PAN Group: Câu chuyện 3 năm không cổ tức, cổ đông được 3 tạ gạo và 36 chai nước mắm

bà Nguyễn Thị Trà My, CEO PAN Group
Bà Nguyễn Thị Trà My, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PAN Group

Như đã thông tin, CTCP Tập đoàn PAN (Mã PAN - HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 với doanh thu đạt 4.196 tỷ đồng - tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái (YoY); lợi nhuận sau thuế tăng 45% lên mức 363 tỷ đồng.

Tính chung cả năm 2023, doanh thu hợp nhất của PAN đạt 13.200 tỷ đồng - giảm 3% YoY. Cơ cấu doanh thu ghi nhận mảng nông nghiệp tăng gần 9% trong khi mảng thực phẩm giảm hơn 10%.

Tuy nhiên nhờ doanh thu tài chính tăng mạnh 83% lên mức 579 tỷ đồng trong khi chi phí bán hàng giảm hơn 12% nên lợi nhuận sau thuế của công ty vẫn tăng 3% so với năm 2022, đạt 819 tỷ đồng - mức cao kỷ lục.

Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tăng lên mức 1.454 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối quý IV/2023, quy mô tài sản của PAN Group đạt 20.215 tỷ đồng - tăng 26% so với đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là khoản đầu tư tài chính ngắn hạn với 7.051 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở khoản mục chứng khoán kinh doanh (6.676 tỷ đồng, gấp 3 lần đầu năm và chiếm 33% tổng tài sản).

Dù không được thuyết minh song theo báo cáo soát xét bán niên 2023, đây chủ yếu là khoản đầu tư chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng tại các ngân hàng thương mại và hưởng lãi suất từ 5,65-9%/năm. Các chứng chỉ tiền gửi trên được thế chấp tại ngân hàng để đảm bảo cho một số khoản vay ngắn hạn của công ty.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn ghi nhận 2.372 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng.

Tổng nợ phải trả tăng 32,6% so với đầu năm lên gần 11.900 tỷ đồng (chủ yếu đến từ tăng vay nợ).

Thời điểm cuối quý IV/2023, công ty đang ghi nhận khoản vay nợ tài chính gần 9.000 tỷ đồng. Vay nợ lớn khiến chi phí lãi vay trong năm tăng gần gấp đôi lên mức 457 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, công ty thu về gần 500 tỷ đồng lãi tiền gửi, trái phiếu và lãi cho vay - gấp 2,4 lần năm 2022.

PAN Group hoạt động chính trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, là cái tên nổi bật trong số các công ty thành viên thuộc "hệ sinh thái" của ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán SSI (Mã SSI - HoSE).

Cần nhấn mạnh rằng SSI là một trong những công ty chứng khoán nắm giữ nhiều chứng chỉ tiền gửi bậc nhất trên thị trường. Tại thời điểm cuối năm 2023, danh mục chứng chỉ tiền gửi của SSI tăng 84% so với đầu năm lên gần mức 30.000 tỷ đồng (chiếm 43,8% tổng tài sản). Một phần chứng chỉ tiền gửi được SSI cầm cố ở các nhà băng để bảo đảm cho các khoản vay ngắn hạn (repo).

Cổ phiếu 4 năm "giậm chân tại chỗ"

PAN Group là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm có vốn điều lệ gần 2.090 tỷ đồng.

Doanh nghiệp được nhà đầu tư nhớ đến với chính sách "tri ân" những cổ đông nắm giữ từ 25.000 cổ phiếu trở lên đến dự ĐHCĐ thường niên giai đoạn 2021-2023 bằng hiện vật là sản phẩm do chính công ty sản xuất (3 năm được 3 tạ gạo và 36 chai nước mắm).

Dù là ông lớn ngành thực phẩm trong đó có sản phẩm gạo song năm 2023, cổ phiếu PAN chỉ tăng 35% (đóng cửa tại mức 20.200 đồng/cp) - không đáng kể so với mức tăng bằng lần của cổ phiếu Lương thực Miền Nam (VSF).

PAN Group: Câu chuyện 3 năm không cổ tức, cổ đông được 3 tạ gạo và 36 chai nước mắm
Diễn biến giá cổ phiếu PAN

Thậm chí, mức giá hiện tại của PAN vẫn đang thấp hơn giá thời điểm đầu năm 2020 (trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát). Trong cùng thời điểm, công ty đã có một đợt tăng vốn thông qua thưởng cổ phiếu tỷ lệ 4:1 hồi cuối tháng 1/2020.

Câu chuyện khác, lần gần nhất cổ đông PAN Group được nhận cổ tức đã cách đây gần 3 năm (cổ tức bằng tiền mặt năm 2020, tỷ lệ 5%).

>> Câu chuyện cổ đông PAN Group được 3 tạ gạo và 36 chai nước mắm sau 3 năm đi họp

Xem thêm tại nguoiquansat.vn