Lực mua bắt đáy trong phiên 4/4 tưởng chừng sẽ giúp thị trường hồi phục trở lại khi mở đầu phiên giao dịch tuần mới (8/4) sau kỳ nghỉ Lễ Giỗ tổ. Tuy nhiên, tâm lý tiêu cực cùng áp lực margin đã khiến thị trường giảm mạnh gần 78 điểm, đẩy VN-Index về ngưỡng 1.132 điểm, nhưng thanh khoản giảm mạnh so với 2 phiên trước đó khi bên mua tỏ ra thận trọng không dám xuống tiền.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay, ngay khi mở cửa phiên, áp lực bán vẫn rất mạnh, trong đó nhiều lệnh bán do áp lực giải chấp sau chuỗi phiên giảm mạnh liên tiếp của thị trường, khiến VN-Index giảm gần 60 điểm, xuyên thủng ngưỡng 1.100 điểm. Tuy nhiên, ngay sau đó, lực cầu bắt đáy nhập cuộc mạnh ở các mã bluechip, đặc biệt là rổ VN30, như nhóm Vingroup, một số cổ phiếu ngân hàng, giúp thị trường hồi nhanh, lấy lại được hơn phân nửa số điểm đã mất lúc mở cửa, thanh khoản cũng tăng nhanh lên trên 10.000 tỷ đồng sau chưa đầy 1 giờ giao dịch.
Trong khi đang chờ đợi kết quả đàm phán thuế quan với Mỹ, nhà đầu tư sáng nay đón nhận thông tin liên quan tới nâng hạng thị trường.
Theo báo cáo được cập nhật mới nhất cho thấy FTSE Russell vẫn tiếp tục giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi thứ cấp. Tổ chức này cho rằng, Việt Nam hiện vẫn chưa đáp ứng được hai tiêu chí là Chu kỳ thanh toán (DvP) và Tiêu chí Thanh toán - chi phí liên quan đến các giao dịch không thành công, cả hai tiêu chí này hiện được xếp hạng là “Hạn chế”.
Vào tháng 11/2024, Việt Nam đã triển khai mô hình không yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (NPF) nhằm cho phép các công ty chứng khoán trong nước cung cấp cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài (FII) một mức vốn phù hợp để hỗ trợ lệnh mua chứng khoán, do đó loại bỏ yêu cầu cấp vốn trước đối với FII.
Với sự phát triển này, FTSE Russell tiếp tục theo dõi thị trường và tìm kiếm phản hồi từ những người tham gia thị trường về mô hình NPF và việc quản lý các giao dịch không thành công.
Ngoài ra, FTSE Russell cũng cho biết, Việt Nam cần cải thiện quy trình mở tài khoản mới vì các thông lệ thị trường hiện tại có thể dẫn đến thời gian đăng ký kéo dài. Việc đưa ra một cơ chế hiệu quả để tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài đối với các chứng khoán đã hoặc đang tiến gần đến giới hạn sở hữu nước ngoài (FOL) cũng được xem là quan trọng.
Trở lại với diễn biến của thị trường, lực cầu mạnh giúp VN-Index tiến nhanh hơn sau đó và vượt qua tham chiếu, có lúc còn vụt tăng gần 9 điểm, còn VN30 có lúc còn tăng hơn 20 điểm. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn tranh thủ thị trường hồi để giảm tỷ trọng cổ phiếu, khiến thị trường bị đẩy ngược trở lại xuống dưới tham chiếu và lùi về ngưỡng 1.100 điểm. Thanh khoản cải thiện so với phiên hôm qua.
Chốt phiên, VN-Index giảm 32,48 điểm (-2,87%), xuống 1.100,31 điểm với mã 110 tăng và mã 354 giảm, trong đó có 121 mã giảm sàn. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1.034 triệu đơn vị, giá trị 20.528,8 tỷ đồng, tăng 27% về khối lượng và 16,5% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 30,4 triệu đơn vị, giá trị 690 tỷ đồng.
Ấn tượng nhất hôm nay chính là nhóm Vingroup khi đồng loạt hồi phục mạnh, nhưng đà tăng mạnh bị chặn lại trong ít phút cuối phiên. Chốt phiên sáng, VIC tăng 4,17%, lên 57.400 đồng (trước khi đóng cửa ít phút còn tăng gần 6%), VHM tăng 2,45% lên 48.150 đồng và VRE tăng 2,86% lên 18.000 đồng, đứng đầu trong rổ VN30, thanh khoản từ hơn 8 triệu đơn vị (VIC và VHM) đến hơn 15 triệu đơn vị (VRE).
Ngoài bộ 3 này, chỉ có thêm SAB là trụ được sắc xanh đến khi đóng cửa phiên sáng với mức tăng 2% lên 43.450 đồng, dù trước đó ít phút còn có sự góp mặt của LPB, FPT, TPB. Trong đó, FPT và TPB bật lên từ mức sàn đầu phiên. Nhiều mã khác đã thoát mức sàn như BVH, PLX, VPB, HDB, MWG, GAS, thậm chí có lúc đã vượt qua tham chiếu. Trong khi đó, GVR, BCM và MSN vẫn còn dư bán sàn khá lớn. HPG và SSI có lúc cũng tưởng chừng thoát mức sàn, nhưng lực bán mạnh trong ít phút cuối phiên khiến cả 2 trở lại mức sàn, trong đó HPG còn dư bán sàn.
Trong khi đó, VCB có lúc bất ngờ được kéo lên mức kịch trần 59.700 đồng, một trong những lý do giúp VN-Index và VN30 bật tăng mạnh lúc hơn 10h, nhưng rất nhanh chóng áp lực bán gia tăng đã đẩy VCB thoái lui nhanh, lùi hẳn xuống dưới tham chiếu.
Lực bán mạnh cuối phiên cũng kéo nhiều mã trở lại với mức sàn, dù có lúc đã hồi phục khá tốt.
Về thanh khoản, VIX là mã có thanh khoản tốt nhất với 64,2 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức sàn 10.450 đồng. Tiếp đến là HPG với 56 triệu đơn vị và SSI với 44,5 triệu đơn vị.
Trong khi nhóm ngân hàng có 1 sắc xanh tại NAB, cùng TPB đứng giá, các mã giảm có 2 mã giảm mạnh nhất mất hơn 5%, thì nhóm chứng khoán toàn bộ đều giảm giá. Trong đó, ngoài VIX và SSI, còn có nhiều mã khác giảm kịch sàn như AGR, CTS, HCM, VDS, TVS, ORS, BSI, FTS.
Nhóm bất động sản cũng chứng kiến hàng loạt mã giảm sàn như QCG, TDH, KBC, KDH, TDC, SCR, SGR, HPX, BCM, HDC…
Nhóm thép có HMC và VCA giữ được tham chiếu, TNI giảm gần 5%, còn lại đều sàn.
Trên sàn HNX, sau nhịp giảm mạnh khi mở cửa phiên, thị trường cũng có nhịp hồi lại theo sàn HOSE, nhưng không thể trở lại tham chiếu như VN-Index do không có mã nào đủ mạnh để hỗ trợ như VCB trên HOSE. Sau đó, các chỉ số chính của sàn này cũng quay đầu đi xuống, đóng cửa giảm mạnh hơn VN-Index.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 6,86 điểm với 3,41% xuống 194,18 điểm với 48 mã tăng và 123 mã giảm, trong đó có 28 mã giảm sàn. Tổng khối lượng giao dịch đạt 87,9 triệu đơn vị, giá trị 1.172,9 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 10 triệu đơn vị, giá trị 125,7 tỷ đồng.
Trong khi các mã chứng khoán đồng loạt giảm mạnh với hàng loạt mã giảm sàn, thì SHS lại khá vững vàng khi giữ được mức tham chiếu 12.000 đồng, dù lúc đầu cũng bị đẩy xuống mức kịch sàn và có lúc hồi phục lên mức 12.400 đồng. Thanh khoản vượt trội trên sàn HNX với 18,8 triệu đơn vị. Tiếp theo là PVS khớp 9,7 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 9,28% xuống 21.500 đồng, CEO khớp 8,8 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 6,14% xuống 10.700 đồng. Mã chứng khoán khác là MBS giảm 5,35% xuống 23.000 đồng, khớp 5,09 triệu đơn vị.
UPCoM sáng nay lại giao dịch tích cực hơn 2 sàn niêm yết khi dao động trên mức tham chiếu trong nửa thời gian cuối, nhưng cuối cùng cũng không giữ được sắc xanh.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,04 điểm (-0,05%), xuống 84,46 điểm với 74 mã tăng và 194 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 44,2 triệu đơn vị, giá trị 460,8 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,4 triệu đơn vị, giá trị 66 tỷ đồng.
Việc UPCoM giảm nhẹ trong khi sắc đỏ chiếm thế áp đảo là nhờ sự hỗ trợ của một vài mã lớn như MCH, ACV, FOX, VEA.
Về thanh khoản, HNG là mã có thanh khoản tốt nhất 3,4 triệu đơn vị, đóng cửa giảm nhẹ 1,79% xuống 5.500 đồng. Tiếp đến là BVB khớp 3,3 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 4,46% xuống 10.700 đồng. MSR giảm 12,18% xuống 13.700 đồng, khớp 2,62 triệu đơn vị.