Báo cáo tại đại hội đồng cổ đông thường niên sáng 26/4, Tổng Giám đốc Petrolimex Đào Nam Hải cho biết, năm 2023 kinh tế Việt Nam chịu tác động từ tình hình chung của thế giới, trong khi giá xăng dầu thế giới năm 2023 tăng nhanh, giảm nhanh với diễn biến khó đoán định. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu gặp nhiều khó khăn khi không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, nhiều doanh nghiệp xin giải thể, đóng cửa.
Tuy nhiên, việc các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu, một số doanh nghiệp đầu mối bị thu hồi giấy phép và xử lý các vi phạm đã giúp cho thị trường xăng dầu lành mạnh hơn. Cùng với đó, sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt, đặc biệt là kênh bán hàng qua trung gian, trong khi tình trạng vi phạm thương hiệu, hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng dẫn đến hoạt động cạnh tranh không lành mạnh tạo ra thách thức, cơ hội đan xen cho Petrolimex.
Theo ông Hải, năm 2023, sản lượng xăng dầu xuất bán của tập đoàn đạt 14,39 triệu m3/ tấn, doanh thu hợp nhất 273,9 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 2.176 tỷ đồng. Tập đoàn đã thực hiện tốt vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước trong thực hiện bình ổn thị trường xăng dầu, bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Theo đại diện Petrolimex, năm 2023, thu nhập đầu tư tài chính dài hạn của tập đoàn tăng hơn 4.812 tỷ đồng, chủ yếu nhờ thoái toàn bộ vốn tại PGBank. Tại đại hội, Petrolimex kiến nghị trích hơn 53,4 tỷ đồng để khen thưởng người lao động, người quản lý và bổ sung khen thưởng phúc lợi theo mức lợi nhuận vượt kế hoạch. Tập đoàn sẽ chi cổ tức với tổng số tiền hơn 1.905 tỷ đồng (tỷ lệ 15%). Tập đoàn cũng đề nghị thông qua tổng quỹ tiền lương và thù lao của HĐQT hơn 7,6 tỷ đồng, thù lao của ban kiểm soát hơn 4,37 tỷ đồng. Quỹ tiền lương và thù lao HĐQT năm 2024 hơn 8,08 tỷ đồng, thù lao của ban kiểm soát hơn 4,45 tỷ đồng.
Tập đoàn cũng đề xuất các bộ, ngành xem xét sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định đối với hoạt động đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và phân phối xăng dầu ở Việt Nam.
Đại hội đồng cổ đông cũng thực hiện miễn nhiệm 3 thành viên HĐQT (các ông Lê Văn Hướng, Võ Văn Quyền và Ken Kimura) và 2 thành viên Ban Kiểm soát (ông Nguyễn Vinh Thanh và ông Norimasa Kuroda) đồng thời bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT và 2 thành viên Ban Kiểm soát mới là các ông Trần Tuấn Linh, Endo Tsuyoshi, Đinh Thái Hương, Okuma Atsushi và Mai Việt Dũng.
Các cổ đông cũng đặt câu hỏi về việc các đầu mối bị thu hồi giấy phép đầu mối kinh doanh xăng dầu, cụ thể trường hợp Hải Hà Petrol mới đây, có mang lại lợi ích gì cho các đầu mối khác như Petrolimex. Trả lời câu hỏi, ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng Giám đốc Petrolimex - cho biết, Hải Hà chỉ bị thu hồi giấy phép đầu mối, đồng nghĩa không được quyền nhập khẩu xăng dầu. Việc mua lại và kinh doanh xăng dầu khác, Hải Hà vẫn thực hiện bình thường. Tuy nhiên, việc không còn là đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị này khi nhiều thương nhân phân phối, đại lý nhượng quyền cũng sẽ tìm đến các đầu mối khác để đảm bảo nguồn cung.
“Việc dừng giấy phép đầu mối của Hải Hà, chúng tôi tin với thương hiệu của Petrolimex, có nhiều thương nhân phân phối, nhượng quyền tìm đến chúng tôi để đảm bảo nguồn cung”, ông Năm nói.
Lã đạo Petrolimex cũng cho biết tập đoàn đặt mục tiêu đến 2030 nâng vốn điều lệ lên 20.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện còn một số vướng mắc về thủ tục nâng vốn nên sẽ làm việc và kiến nghị với các bộ, ngành có giải pháp tháo gỡ.
Năm 2024, Petrolimex đặt mục tiêu bán 13,03 triệu m3/tấn xăng dầu, bằng 92% so với năm 2023. Doanh thu hợp nhất 188 nghìn tỷ đồng, bằng 68% với năm trước. Lợi nhuận trước thuế 2.900 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức 10%.