Phát triển hệ sinh thái, hướng tới “ngân hàng mở”

“Ngân hàng mở” (Open banking) là mô hình kết nối, xử lý các giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) cho phép các bên thứ ba cung cấp dịch vụ được quyền truy cập thông tin dữ liệu ngân hàng của khách hàng dựa trên sự chấp thuận của khách hàng.

Theo nghiên cứu của nhà cung cấp dịch vụ tư vấn và công nghệ tài chính mở Konsentus, 68 quốc gia đã hoặc đang phát triển "ngân hàng mở". Tại châu Á, các dịch vụ ngân hàng mở đã phát triển rất mạnh ở Hàn Quốc, Hong Kong, Singapore, Nhật Bản… Vì thế, từ 2020 đến nay, hàng loạt ngân hàng Việt Nam đã nhập cuộc phát triển mô hình này: Vietinbank, BIDV, OCB, MB, Nam A Bank…

Trong đó, VietinBank đã cho ra mắt ứng dụng VietinBank iConnect từ năm 2019. Theo thống kê, mỗi tháng có trên 55 triệu giao dịch tài chính được thực hiện qua nền tảng này. MB cũng đã phát triển nền tảng MB BaaS với hàng loạt dịch vụ tài chính được tích hợp liền mạch trên ứng dụng di động hoặc nền tảng của các đối tác...

Hay ứng dụng BIDV Open API của ngân hàng BIDV cung cấp 15 gói API với 4 nhóm dịch vụ được sử dụng nhiều nhất gồm dịch vụ thanh toá, dịch vụ thu hộ, thanh toán trực tuyến… Ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho hay, ước tính đến năm 2025, sẽ có khoảng hơn 500.000 khách hàng doanh nghiệp, 1 triệu khách hàng tiểu thương và hàng triệu khách hàng cá nhân sẽ được cung cấp các tiện ích từ hệ thống BIDV Open API.

Cũng về vấn đề này, tại hội thảo “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số” trong khuôn khổ sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng 2024 vào chiều 8/5, ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, hạ tầng chung về “ngân hàng mở” sẽ giúp khách hàng sẽ tối ưu hóa trải nghiệm, tiếp cận nhiều nguồn thông tin và dịch vụ, xử lý các nhu cầu tài chính, chia sẻ dữ liệu an toàn...

Đối với các ngân hàng và công ty công nghệ tài chính (Fintech), hạ tầng chung về “ngân hàng mở” sẽ giảm sự phức tạp trong triển khai pháp lý, giảm rủi ro an ninh, tiết kiệm chi phí và nguồn lực, tăng khả năng mở rộng dịch vụ, thêm cơ hội tiếp cận khách hàng, bán chéo sản phẩm dịch vụ…

Về phía cơ quan quản lý, hạ tầng chung về “ngân hàng mở” cũng giúp dễ dàng hơn trong giám sát thị trường, thúc đẩy hệ sinh thái số, triển khai chủ trương phát triển kinh tế số, tạo ra nền tảng cho sự phát triển của tài chính mở…

Nhưng cũng theo đại diện NAPAS, việc triển khai vẫn còn một số khó khăn, như việc mỗi ngân hàng phải xây dựng và vận hành tiêu chuẩn, kết nối riêng, từ đó làm tăng chi phí vận hành, tốn kém nguồn lực. Còn theo nhận định của Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS), mô hình “ngân hàng mở” tại Việt Nam còn mang tính riêng lẻ, phần lớn do ngân hàng và đối tác tự xây dựng dựa trên nhu cầu của nhau.

Vì thế, các ngân hàng cần tháo gỡ 3 thách thức để tự tin theo hướng “ngân hàng mở” là: vấn đề quản trị dữ liệu, an toàn bảo mật, nền tảng và chuẩn dữ liệu kỹ thuật.

Hiện nhiều giải pháp công nghệ đã được công bố để hỗ trợ các tổ chức tín dụng xây dựng theo hướng “ngân hàng mở”. Ông Trần Đăng Hoà, Chủ tịch FPT IS cho hay, để tháo gỡ bài toán tổng thể, FPT xây dựng khung chiến lược chuyển đổi số bền vững như xây dựng hệ thống lõi đạt chuẩn, hiện đại hoá hạ tầng công nghệ thông tin, quản trị dữ liệu ngân hàng trên nền tảng điện toán đám mây FPT Cloud, tối ưu hoá quản trị vận hành, đảm bảo bảo mật thông tin với bộ giải pháp FPT.EagleEye…

Còn theo Phó Tổng giám đốc NAPAS, các đơn vị cung cấp hạ tầng thanh toán như NAPAS cũng đã sẵn sàng chuẩn bị những cơ sở, sản phẩm dịch vụ để đón kịp và phục vụ ngân hàng và các bên thứ 3 cung cấp dịch vụ trên hạ tầng “ngân hàng mở”. NAPAS cũng xây dựng hạ tầng số hóa thanh toán để sẵn sàng đáp ứng cho quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực thanh toán hiện tại cũng như tương lai. Phát triển các sản phẩm đa kênh, đa phương tiện, hỗ trợ thanh toán dịch vụ công…

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn