Trong phiên giao dịch sáng, sau hơn 1 tiếng giao dịch giằng co nhẹ quanh tham chiếu, VN-Index tăng tốc trượt dốc xuống thử thách ngưỡng 1.235 điểm, cũng là đường chặn dưới của dải bollinger. Bước vào phiên giao dịch chiều, quán tính từ phiên sáng đẩy VN-Index lùi thêm và xuống dưới ngưỡng chặn này. Tuy nhiên, ngay sau đó, lực cầu gia tăng kéo nhiều mã quay đầu đảo chiều và qua đó cũng kéo VN-Index lên thẳng trên tham chiếu. Dù có chút rung lắc cuối phiên, nhưng cuối cùng chỉ số vẫn giữ được sắc xanh nhạt khi đóng cửa, chấm dứt chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp trước đó, dù sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế. So với mức đáy đầu phiên chiều, VN-Index hồi phục khoảng 11 điểm với thanh khoản cũng cải thiện so với phiên hôm qua.
Chốt phiên, VN-Index tăng 1,22 điểm (+0,1%), lên 1.246,04 điểm với 153 mã tăng và 203 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 660,5 triệu đơn vị, giá trị 15.335,4 tỷ đồng, tăng 10% về khối lượng và 7,8% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 72,8 triệu đơn vị, giá trị 1.618,8 tỷ đồng.
Sự hồi phục của VN-Index có sự hỗ trợ chính của nhóm bluechip, đặc biệt là trong nhóm VN30 khi nhóm này có 15 mã tăng, 11 mã giảm, VN30-Index đóng cửa tăng nhẹ 2,09 điểm (+0,16%), lên 1.304,04 điểm. Trong đó, tăng mạnh nhất là MWG tăng 1,81% lên 61.900 đồng, khớp 7,2 triệu đơn vị, tiếp đến là VPB tăng 1,31% lên 19.350 đồng, khớp 20,3 triệu đơn vị. Tiếp đến là 3 mã FPT, MSN và VCB tăng trên dưới 0,7%. Trong số mã tăng còn sự có mặt của VNM, VIC, VRE và một số mã ngân hàng như ACB, TPB, SSB, TCB, nhưng mức tăng khiêm tốn.
Ở chiều ngược lại, mã giảm mạnh nhất là HPG giảm 1,64% xuống 27.050 đồng, khớp 22,3 triệu đơn vị. HPG giảm mạnh có thể do thông tin về việc Bộ Công thương vừa có quyết định chấm dứt, không gia hạn áp thuế chống bán phá giá với thép không gỉ cán nguội từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc).
Mã giảm mạnh tiếp theo trong rổ VN30 là PLX giảm 1,27% xuống 38.900 đồng, GVR giảm 1,06% xuống 32.550 đồng, SSI giảm 0,97% xuống 25.450 đồng, khớp 12,4 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, cổ phiếu gây ấn tượng nhất trong phiên chiều nay là DXS. Trong phiên sáng, cổ phiếu này cũng như đại đa số mã trên sàn không có gì nổi bật khi giằng co nhẹ quanh tham chiếu. Tuy nhiên, bước vào phiên chiều, dòng tiền lớn bất ngờ nhập cuộc đua mua DXS, kéo mã này thẳng tiến lên mức kịch trần 6.790 đồng, khớp gần 4 triệu đơn vị và còn dư mua trần. “Người anh em” DXG cũng từ sắc đỏ được kéo lên mức 16.400 đồng khi đóng cửa, tăng 2,18%, khớp 15,3 triệu đơn vị.
Trong nhóm bất động sản, có một số cổ phiếu khác cũng tăng tốt như NVT tăng 3,29% lên 7.850 đồng, NHA tăng 3,11% lên 26.500 đồng, KBC tăng 2,96% lên 29.550 đồng. Các mã khác tăng hơn 2% có HDG, HDC, NBB, NVL.
Trong nhóm thép, không chỉ HPG, mà gần như toàn bộ cũng chìm trong sắc đỏ, trong đó DTL giảm mạnh nhất 3,24% xuống 10.450 đồng, NKG giảm 2,35% xuống 20.750 đồng, HSG giảm khiêm tốn hơn khi mất 1% xuống 19.950 đồng.
Về thanh khoản, VIX là mã có thanh khoản tốt nhất HOSE hôm nay với 38 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,4% xuống 10.150 đồng, tiếp theo là HPG và VPB. Về nhóm công ty chứng khoán, không chỉ VIX và SSI, mà sắc đỏ bao trùm nhóm này khi chỉ có 2 mã đứng giá, còn lại đều giảm.
Trong khi đó, sàn HNX cũng nỗ lực hồi phục theo HOSE, nhưng chỉ số chính của sàn này không được may mắn như VN-Index khi không thể trở về tham chiếu.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,47 điểm (-0,21%), xuống 226,21 điểm với 68 mã tăng và 83 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 48,2 triệu đơn vị, giá trị 947,8 tỷ đồng, tăng nhẹ so với phiên trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,8 triệu đơn vị, giá trị 87 tỷ đồng.
Trong phiên hôm nay, cả 5 mã có thanh khoản tốt nhất sàn HNX với khối lượng khớp trên 2 triệu đơn vị không có mã nào tăng, trong đó có 3 mã giảm và chỉ duy nhất CEO đứng tham chiếu. Đứng đầu vẫn là SHS khớp 4,52 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,71% xuống 13.900 đồng. Tiếp đó là các mã PVS, TNG, CEO và MBS.
Thị trường UPCoM dù xuất phát sau 2 sàn niêm yết, nhưng có cú bứt tốc khá tốt trong ít phút cuối cùng, nhưng cũng không kịp để về vạch xuất phát khi hết thời gian giao dịch.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm nhẹ 0,04 điểm (-0,05%), xuống 92,35 điểm với 142 mã tăng và 104 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 35 triệu đơn vị, giá trị 667,3 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 7 triệu đơn vị, giá trị 252 tỷ đồng.
Hôm nay UPCoM có 7 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó cao nhất vẫn là BSR với 5,54 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,9% xuống 20.100 đồng. Trong khi mã đứng thứ 2 là HNG có thanh khoản 2,8 triệu đơn vị, đóng cửa lại tăng 4,17% lên 5.000 đồng.
Mã đứng kế tiếp là VGT với 2 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,39% xuống 14.200 đồng, trong khi mã ở vị trí thứ 4 về thanh khoản là PSB với 1,61 triệu đơn vị, lại đóng cửa ở mức kịch trần 6.300 đồng và còn dư mua trần.
Trên thị trường phái sinh có sự phân hóa, nhưng đóng cửa các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 cũng chỉ xoay quanh mức biến động của thị trường cơ sở. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 11 là VN30F2411 giảm 2,7 điểm (-0,21%), xuống 1.307,3 điểm với 265.220 hợp đồng được giao dịch, giá trị 34.614,7 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi thị trường cơ sở; khối lượng mở 61.424 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, hôm nay có 6 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị trong đó 4 mã đứng đầu do SSI phát hành và 2 mã sau do HSC phát hành. Mã có thanh khoản tốt nhất là CSTB2328 với 5,25 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 6,9% xuống 270 đồng.
Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, hôm nay có gần 4,34 triệu đơn vị được giao dịch, giá trị 4.135,8 tỷ đồng. Trong đó, mã có giá trị giao dịch lớn nhất là VIL12301 do Vinam Land phát hành với 1.981,7 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 15.000 trái phiếu.