'Phép tính' của giới chủ APG tại Angimex - GKM

AGM-GKM

GKM sẽ mua nhà máy của Angimex để lấn sân mảng gạo. Nguồn: AGM

Dấu ấn Chứng khoán APG tại Angimex, GKM

Tại kỳ họp ĐHCĐ bất thường 2023 diễn ra ngày 6/10/2023, Công ty cổ phần Khang Minh Group (mã: GKM) đã có sự thay đổi cấu trúc nhân sự thượng tầng. Doanh nghiệp tiến hành miễn nhiệm toàn bộ HĐQT và bầu lại cho nhiệm kỳ 2023 – 2028 với 5 thành viên. Gương mặt cũ ở lại gồm ông Đặng Việt Lê (Chủ tịch HĐQT) và ông Hoàng Văn Hải. 3 cái tên mới gồm Nguyễn Công Duy, Đỗ Minh Đức và Nguyễn Hữu Phú.  

Trong đó, ông Nguyễn Hữu Phú và ông Đỗ Minh Đức có nhiều liên hệ với các doanh nghiệp xoay quanh Chứng khoán APG (mã: APG) như Công ty cổ phần APG Capital, CTCP An Trường An (mã: ATG) và Angimex (mã: AGM).

Cụ thể, ông Đỗ Minh Đức là Trưởng phòng dịch vụ Ngân hàng Đầu tư Chứng khoán APG, thành viên HĐQT Công ty An Trường An, Thành viên HĐQT Angimex. Ông Nguyễn Hữu Phú là Trưởng phòng kinh doanh APG Capital, Chủ tịch HĐQT An Trường An và Thành viên HĐQT Angimex.

Mối thâm tình giữa Chứng khoán APG và Khang Minh Group có từ thời cổ phiếu GKM được niêm yết trên sàn HNX vào 2017 khi Chứng khoán APG chính là đơn vị tư vấn niêm yết. Trong suốt 4 năm không có điểm nhấn đặc biệt, cổ phiếu đi ngang quanh vùng 6.000 - 7.000 đồng/cp (giá điều chỉnh), từ tháng 7/2021, GKM bất ngờ tăng mạnh lên vùng 40.000 đồng/cp trong vòng nửa năm. Đây cũng là thời điểm Chứng khoán APG liên tục gom cổ phiếu GKM để thành cổ đông lớn. Đến giữa tháng 6/2022, tỷ lệ sở hữu của công ty chứng khoán do ông Nguyễn Hồ Hưng làm Chủ tịch HĐQT đã tăng lên 19,16% vốn Khang Minh Group – cổ đông lớn nhất. Trong năm 2023, Chứng khoán APG liên tục mua bán cổ phiếu GKM nhưng vẫn duy trì tỷ lệ sở hữu trên 19% vốn.

Trong năm 2023, 2 đại diện đến từ nhóm APG trên cũng đã được bầu vào HĐQT Angimex. Trong khi ông Đỗ Minh Đức vào từ giữa năm thì ông Nguyễn Hữu Phú vào sau kỳ họp ĐHCĐ bất thường 2023 diễn ra vào tháng 11. Theo đó, nhóm APG đã có 3 người trong HĐQT Angimex gồm ông Phú, ông Đức và ông Nguyễn Đoàn Mạnh Hiếu.

Chứng khoán APG từng là cổ đông lớn của Angimex với tỷ lệ sở hữu hơn 8% vốn và đã thoái sạch vốn vào 13/9/2023. Tuy nhiên, tại kỳ họp ĐHCĐ bất thường diễn ra tháng 11/2023, nhóm cổ đông gồm APG Capital và 9 cá nhân do ông Nguyễn Hồ Hưng – Chủ tịch Chứng khoán APG đại diện đề cử ông Phú vào HĐQT được cho biết là đang sở hữu tổng cộng 20% vốn Angimex.

GKM mua nhà máy gạo Angimex

Bên cạnh thay đổi nhân sự thượng tầng, Khang Minh Group còn đổi tên thành GKM Holdings và chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh. Công ty rút vốn tại mảng kinh doanh chủ chốt đá và nhôm tại 2 công ty con gồm Công ty cổ phần Đá Thạch anh Khang Minh và Công ty cổ phần Nhôm Khanh Minh. Thay vào đó, doanh nghiệp xác định hoạt động cốt lõi là đầu tư tài chính hướng tới trở thành tập đoàn tư nhân đầu tư và quản lý vốn – lĩnh vực khá tương tự với cổ đông lớn Chứng khoán APG.

Quá trình phát triển được phân thành 2 giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, doanh nghiệp mở rộng lĩnh vực thương mại nông sản, cụ thể là gạo. Lãnh đạo GKM đánh giá gạo thế giới và gạo xuất khẩu Việt Nam còn tiềm năng tăng giá khi mà nguồn cung giảm, nhu cầu ổn định. Ở giai đoạn tiếp theo, công ty lấy hoạt động đầu tư tài chính làm trọng tâm, nhắm đến công ty, nhà máy sản xuất trong ngành vật liệu xây dựng, sản xuất, xuất khẩu nông sản.

Để thực hiện chiến lược kinh doanh mới, GKM lên phương án tăng vốn gấp đôi lên 571 tỷ đồng thông qua chào bán 25,7 triệu cổ phiếu bao gồm riêng lẻ và cho cổ đông hiện hữu. Trong đó, công ty chào bán 15,7 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu giá 10.000 đồng/cp và 10 triệu riêng lẻ giá 13.500 đồng/cp.

Lấn sân vào mảng gạo, GKM Holdings nhắm đến nhà máy của Angimex. Ngày 22/2, doanh nghiệp công bố Nghị quyết HĐQT duyệt phương án mua nhà máy chế biến lượng thực Bình Thành tại xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang của Angimex với tổng đầu tư 94 tỷ đồng. Đồng thời, công ty cũng sẽ vay vốn Ngân hàng BIDV tổng hạn mức gần 163 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động cho hoạt động sản xuất gạo của nhà máy.

Công ty dự kiến doanh thu dự kiến của nhà máy đạt 948 tỷ đồng năm 2024 và đến 2026 lên 1.228 tỷ đồng, chi phí dự kiến cũng tăng từ 923 tỷ đồng lên 1.178 tỷ đồng.

Về Angimex, công ty đang ở trong tình trạng mất cân xứng tài chính, vốn chủ sở hữu đến cuối 2023 chỉ còn lại 29 tỷ đồng nhưng nợ phải trả 1.230 tỷ đồng, riêng nợ trái phiếu 560 tỷ đồng. Doanh nghiệp có kế hoạch bán hàng loạt công ty con, liên doanh liên kết và các nhà máy để có nguồn vốn kinh doanh.

Danh sách công ty con, liên doanh, liên kết sẽ bán gồm Lương Thực Angimex, Angimex Furious, Chế biến lương thực Angimex, Dịch vụ nông nghiệp cao Angimex, Angimex – Kitoku, Sài Gòn – An Giang, Golden Paddy, Thương mại Louis Angimex. Tổng giá gốc đầu tư 719 tỷ đồng, dự phòng 133,5 tỷ đồng. Các nhà máy bán gồm Bình Thành, Đa Phước, Đồng Tháp 3, Định Thành, tổng giá gốc đầu tư 330 tỷ đồng, đã khấu hao 123 tỷ đồng.

Xem thêm tại nhadautu.vn