 tỷ đồng

Xem thêm tại cafef.vn