Phát triển kinh tế tuần hoàn bắt đầu từ thu gom tái chế chất thải rắn

Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh đã đặt mục tiêu đến năm 2030, nâng tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt lên 95% ở khu vực thành thị, 90% ở khu vực nông thôn và 98% đối với chất thải nguy hại.

Tại Quảng Ninh, hiện khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) bao gồm cả đô thị và nông thôn, phát sinh khoảng 1.189,1 tấn/ngày (khoảng 434.022 tấn/năm). Trong đó, khối lượng được thu gom, xử lý là 1.139,1 tấn/ngày, đạt 95,8%.

MỤC TIÊU 100% CHẤT THẢI RẮN ĐƯỢC TUẦN HOÀN VÀO 2030

Hiện nay, tỉnh đang vận hành các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, gồm: 19 cơ sở xử lý bằng phương pháp đốt, compost; 4 khu chôn lấp thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh tại xã Vũ Oai và Hòa Bình, thành phố Hạ Long, phường Mông Dương (thành phố Cẩm Phả), xã Vô Ngại (huyện Bình Liêu) và tại huyện Cô Tô. Ngoài ra tỉnh cũng có 1 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt thô sơ, kết hợp đốt thủ công tại thôn Xóm Lương, xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên.

Trước đó, từ tháng 4/2024 UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 91/KH-UBND về tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ trên địa bàn tỉnh đền năm 2025, định hướng năm 2030.

Mục tiêu đến năm 2030 lượng phân bón hữu cơ sản xuất quy mô nông hộ, nông trại được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp đạt tối thiểu 50.000 tấn/năm; Tỷ lệ phụ phẩm trồng trọt được thu gom tuần hoàn đạt 90%; Tỷ lệ chất thải rắn hữu cơ tại đô thị được tuần hoàn đạt 100%; ỷ lệ chất thải rắn hữu cơ tại nông thôn được tuần hoàn đạt 70%; Tỷ lệ phụ phẩm của công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm được thu gom và tuần hoàn đạt 90%; Mỗi xã có ít nhất 01 điểm, vùng liên kết tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ.

Mặc dù công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý vẫn còn một số hạn chế nhất định, công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã và đang rất được quan tâm, đặc biệt tại các điểm đến nổi tiếng như Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

THU GOM, TÁI CHẾ CHẤT THẢI RẮN BẰNG NGÂN HÀNG RÁC

Bắt đầu từ tháng 4/2022, dự án “Vracbank - Gửi rác, lấy tiền” của CTCP Xi măng  và Xây dựng Quảng Ninh (QNC) là mô hình ngân hàng rác đầu tiên tại Việt Nam. Sau hai năm triển khai, mô hình “gửi rác rút tiền” này được tỉnh mở rộng ra Uông Bí, Hạ Long, Quảng Yên.

Phát triển kinh tế tuần hoàn bắt đầu từ thu gom tái chế chất thải rắn - Ảnh 1

Để tham gia vào mô hình Vracbank, người dùng sẽ được tạo một tài khoản riêng nhằm quản lý dữ liệu gửi rác. Rác được thu gom, phân loại như giấy bìa carton, chai lọ nhựa, vải vụn, vỏ bao xi măng,… sau đó mang tới “ngân hàng rác” để cân và quy đổi ra thành tiền hoặc điểm tích lũy trong tài khoản. Khách hàng sẽ nhận được phiếu ghi rõ số tiền, số điểm tích lũy và nhận tiền hoặc quy đổi ra sản phẩm hàng hoá thiết yếu.

Khách hàng tham gia Chương trình sẽ được hỗ trợ, ưu đãi như: Xe vận chuyển tận nhà với số lượng rác lớn, thu mua với giá cao hơn 10-15% so với giá thị trường, lãi suất đối với những tài khoản tích lũy lâu dài… Khi tài khoản đạt đến 300 điểm tích lũy nhưng người dùng chưa rút tiền sẽ được cộng trả lãi suất 1%/năm.

Dựa trên doanh thu tiền gửi rác tích luỹ của mỗi tài khoản trong một tháng, với những tài khoản gửi rác có tổng doanh thu đạt từ 500.000 đồng/tháng trở lên, Vracbank sẽ thưởng 10% giá trị tiền tích luỹ của tài khoản đó.

Theo thống kê, từ tháng 4/2022 đến hết tháng 6/2024, đã có 2.150 tài khoản tham gia, khối lượng rác được Vracbank thu gom hơn 650 tấn, chi trả hơn 1,7 tỷ đồng.

Mục tiêu đến năm 2025, chương trình sẽ xây dựng 1.000 điểm thu gom chi nhánh của Vracbank, không chỉ trên địa bàn Quảng Ninh mà còn mở rộng sang các địa phương khác trên cả nước. 

Việc sử dụng nguồn nguyên liệu than kết hợp với rác thải nhựa, rác thải công nghiệp từ ngành may mặc và giày da sẽ góp phần giảm giá nguyên liệu trong sản xuất, tiết kiệm chi phí, đồng thời xử lý được khối lượng lớn rác thải nhựa, rác thải tái chế trong dân cư và các công trình, nhà máy, khu công nghiệp.

QNC là một trong 2 doanh nghiệp của Quảng Ninh thực hiện đồng xử lý chất thải công nghiệp thông thường để thay thế nguyên liệu, nhiên liệu. Rác được thu gom qua mô hình Vracbank sẽ được QNC đưa về đốt trong các lò nung clinker, nếu phát huy hiệu quả, mô hình này với lượng rác đủ lớn và thường xuyên công ty có thể tiết kiệm năng lượng từ 30 - 40%.

Không chỉ có mô hình Vracbank, thời gian qua Quảng Ninh cũng đã triển khai “Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven vịnh Hạ Long” rất thành công.

Giải pháp quản lý rác thải trên vịnh Hạ Long được thực hiện đồng bộ, từ công tác thu gom rác trôi nổi trên mặt nước, ven bờ vùng đệm; phân loại rác tại các điểm tham quan; lắp đặt các thùng rác nổi trên vịnh đến tuyên truyền cho các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh, khách du lịch, người dân khu vực ven bờ vịnh và ngư dân trên vịnh; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức trong và ngoài nước về kỹ thuật

Nhờ vậy, chất lượng môi trường vịnh Hạ Long ngày càng được cải thiện, các khu vực phát sinh rác thải cơ bản được kịp thời xử lý. 

Xem thêm tại vneconomy.vn