Phiên giao dịch sáng 6/3: Nhà đầu tư mạnh tay chốt lời, thị trường đảo chiều

Trong phiên giao dịch hôm qua, thị trường gặp rung lắc trong gần như suốt phiên trước áp lực chốt lời diễn ra khi nhiều mã đã có chuỗi tăng ấn tượng và VN-Index tiến vào vùng kháng cự mạnh. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch chiều, với sự dẫn dắt của một số mã bluechip, đặc biệt là sóng lớn tại MSN, cùng MWG, BID…, VN-Index đã đảo chiều bứt lên mốc 1.270 điểm trước khi đóng cửa lùi nhẹ một chút. Thanh khoản dù giảm so với phiên trước đó, nhưng vẫn duy trì ở mức cao với khối lượng khớp lệnh gần 930 triệu đơn vị.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay, trong khi MSN và BID hạ nhiệt, MWG quay đầu điều chỉnh do áp lực chốt lời, khiến thị trường gặp chút rung lắc khi mở cửa, thì ngay sau đó, đã có những mã khác lĩnh ấn tiên phong để dẫn dắt VN-Index trở lại đường đua về vùng 1.300 điểm.

Trong nhóm bluechip, đáng kể có thể nhắc tới SAB, TCB, GAS, VIC với mức tăng trên dưới 2%, riêng SAB tăng hơn 4%. Ngoài ra, có thêm nhiều mã tăng trên dưới 1% như VHM, MBB, BVH, POW. Ngay cả anh cả trên sàn là VCB sau khi giảm nhẹ hôm qua, là gánh nặng nhất của thị trường, cũng đã đảo chiều tăng giá sáng nay.

Tuy nhiên, nổi bất nhất trong phiên sáng nay lại đến từ các mã penny và midcap. Trong đó, ấn tượng nhất là HQC khi tăng vọt lên mức kịch trần 4.570 đồng ngay khi mở cửa. Dù lực bán mạnh sau đó khiến HQC mất sắc tím, nhưng rất nhanh chóng, lực cầu nhập cuộc đua, kéo mã này trở lại kịch trần với thanh khoản vượt trội so với phần còn lại trên sàn (hơn 27 triệu đơn vị) và còn dư mua trần tới hơn 4 triệu đơn vị chỉ sau 1 tiếng giao dịch.

HQC nổi sóng sau thông tin vừa phát hành thành công 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ, thu về 1.000 tỷ đồng, tức mức giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn gấp hơn 2 lần thị giá hiện tại.

Theo kế hoạch được công bố trước đó, số tiền thu được từ đợt phát hành riêng lẻ này, HQC sẽ dùng toàn bộ để đầu tư vào Công ty cổ phần Đầu tư Thành phố vàng, chủ đầu tư dự án Golden City. Trong đó, dùng 400 tỷ đồng để mua cổ phần từ cổ đông hiện hữu CTCP Đầu tư Thành phố Vàng; và dùng 600 tỷ đồng để mua cổ phần phát hành riêng lẻ của CTCP Đầu tư Thành phố Vàng.

Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Đầu tư Thành phố Vàng là chủ đầu tư Dự án Golden City quy mô 3,35 ha, vốn đầu tư 1.776,6 tỷ đồng. Công ty gồm 5 cổ đông sáng lập, trong đó ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Địa ốc Hoàng Quân sở hữu 50% vốn là đại diện pháp luật. Đến tháng 5/2022, Công ty mới đổi đại diện pháp luật sang ông Nguyễn Thành Văn, cũng là đại diện nhiều công ty liên quan với Địa ốc Hoàng Quân. Cách đây 2 năm, Địa ốc Hoàng Quân đã bán Golden City cho công ty này với giá 120 tỷ đồng.

Trong nhóm bất động sản cũng ghi nhận một sắc tím khác tại VRC, lên 8.630 đồng, nhưng thanh khoản rất thấp, chưa tới 100.000 đơn vị.

Trong các nhóm dẫn dắt, nhóm ngân hàng sắc sách cũng chiếm ưu thế, chỉ còn 5 mã giảm nhẹ là HDB, SSB, VPB, EIB và STB, trong khi LPB với mức tăng gần 3% đang là mã tăng mạnh nhất nhóm. Tiếp đó là TCB với mức tăng 2,5%, MBB hơn 1,2%...

Trong khi đó, nhóm công ty chứng khoán và thép lại chịu nhiều áp lực sau chuỗi tăng ấn tượng vừa qua.

Tuy nhiên, sau 50 phút giao dịch, khi VN-Index tiến gần tới mốc 1.280 điểm, vượt ra ngoài phía trên dải bollinger, lực bán chốt lời dồn dập được tung vào, khiến hàng loạt mã quay đầu, sắc đỏ dần cân bằng, rồi chiếm thế áp đảo so với sắc xanh trên bảng điện tử, kéo VN-Index quay đầu lùi về tham chiếu. Sau ít phút cầm cự, trong 15 phút cuối phiên sáng, lực bán một lần nữa gia tăng mạnh, đẩy VN-Index lùi sâu xuống dưới tham chiếu với mức giảm hơn 6 điểm (nếu tính từ đỉnh, chỉ số mất gần hơn 14 điểm), với thanh khoản tăng mạnh so với các phiên sáng trước đó.

Chốt phiên, VN-Index giảm 6,15 điểm (-0,48%), xuống 1.263,83 điểm với 133 mã tăng, trong khi có tới 339 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 696,8 triệu đơn vị, giá trị 16.058,1 tỷ đồng, tăng 54,2% về khối lượng và 47,2% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 14,6 triệu đơn vị, giá trị 464,6 tỷ đồng.

Áp lực bán mạnh cũng khiến HQC không còn giữ được sắc tím khi đóng cửa ở mức 5.540 đồng, tăng 6,07% với thanh khoản 38,06 triệu đơn vị, cao nhất HOSE.

Trong khi đó, một mã khác trong nhóm bất động sản là VRC lại duy trì được mức trần do không có lực cung, thanh khoản vẫn ở mức thấp chưa tới 100.000 đơn vị.

Có 4 mã khác cũng đóng cửa ở mức kịch trần là PIT, STG, GMC và GMH, nhưng cũng giống như VRC, thanh khoản rất thấp.

Ở nhóm dẫn dắt, nhóm ngân hàng chỉ còn 4 mã giữ được sắc xanh là LPB, TCB, VCB và MBB, nhưng mức tăng cũng thu hẹp đáng kể, chỉ còn mức khiêm tốn. Trong đó, LPB tăng 1,7% lên 17.950 đồng, TCB tăng 1,42% lên 42.800 đồng, còn lại chỉ mức trên dưới 0,5%. Có thêm 2 mã đứng tham chiếu là OCB và SHB, còn lại đều giảm, trong đó có 5 mã giảm trên 1% là MSB, ACB, VPB, CTG và EIB; số còn lại giảm nhẹ dưới mức này.

Nhóm chứng khoán cũng chỉ còn CTS giữ sắc xanh, còn lại đều chìm trong sắc đỏ, trong đó có 3 mã giảm trên 3% (BSI, VDS và TVB). Các mã đáng chú ý cũng giảm mạnh như VIX giảm 2,62% xuống 18.600 đồng, VND giảm 2,34% xuống 22.950 đồng, HCM giảm 2,07% xuống 28.400 đồng; SSI giảm 1,47% xuống 36.850 đồng.

Tương tự, nhóm thép cũng chỉ còn POM và TLH tăng giá; DTL, HCM và SMC giữ tham chiếu, còn lại đều giảm. Trong đó, HPG giảm 1,61% xuống 30.650 đồng, HSG giảm 2,55% xuống 22.900 đồng, NKG giảm 1,42% xuống 24.300 đồng.

Sàn HNX cũng chỉ có được sắc xanh trong ít phút đầu phiên, sau đó quay đầu với mức giảm mạnh hơn sàn HOSE do không được hỗ trợ bởi các mã lớn như SAB, VCB, GAS, MSN như trên HOSE.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 2,25 điểm (-0,95%), xuống 235,1 điểm với 54 mã tăng và 119 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 61 triệu đơn vị, giá trị 1.254,5 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Trong Top 10 mã thanh khoản tốt nhất HNX sáng nay, chỉ duy nhất PVS giữ được tham chiếu, còn lại đều giảm. Trong đó, thanh khoản lớn nhất là SHS với 12,96 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,2% xuống 17.800 đồng. Tiếp đến là CEO với 8,36 triệu đơn vị, đóng cửa cũng giảm 2,2% xuống 22.000 đồng.

UPCoM cũng có diễn biến giống HNX khi chỉ le lói sắc xanh trong ít phút đầu phiên sau đó quay đầu và giảm dần đều, dù độ rộng của thị trường hẹp hơn so với 2 sàn niêm yết.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,58 điểm (-0,63%), xuống 91,2 điểm với 105 mã tăng và 114 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 23,2 triệu đơn vị, giá trị 276,1 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Trên UPCoM sáng nay có 7 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó có 2 mã đóng cửa tăng giá (DDV và VGI), 1 mã đứng giá (ABB), còn lại đều giảm. Dẫn đầu về thanh khoản vẫn là mã quen thuộc BSR với hơn 3 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,52% xuống 19.400 đồng.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn