Phiên giao dịch chiều 10/4: Thị trường ảm đạm, QCG vẫn nóng

Trong tuần đầu tháng 4, VN-Index giảm 2,26%, chấm dứt chuỗi 3 tuần tăng liên tiếp trước đó và cũng là mức giảm theo tuần mạnh nhất trong 23 tuần.

Nhiều chuyên gia, công ty chứng khoán đều có chung đánh giá về xu hướng không tích cực của thị trường trong tháng 4. Thậm chí, VN-Index được dự báo có thể lùi về mức 1.200 điểm khi nhà đầu tư thận trọng chờ đợi kết quả kinh doanh quý I.

Với diễn biến của tuần đầu tiên trong tháng, cùng với cái nhìn khá thận trọng của các công ty chứng khoán, nhà đầu tư tỏ ra rất thận trọng khi bước vào tuần giao dịch thứ 2 của tháng 4, khiến thanh khoản sụt giảm mạnh so với trước và phiên sau thấp hơn phiên trước.

Trong phiên giao dịch hôm nay, VN-Index giao dịch trên tham chiếu trong suốt phiên sáng, nhưng thiếu động lực nên không thể bứt phá mà chỉ lình xình trong biên độ hẹp, đóng cửa với mức tăng nhẹ.

Bước sang phiên chiều, lực cầu càng tỏ ra thận trọng hơn, khiến VN-Index không thể duy trì được sắc xanh, mà giằng co quanh tham chiếu. Lực cầu yếu nên khi lực bán gia tăng nhẹ trong những phút cuối phiên đã khiến VN-Index lùi hẳn xuống dưới tham chiếu, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày, dù mức giảm không quá lớn. Thanh khoản thị trường tiếp tục sụt giảm so với phiên trước đó.

Chốt phiên, VN-Index giảm 4,26 điểm (-0,34%), xuống 1.258,56 điểm với 177 mã tăng và 275 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 702,3 tỷ đồng, giá trị giao dịch 16.845,7 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 69 triệu đơn vị, giá trị 1.639 tỷ đồng.

Nhóm VN30 chỉ có 7 sắc xanh, trong khi có 18 mã giảm. Tuy nhiên, mức tăng giảm cũng không quá lớn. Do đó, đóng cửa, VN30-Index chỉ giảm 3,10 điểm (-0,24%), xuống 1.263,82 điểm.

Trong nhóm VN30, cặp đôi nhà VIC tăng mạnh nhất, trong đó VHM tăng 2,31% lên 44.200 đồng, khớp tới 24,3 triệu đơn vị, đứng thứ 3 trên sàn sau NVL và VPB. Trong khi VIC tăng 1,68% lên 48.500 đồng, thanh khoản 5,16 triệu đơn vị. “Em út” trong nhà là VRE cũng có sắc xanh, nhưng chỉ tăng 0,21% lên 24.250 đồng, khớp 4,86 triệu đơn vị.

Các mã tăng khác trong nhóm VN30 là FPT, SAB, SSB và VCB, nhưng mức tăng khiêm tốn, chỉ trên dưới 0,5%.

Trong khi đó, giảm mạnh nhất là GVR mất 2,01% xuống 31.650 đồng, khớp 2,55 triệu đơn vị. Có 7 mã giảm hơn 1%, còn lại chỉ giảm nhẹ. Trong đó, MWG sau phiên khởi sắc hôm qua với thông tin bán 5% vốn của Bách Hóa Xanh cho đối tác Trung Quốc, đã bị chốt lời khá mạnh hôm nay nên quay đầu giảm 1,52% xuống 52.000 đồng, khớp 10,16 triệu đơn vị.

Trong các nhóm ngành dẫn dắt, nhóm ngân hàng có sự phân hóa với sắc đỏ chiếm chút ưu thế so với sắc xanh và mức biến động giá cũng không đáng kể. Trong khi đó, nhóm chứng khoán chỉ còn FTS may mắn giữ tham chiếu, còn lại đều giảm, trong đó có 3 mã giảm hơn 2% là ORS, VIX và VDS; có 8 mã giảm hơn 1%, gồm các mã lớn là SSI, VCI, HCM và VND.

Nhóm thép cũng chủ yếu chìm trong sắc đỏ, chỉ có 2 sắc xanh nhạt tại TNA và DTL, cùng POM và VCA giữ tham chiếu. Dù vậy, các mã giảm cũng không quá lớn, chỉ trên dưới 1%.

Thanh khoản lớn nhất hôm nay là NVL với 38,9 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,93% xuống 17.750 đồng, tiếp đến là VPB với 29,21 triệu đơn vị, đóng cửa ở tham chiếu 19.350 đồng. Ngoài VHM, có thêm 2 mã nữa có thanh khoản trên 20 triệu đơn vị là HAG và MBB, trong đó HAG đóng cửa tăng 1,9% lên 13.400 đồng, còn MBB đóng cửa giảm 0,83% xuống 23.800 đồng.

Dù thị trường chung khá ảm đạm và không có nhóm nào đủ lực để dẫn dắt, nhưng thị trường không vì thế mà thiếu những điểm nóng đáng chú ý. Phiên hôm nay, sàn HOSE có 6 mã đóng cửa với mức tăng kịch trần, nhưng đáng chú ý nhất chỉ có QCG.

Cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai đã phát tín hiệu bứt phá trong phiên hôm qua khi được kéo lên mức kịch trần 13.150 đồng, sau chuỗi 5 phiên giao dịch lình xình theo xu hướng giảm trước đó (3 phiên giảm và 2 phiên đứng giá tham chiếu).

Trong phiên hôm nay, QCG đã nhảy vọt lên mức kịch trần 14.050 đồng ngay khi mở cửa, dù lực bán sau đó kéo mã này lùi trở lại, nhưng lực cầu lớn sau đó hấp thụ nhanh chóng lượng dư bán, đẩy QCG trở lại mức trần và duy trì sắc tím cho tới hết phiên. Chốt phiên, QCG khớp 1,23 triệu đơn vị, mức cao nhất kể từ đầu tháng 4, còn dư mua trần hơn nửa triệu đơn vị, đồng thời cũng tạo gap khá lớn.

Trong khi đó, PSH lại tiếp tục bị bán tháo và giảm kịch sàn xuống 5.850 đồng, khớp 1,2 triệu đơn vị và còn dư bán sàn tới 1,9 triệu đơn vị. PSH ghi nhận phiên giảm 5 thứ 5 liên tiếp sau khi báo cáo tài chính kiểm toán có ý kiến ngoại trừ của kiểm toán viên, trong đó có 3 phiên giảm sàn.

Trong khi đó, sàn HNX có giao dịch kém tích cực hơn khi HNX-Index chỉ giao dịch dưới tham chiếu trong suốt phiên chiều và giảm mạnh hơn VN-Index khi đóng cửa phiên, dù thoát được mức điểm thấp nhất ngày.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,58 điểm (-0,66%), xuống 238,79 điểm với 56 mã tăng và 101 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 66 triệu đơn vị, giá trị 1.414,9 tỷ đồng, giảm 23% về khối lượng và 14% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 9 triệu đơn vị, giá trị 200 tỷ đồng.

Sàn HNX hôm nay có 11 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị và tất cả đều đóng cửa trong sắc đỏ. Trong đó, SHS là mã có thanh khoản vượt trội với 11,61 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,98% xuống 19.800 đồng. Tiếp đến là PVS khớp 7,1 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,12% xuống 41.500 đồng. CEO khớp 6,77 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,75% xuống 22.500 đồng. PVC khớp 3,48 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 3,66% xuống 15.800 đồng.

UPCoM sau khi đóng cửa với sắc xanh trong phiên sáng, trong phiên chiều đã hạ dần độ cao, sau đó đi ngang quanh tham chiếu trong phần lớn thời gian của phiên chiều, ngoại trừ có 1 phút lóe lên theo giao dịch của mã lớn, đóng cửa gần như không thay đổi.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,08 điểm (+0,08%), lên 90,65 điểm với 147 mã tăng và 115 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 42,8 triệu đơn vị, giá trị 679,7 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,7 triệu đơn vị, giá trị 84,7 tỷ đồng.

Hôm nay UPCoM có 7 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó có 2 mã đóng cửa giảm với mức giảm là BSR giảm 1,52% xuống 19.500 đồng, khớp 7,41 triệu đơn vị, cao nhất sàn và AAH giảm kịch sàn xuống 6.800 đồng, khớp 2,13 triệu đơn vị, còn dư bán sàn. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, VAB đóng cửa ở mức trần 9.600 đồng, khớp 3,95 triệu đơn vị, đứng thứ 3 về thanh khoản. Mã đứng thứ 2 về thanh khoản cũng là một mã ngân hàng là ABB với 4,68 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,85%, lên 8.100 đồng. Một mã ngân hàng khác là BVB cũng tăng 5,61% lên 11.300 đồng, khớp 2,28 triệu đơn vị, đứng ngay sau VAB.

Trên thị trường phái sinh, ngoại trừ hợp đồng đáo hạn tháng 6 tăng nhẹ, còn lại đều giảm theo chứng khoán cơ sở, trong đó hợp đồng đáo hạn tháng 4 giảm mạnh nhất và mạnh hơn VN30. Cụ thể, VN30F2404 giảm 4,1 điểm (-0,32%), xuống 1.260,1 điểm với 200.459 hợp đồng được giao dịch, giá trị 25.402 tỷ đồng; khối lượng mở 57.314 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, hôm nay có giao dịch khá sôi động với 14 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó có 2 mã do ACBS phát hành, 1 mã do VPBANKS phát hành, còn lại đều do SSI phát hành.

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, hôm nay có 6,98 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị 5.793,4 tỷ đồng. Trong đó, mã có khối lượng chuyển nhượng lớn nhất là BID12205 của BIDV với 2 triệu đơn vị, giá trị 214,47 tỷ đồng. Đứng thứ 2 cũng là một mã khác của BIDV là BID12203 với 872.170 đơn vị, giá trị 93,31 tỷ đồng.

Trong khi đó, có giá trị giao dịch lớn nhất là MSB12303 của Ngân hàng MSB với 1.223,51 tỷ đồng khối lượng chỉ 1.200 trái phiếu được chuyển nhượng. Tiếp theo là VAC12401 của Thương mại Việt An với 1.143,55 tỷ đồng, khối lượng 11.122 trái phiếu.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn