Phát triển khu công nghiệp: Động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Các KCN vùng Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Trong ảnh: KCN Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) Ảnh: Công Danh |
Phát triển khu công nghiệp, tạo đột phá tăng trưởng
Đến nay, quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tất cả các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo quy hoạch, các địa phương đều xác định công nghiệp là trụ cột quan trọng để tạo đột phá về tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm. Trong đó, tập trung phát triển các khu công nghiệp (KCN) theo hướng hiện đại, ưu tiên kêu gọi nhà đầu tư hạ tầng KCN chiến lược, có tiềm năng.
Theo số liệu tổng hợp từ các ban quản lý KCN, khu kinh tế (KKT) vùng ĐBSCL, hiện trong vùng có 122 KCN, KKT với tổng diện tích 137.516 ha. Trong đó, có 52 KCN, KKT đã đi vào hoạt động, tổng diện tích 106.874 ha.
Với vị trí thuận lợi tiếp giáp TP.HCM, Long An là địa phương dẫn đầu về số lượng KCN trong vùng ĐBSCL. Ban Quản lý KKT tỉnh Long An cho biết, đến nay, toàn tỉnh có 36 KCN được thành lập với tổng diện tích quy hoạch là 9.693,29 ha, gồm 26 KCN đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư, tỷ lệ lấp đầy đạt 67,88%; 10 KCN đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, đang triển khai thực hiện các thủ tục, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng, với diện tích quy hoạch 2.887,86 ha.
Chủ tịch UBND tỉnh Long An, ông Nguyễn Văn Út cho biết, Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng tái tạo là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Để chuẩn bị tiếp nhận các dự án đầu tư theo định hướng này, Long An sẽ thành lập thêm 17 KCN, nâng tổng số KCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 lên 51 KCN, tổng diện tích 12.433 ha. Đây là điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tận dụng hạ tầng, chính sách ưu đãi… tại các KCN rộng khắp và trải dài trên địa bàn tỉnh.
Là “thủ phủ” của vùng ĐBSCL, TP. Cần Thơ đang tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN nhằm phát triển công nghiệp sản xuất, chế tạo, chế biến, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao..., đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, để Cần Thơ thực sự trở thành trung tâm của vùng.
Theo Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thành phố có 13 KCN với diện tích khoảng 7.473 ha. Trong đó, có 6 KCN đã thành lập với tổng diện tích 987,57 ha. Dự kiến, Thành phố sẽ thành lập mới 7 KCN khi đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật về KCN, với tổng diện tích dự kiến là 6.485,75 ha.
Ông Phạm Duy Tín, Trưởng ban Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ cho biết, trong số các KCN đã được thành lập, KCN Vĩnh Thạnh - giai đoạn 1 (293,7ha, vốn đầu tư 3.717 tỷ đồng, do Công ty cổ phần VSIP Cần Thơ đầu tư) là một điểm sáng trong công tác thu hút đầu tư.
Đây là KCN được quy hoạch hiện đại, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, quản lý thông minh, thân thiện với môi trường, phát triển theo hướng bền vững. Công tác giải phóng mặt bằng hiện đã đạt khoảng 92%, dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2024; thực hiện các thủ tục đất đai và xây dựng hạ tầng kỹ thuật để có thể bàn giao cho các nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động từ quý III/2025.
Đến nay, tại KCN Vĩnh Thạnh - giai đoạn 1 đã có 18 nhà đầu tư nước ngoài đăng ký thuê đất với diện tích hơn 100 ha. Dự kiến trong năm 2025 - 2026, diện tích đất cho thuê tại KCN này sẽ được lấp đầy. Công ty cổ phần VSIP Cần Thơ đang tiến hành các thủ tục pháp lý để đầu tư Dự án KCN Vĩnh Thạnh 2, quy mô 519 ha.
Trong khi đó, tỉnh Hậu Giang có 2 dự án cao tốc trục dọc (cao tốc Cần Thơ - Cà Mau) và trục ngang (cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) đi qua, nên xác định 2 hành lang kinh tế của tỉnh bám theo 2 tuyến cao tốc này. Đây cũng là không gian mới để tỉnh phát triển công nghiệp, đô thị và logistics. Trong đó, tập trung triển khai quy hoạch, thu hút đầu tư các KCN với vị thế là nền tảng trong phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế của tỉnh, giải quyết việc làm và tăng thu ngân sách, tạo nguồn lực cho phát triển các lĩnh vực khác.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang chia sẻ, tỉnh được phê duyệt diện tích đất KCN đến năm 2030 đứng thứ 2 ở vùng ĐBSCL (hơn 2.200 ha). Riêng giai đoạn đến năm 2025, Hậu Giang có hơn 700 ha đất KCN. Tiêu chí để tỉnh lựa chọn nhà đầu tư phát triển hạ tầng KCN là doanh nghiệp phải có kinh nghiệm đầu tư KCN ở các tỉnh, thành phố khác và đã thành công trong lĩnh vực này. Còn đối với doanh nghiệp đầu tư vào KCN của tỉnh (nhà đầu tư thứ cấp), phải thỏa mãn các tiêu chí giải quyết việc làm cho lao động địa phương; đóng góp nguồn thu ngân sách và bảo vệ môi trường.
Với Đồng Tháp, ngoài 4 KCN đã thành lập với diện tích 400 ha, theo Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thì đến năm 2030, tỉnh thành lập mới 5 KCN với diện tích 866 ha. Từ sau năm 2030 đến năm 2050, thành lập mới 3 KCN và mở rộng 4 KCN với tổng diện tích 3.388 ha. Bên cạnh đó, trong kỳ Quy hoạch, sẽ thành lập mới 3 KCN trong KKT cửa khẩu với diện tích 1.800 ha.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Tấn Xiếu, Trưởng ban Ban Quản lý KKT tỉnh Đồng Tháp cho biết, định hướng ngành nghề phát triển tại các KCN trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới là phát triển đa ngành, mang hàm lượng kỹ thuật, công nghệ cao, công nghiệp sạch thân thiện môi trường, có sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ để chế biến chuyên sâu, nâng cao giá trị nông sản, thủy sản của tỉnh Đồng Tháp. Cụ thể, các ngành chủ yếu ưu tiên thu hút đầu tư gồm: sản xuất thức ăn gia súc, chế biến nông sản - thủy sản, công nghiệp nhẹ, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ hậu cần, dịch vụ trung chuyển hàng hóa để thúc đẩy chế biến nông sản, cung ứng vật tư và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp.
Đón nhiều “”ông lớn”“
Gần đây, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia đã và đang triển khai đã tạo hiệu ứng tích cực cho thu hút đầu tư phát triển các KCN trong vùng. Tại các địa phương ở ĐBSCL đã có nhiều “ông lớn” bất động sản công nghiệp triển khai xây dựng dự án cũng như tiến hành thủ tục pháp lý xin chủ trương đầu tư KCN.
Tại Vĩnh Long, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án; UBND tỉnh Vĩnh Long đã ra quyết định thành lập KCN Đông Bình (thị xã Bình Minh) có diện tích 350 ha. Nhà đầu tư KCN này - Công ty cổ phần Đầu tư TNI Vĩnh Long - đang triển khai thực hiện Dự án.
Bên cạnh đó, KCN Gilimex Vĩnh Long (huyện Bình Tân) có diện tích 400 ha cũng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Long cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thực hiện Dự án (giai đoạn I) với diện tích 255 ha. Dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư.
Cũng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, KCN An Định (huyện Mang Thít) có diện tích 200 ha được phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 và nhà đầu tư là Công ty cổ phần Long Hậu đã nộp hồ sơ xin chủ trương đầu tư.
Tại Hậu Giang, Công ty cổ phần KCN Đông Phú (thuộc Công ty cổ phần Shinec) đề xuất đầu tư Dự án KCN Đông Phú 2, diện tích 234 ha tại xã Đông Phú (huyện Châu Thành), với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 3.997 tỷ đồng.
Theo Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng KCN Đông Phú 2, đây là KCN với mục tiêu phát triển theo mô hình KCN sinh thái, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, mới, sạch, tiết kiệm...
Đặc biệt, tại Cần Thơ, ông Phạm Duy Tín cho biết, các KCN dự kiến thành lập mới của Thành phố được nhiều nhà đầu tư quan tâm, khảo sát và đề xuất chủ trương đầu tư. Trong đó, Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ đã nộp hồ sơ xin chủ trương đầu tư KCN Vĩnh Thạnh - Giai đoạn II với quy mô khoảng 559,86 ha, định hướng thu hút các dự án đầu tư theo mô hình cụm liên kết ngành.
Đồng thời, Tập đoàn Kinh Bắc cũng đang nghiên cứu, khảo sát, dự kiến đầu tư KCN công nghệ cao quận Ô Môn (250 ha) và KCN Cờ Đỏ - Thới Lai (1.070 ha); Công ty IDICO nghiên cứu, khảo sát, dự kiến đầu tư KCN Vĩnh Thạnh 3 (675 ha).
Để tăng thêm tính hấp dẫn của các KCN trong vùng ĐBSCL, đại diện các ban quản lý KCN, KKT kiến nghị, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm, cần tiếp tục quan tâm đầu tư kết nối hạ tầng cảng biển, logistics, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... nhằm đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư. Đặc biệt, trước tình trạng khan hiếm cát sông phục vụ công tác san lấp mặt bằng KCN hiện nay, cần sớm tìm nguồn vật liệu thay thế nhằm giúp nhà đầu tư hạ tầng KCN đảm bảo tiến độ xây dựng cũng như hạn chế phát sinh chi phí đầu tư dự án.
Xem thêm tại baodautu.vn