PGBank vừa được đổi tên đã tăng vốn điều lệ
Ngân hàng Nhà nước vừa có quyết định cho phép PGBank đổi tên từ Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex thành Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng và Phát triển. Đồng thời, đổi tên viết tắt thành PGBank (tên viết tắt cũ là PG Bank).
Để tiến hành việc xin đổi tên lần này, PGBank đã xin ý kiến cổ đông thông qua việc đổi tên thương mại và được chấp thuận. Theo PGBank nguyên nhân là do tên cũ gắn với cổ đông lớn trước đây là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex, thế nhưng do hiện nay Petrolimex đã thoái vốn tại PGBank và Petrolimex đã yêu cầu PGBank chấm dứt sử dụng các nhãn hiệu thuộc sở hữu của Petrolimex trước ngày 31/12/2023. Cho nên, việc thay đổi tên thương mại và bộ nhận diện thương hiệu mới của PGBank là cần thiết để phù hợp với tình hình hiện tại và định hướng tái cấu trúc của ngân hàng.
Đồng thời, PGBank cũng thông qua việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính về Tòa nhà HEAC số 14-16 Hàm Long, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Trước đó, trụ sở ngân hàng đặt tại địa chỉ Tầng 16, 23, 24 Tòa nhà Mipec, số 229 Tây Sơn, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, Tp.Hà Nội.
Trong một diễn biến khác, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã có công văn chấp thuận đề nghị tăng vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank).
Theo đó, PGBank sẽ được tăng vốn điều lệ tối đa thêm 1.200 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu theo Phương án tăng vốn điều lệ được Đại hội đồng cổ đông bất thường 2023 thông qua.
Dự kiến sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của PGBank sẽ tăng từ mức 3.000 tỷ đồng hiện tại lên 4.200 tỷ đồng. Hiện với mức 3.000 tỷ đồng, PGBank là ngân hàng có vốn điều lệ thấp nhất hệ thống.
Trước đó, ĐHĐCĐ bất thường năm 2023 của PGBank đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 1.200 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ sở hữu thông qua phát hành 120 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 40%. Ngoài ra, PG Bank còn có kế hoạch phát hành thêm 80 triệu cổ phiếu cho cổ động hiện hữu theo tỷ lên phân phối là 15:4, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được hưởng 1 quyền và cứ 15 quyền sẽ được nhận 4 cổ phiếu mới phát hành thêm.
Theo báo cáo thường niên năm 2022 cho thấy, PGBank có lợi nhuận sau thuế đạt 506 tỷ đồng đạt 117,5% kế hoạch và tăng 56,4% so với năm 2021. Đồng thời tỷ lệ nợ xấu được duy trì ở mức 2,56%.
Bên cạnh đó, đề cập đến các tủi ro từ môi trường bên trong PGBank cho rằng, yếu tố công nghệ hiện tại hệ thống công nghệ đầu tư từ lâu, chưa đáp ứng đầy đủ được các yêu cầu mới về quản lý; Về công tác xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc do thị trường chuyển nhượng, phát mại tài sản chưa thuận lợi, thủ tục để phát mại tài sản phức tạp, kéo dài.
Ngoài ra, PGBank ghi nhận việc xử lý nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn, theo đó, tỷ lệ nợ xấu là 2,56% tăng 0,04% so với tỷ lệ nợ xấu năm 2021. Tính đến ngày 30/9/2023, PGBank có tỷ lệ nợ xấu so với cho vay khách hàng là 2,64%, tỷ lệ cho vay khách hàng so với cuối năm 2022 chỉ là 4,9%, một tỷ lệ khá khiêm tốn so với các ngân hàng niêm yết. Tính đến ngày 30/9/2023, PGBank tăng trưởng âm về lợi nhuận sau thuế.
Xem thêm tại taichinhdoanhnghiep.net.vn