Phiên giao dịch cuối tuần 22/12: Cổ phiếu sản phẩm cao su và nhựa tăng tốc, đột biến tại VTP

Không nằm ngoài diễn biến thị trường trong thời gian gần đây, phiên giao dịch ngày cuối tuần 22/12 tiếp tục duy trì trạng thái khá ảm đạm. Cùng thanh khoản thị trường ở mức thấp do tâm lý thận trọng của cả bên mua và bên bán, chỉ số chính trên các sàn đều chỉ biến động trong biên độ khá hẹp.

Sau phiên sáng bật hồi đôi chút về cuối phiên giúp VN-Index bảo toàn được vùng giá 1.100 điểm, bước sang phiên giao dịch chiều, chỉ số này từng bước nhích nhẹ và có những nhịp bật hồi. Tuy nhiên, bên cạnh dòng tiền tham gia khá yếu, áp lực bán luôn thường trực đã khiến thị trường khó tiến xa.

Chỉ số VN-Index may mắn giữ được sắc xanh và xác nhận phiên tăng nhẹ thứ 4 liên tiếp với thanh khoản cải thiện không đáng kể sau phiên hôm qua đạt mức thấp nhất trong gần 2 tháng. Đồng thời, thị trường cũng không mấy khả quan khi tiếp diễn trạng thái xanh vỏ đỏ lòng.

Trong bối cảnh chung không mấy khả quan, nhóm cổ phiếu sản phẩm cao su và nhựa trở lại điểm sáng với những biến động đột biến trong phiên chiều. Cụ thể, ở nhóm nhựa, bên cạnh TPC tăng sát trần, cổ phiếu lớn trong ngành là BMP đã kéo trần thành công dù sáng nay có lúc điều chỉnh nhẹ và chủ yếu lình xình trên mốc tham chiếu.

Kết phiên, BMP tăng 7% lên mức 100.000 đồng/CP, đây là mức giá cao nhất của cổ phiếu (tính theo giá đã điều chỉnh), gần gấp đôi so với thời điểm đầu năm. Đồng thời, thanh khoản của BMP cũng ấn tượng với gần 0,6 triệu đơn vị khớp lệnh, gấp gần 5 lần khối lượng khớp lệnh trung bình trong 10 phiên gần đây. Được biết, ngày 12/12 vừa qua, Nhựa Bình Minh đã thực hiện tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ lên tới 65%.

Bên cạnh đó, nhóm sản phẩm cao su có BRC tăng 5,22%, SRC tăng 5,88%, DRC tăng 4,1% với thanh khoản đạt hơn 1,3 triệu đơn vị. Đây là nhóm cổ phiếu tăng tốt nhất của thị trường.

Tuy nhiên, động lực chính cho thị trường là nhóm cổ phiếu ngân hàng khi đảo chiều hồi phục nhẹ. Trong đó, BID kết phiên tăng 1,6% lên mức giá cao nhất trong ngày 42.450 đồng/CP, đóng góp lớn nhất với 0,93 điểm cho chỉ số chung, tuy nhiên tăng tốt nhất ngành là STB với biên độ tăng 2,3%, đóng cửa đứng tại mức giá 27.200 đồng/CP và thanh khoản vươn lên vị trí dẫn đầu thị trường với hơn 22,25 triệu đơn vị khớp lệnh. Ngoài ra, trong top 10 mã tác động tích cực nhất cho chỉ số chung còn có MBB, LPB, HDB.

Trái lại, sau tín hiệu có chút tích cực trong phiên sáng, nhóm cổ phiếu chứng khoán đã “tắt lịm”. Cặp đôi VND và VIX vẫn giao dịch sôi động nhất ngành, đều đạt hơn 19,5 triệu đơn vị, SSI đạt 17,46 triệu đơn vị, và cùng thuộc top 5 mã dẫn đầu thị trường, nhưng kết phiên VND giảm 1,1%, VIX giảm 0,9%, SSI may mắn giữ được sắc xanh nhưng cũng chỉ còn tăng 0,5%.

Xét về vốn hóa thị trường, ở nhóm vừa và nhỏ, cổ phiếu HAG vẫn là tâm điểm với thanh khoản chỉ thua STB đôi chút, với hơn 21,6 triệu đơn vị khớp lệnh và dù không xảy ra đột biến như phiên hôm qua, nhưng mã này tiếp tục giữ được xu hướng tăng. Kết phiên, HAG tăng 1,1% lên mức 13.500 đồng/CP.

Đóng cửa, sàn HOSE có 197 mã tăng và 284 mã giảm, VN-Index tăng 0,63 điểm (+0,06%), lên 1.103,06 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 558 triệu đơn vị, giá trị 12.254,36 tỷ đồng, tăng 7,1% về khối lượng và 8,53% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 61,74 triệu đơn vị, giá trị 1.628,72 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, thị trường liên tục đổi sắc và dù đã bật hồi về cuối phiên nhưng chưa đủ sức để tìm lại sắc xanh.

Đóng cửa, sàn HNX có 72 mã tăng và 86 mã giảm, HNX-Index giảm 0,21 điểm (-0,09%), xuống 228,27 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 80 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.545 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,45 triệu đơn vị, giá trị 134 tỷ đồng.

Cổ phiếu SHS có đóng góp tích cực vào thanh khoản thị trường với gần 32 triệu đơn vị giao dịch thành công, gấp đôi so với khối lượng khớp lệnh bình quân 10 phiên gần đây. Tuy nhiên, sau 2 phiên nỗ lực giữ giá tham chiếu, SHS đã đảo chiều giảm 1,6% và đóng cửa đứng tại mức giá 18.500 đồng/CP.

Ngoài SHS, các mã chứng khoán khác cũng giao dịch đuối hơn phiên sáng, như MBS cũng giảm 1,3% và đóng cửa tại 22.600 đồng/CP, khớp lệnh 3,86 triệu đơn vị, VIG giảm 2,6%, APS Đứng giá tham chiếu, BVS giảm 1,2%, PSI giảm 1,1%.

Đột biến nhóm cổ phiếu này thuộc về VFS khi bất ngờ đảo chiều tăng mạnh sau diễn biến giằng co ở phiên sáng, thậm chí có thời điểm mã này kéo trần thành công. Kết phiên, VFS tăng 8,2% lên mức 19.200 đồng/CP, khối lượng giao dịch hơn 0,93 triệu đơn vị, tăng mạnh so với các phiên trước đó chỉ khớp hơn 0,3 triệu đơn vị.

Trong khi đó, cổ phiếu bất động sản CEO đã đảo chiều hồi phục nhưng cũng chỉ tăng nhẹ 0,4% với khối lượng khớp lệnh hơn 9,44 triệu đơn vị. Ngoài ra, IDC, NTC, DTD đều tăng nhẹ và khớp lệnh một vài triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng kém may mắn khi khép lại phiên cuối tuần trong sắc đỏ, ngắt nhịp tăng sau 3 phiên liên tiếp trước đó.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,02 điểm (-0,03%) xuống 86,14 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 27,7 triệu đơn vị, giá trị 372 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 12,59 triệu đơn vị, giá trị 224,35 tỷ đồng, trong đó riêng SII thỏa thuận 3,16 triệu đơn vị, giá trị 67,96 tỷ đồng, IN4 thỏa thuận xấp xỉ 59 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn rung lắc và chốt phiên giảm nhẹ 0,5%, với thanh khoản trở lại vị trí dẫn đầu khi đạt hơn 2,75 triệu đơn vị giao dịch.

Điểm sáng là cổ phiếu VTP. Sau khi được HOSE chấp thuận niêm yết cổ phiếu, mã VTP đã tăng tốc, xác nhận phiên tăng thứ 4 liên tiếp, đặc biệt trong phiên hôm nay tăng 7,5% và đóng cửa ở vùng giá cao nhất ngày 51.800 đồng/CP với khối lượng giao dịch đột biến, đạt 1,98 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, 2 hợp đồng tăng và 2 hợp đồng giảm với biên độ biến động đều chưa tới 1 điểm. Trong đó, VN30F2401 đáo hạn gần nhất vào ngày 18/1/2024 đóng cửa giảm 0,7 điểm, tương ứng giảm 0,1% xuống 1.097,7 điểm, khớp lệnh hơn 170.430 đơn vị, khối lượng mở hơn 49.230 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, mã CVPB2309 thanh khoản cao nhất là 1,65 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 3,8% xuống 250 đồng/cq; trong khi CSTB2321 đứng ở vị trí tiếp theo với 1,39 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tăng 18,8% lên 190 đồng/cq.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn