Ông Trương Gia Bình: Làm phần mềm thu nhập một thì bán dẫn thu nhập 3, ngành bán dẫn đang thiếu 1 triệu lao động
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của CTCP FPT chiều ngày 10/4, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT cho biết, cách đây khoảng 2 tuần, Hiệp hội các ông chủ Nhật Bản đã sang Việt Nam gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và họ bàn đến 5 từ khoá: Trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, xe điện, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Cơ hội lớn của Việt Nam trước nhu cầu của thế giới
Và ông Trương Gia Bình gọi tắt đó là "Tuệ - bán - xe - số - xanh", theo ông đây cũng là 5 từ khóa quyết định lịch sử của nhân loại trong 3/4 thế kỷ và tiếp tục xác định 1/4 thế kỷ còn lại.
“Với 5 từ khoá đó, Việt Nam được chọn, thời khắc của chúng ta đã đến,” ông Bình nhấn mạnh.
Ông Trương Gia Bình: "Làm phần mềm thu nhập một thì bán dẫn thu nhập 3" |
Chủ tịch FPT cũng đưa ra lý giải rằng ‘’ ngành bán dẫn trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang có nhu cầu lớn khủng khiếp về nguồn nhân lực’’. Cụ thể hơn, ông Bình cho biết, hiện tại các nước trên thế giới đều đang ồ ạt làm bán dẫn, nhưng nguồn nhân lực ngành này đều đang cực kỳ khan hiếm. Ví dụ như Nhật Bản, Đài Loan trước đây đã từng đổi đời nhờ bán dẫn nhưng lao động của các nước này đều không làm nữa. Hiện, họ đang muốn tái tạo lại ngành công nghiệp này ở nước họ nhưng không đủ lao động.
Nắm bắt sớm nhu cầu của thị trường thế giới, ông Trương Gia Bình cho biết FPT đã ký kết trực tiếp với các doanh nghiệp. Đầu tiên là nhắm tới thị trường Nhật Bản, FPT có cam kết cung cấp nhân lực cho các nhà máy hiện đại xây lại tại đây. Song song đó, FPT ký với Đài Loan về đào tạo nhân lực.
“FPT ký kết với loạt các đơn vị để có đầu ra. Khi có đầu ra thì thanh niên Việt Nam sẽ làm. Làm phần mềm thu nhập một thì bán dẫn thu nhập 3. Bán dẫn hấp dẫn cả về công việc, thu nhập và điều kiện làm việc,” ông Trương Gia Bình khẳng định. Chủ tịch FPT cũng lưu ý nhân sự trong ngành bán dẫn cần biết nói tiếng Trung.
Ngành bán dẫn đang đối mặt với một cuộc ''khủng hoảng'' nhân sự toàn cầu
Bên cạnh những thông tin Chủ tịch FPT chia sẻ, theo công ty phân tích dữ liệu McKinsey & Company, ngành công nghiệp bán dẫn đang đối mặt với sự bất hợp lý về độ tuổi lao động. 1/3 số lao động ngành bán dẫn tại Mỹ có độ tuổi từ 55 trở lên, cũng có nghĩa là họ sắp nghỉ hưu. Tại châu Âu, 1/5 lực lượng lao động ngành bán dẫn cũng ở trong độ tuổi này.
Số liệu từ Hiệp hội Công nghiệp Điện và Kỹ thuật số (ZVEI) Đức và Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI) cho thấy, khoảng 1/3 số người làm trong ngành bán dẫn nước này sẽ nghỉ hưu trong thập kỷ tới.
Tỷ lệ lao động ngành bán dẫn dự định rời bỏ công việc là 53% năm 2023, tăng hơn nhiều so với 40% ở năm 2021. Khi được đặt câu hỏi, những người này cho biết, lý do dẫn tới quyết định trên bởi họ không thể phát triển và thăng tiến nghề nghiệp (34%), một nguyên khác là nơi làm việc thiếu tính linh hoạt (33%).
Năm 2023, tỷ lệ lao động ngành bán dẫn dự định rời bỏ công việc là 53% |
Theo McKinsey & Company, xu hướng này ngày càng tồi tệ bởi thực tế những người có ý định nghỉ việc không chỉ rời bỏ công ty mà họ còn rời bỏ cả ngành đang theo đuổi.
Số liệu thống kê chỉ ra rằng, tại Australia, Ấn Độ, Singapore, Anh và Mỹ, trong khoảng thời gian từ tháng 4/2020 đến tháng 4/2022, chỉ 36% người lao động ngành bán dẫn bỏ việc rồi nhận công việc mới trong cùng ngành. Với 64% số lao động nghỉ việc còn lại, họ lựa chọn chuyển sang một ngành khác hoặc nghỉ hưu và rời khỏi thị trường lao động.
Các nguyên nhân kể trên là lý do chính khiến nguồn nhân lực bán dẫn trên toàn cầu đang khan hiếm. Bất chấp nhu cầu khổng lồ về bán dẫn, ngành công nghiệp này đang phải vật lộn trong cơn khủng hoảng nghiêm trọng về vấn đề nhân sự.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn