PHR: Giá cổ phiếu ngược chiều lợi nhuận

PHR: Giá cổ phiếu ngược chiều lợi nhuận

Lợi nhuận đi xuống, giá cổ phiếu đi lên

Tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, CTCP Cao su Phước Hoà sở hữu quỹ đất trồng cây cao su rất lớn. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, lợi nhuận của Công ty chủ yếu đến từ thanh lý cây cao su đã quá tuổi khai thác và tiền đền bù chuyển đổi đất cao su sang khu công nghiệp. Trong đó, năm 2022, khoản lợi nhuận khác của Công ty ghi nhận 693,72 tỷ đồng, chiếm 74,9% tổng lợi nhuận; năm 2023, lợi nhuận khác ghi nhận 359,77 tỷ đồng, chiếm 54,4% tổng lợi nhuận.

Theo thuyết minh của Công ty, khoản lợi nhuận khác năm 2022 đột biến chủ yếu nhờ ghi nhận 698,3 tỷ đồng tiền đền bù đất thực hiện dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III (VSIP III) và năm 2023 tiếp tục nhận thêm 283,65 tỷ đồng đền bù từ dự án này.

Sáu tháng đầu năm nay, do không còn nguồn thu trên, báo cáo tài chính công ty mẹ Cao su Phước Hoà ghi nhận lợi nhuận khác âm 0,02 tỷ đồng, giảm 205,02 tỷ đồng so với cùng kỳ. Điều này dẫn tới lợi nhuận sau thuế của Công ty giảm tới 94,3%, về 9,81 tỷ đồng.

Thực tế, khi không còn khoản tiền đền bù đất, Cao su Phước Hòa lên kế hoạch kinh doanh năm 2024 đi lùi, với doanh thu 1.455,06 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 245,22 tỷ đồng, lần lượt giảm 10,1% và 46,9% so với kết quả thực hiện năm trước.

Đáng chú ý, trái với việc kết quả kinh doanh đi xuống, từ ngày 31/10/2023 đến ngày 16/7/2024, cổ phiếu PHR đã ghi nhận mức tăng 47,8%, từ 41.800 đồng/cổ phiếu lên 61.800 đồng/cổ phiếu. Theo đó, định giá cổ phiếu theo P/E từ mức 7,42 - 14,42 lần trong giai đoạn 2020 -2023 tăng lên mức 17,92 lần hiện nay.

Kỳ vọng từ chuyển đổi mục đích sử dụng đất?

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2024, lãnh đạo Cao su Phước Hoà chia sẻ, theo quy hoạch tổng thể tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2030, sắp tới, Công ty có thể chuyển đổi tổng cộng khoảng 10.900 ha đất cao su thành đất sử dụng cho mục đích khác (trong tổng quỹ đất khoảng 15.000 ha).

Lãnh đạo Công ty cho biết, đóng góp từ mảng khu công nghiệp vẫn ở mức thấp trong năm 2024 nhưng có thể cải thiện trong năm 2025. Hiện tại, Khu công nghiệp Tân Bình của Cao su Phước Hoà đã được lấp đầy, trong khi các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp sắp tới của Công ty vẫn đang tiến hành các thủ tục pháp lý.

Đối với các dự án đền bù đất phát triển bất động sản công nghiệp, bên cạnh tiền đền bù, Cao su Phước Hoà còn được nhận 33% lợi nhuận từ tiền cho thuê đất tại dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng (diện tích 346 ha) và nhận 20% lợi nhuận từ việc cho thuê đất tại dự án VSIP III (diện tích 1.000 ha).

Theo bà Đỗ Minh Trang, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), hiện tại, Nam Tân Uyên đang trong quá trình xây dựng. Nhiều khả năng việc ghi nhận doanh thu và lợi nhuận từ khu công nghiệp này sẽ không xảy ra trong năm 2024.

Đối với Khu công nghiệp VSIP III, theo thỏa thuận giữa Cao su Phước Hoà và VSIP, Cao su Phước Hoà nhận được phần hỗ trợ tương ứng 20% lợi nhuận từ việc cho thuê đất tại VSIP III nhưng không thấp hơn 1,2 tỷ đồng/ha. ACBS dự phóng phần lợi nhuận mà Cao su Phước Hoà nhận khoảng 70 - 100 tỷ đồng năm nay.

Tương tự, Chứng khoán BSC ước tính dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng sẽ ghi nhận khoảng 30 ha diện tích cho thuê đất trong năm 2024, qua đó, đóng góp khoảng 121 tỷ đồng vào lợi nhuận trước thuế của Cao su Phước Hoà trong năm 2024; dự án VSIP III sẽ đóng góp 163 tỷ đồng vào lợi nhuận trước thuế của Cao su Phước Hoà trong năm 2024.

Thêm nữa, Chứng khoán MBS có dự báo thận trọng hơn. Trong đó, đơn vị này dự báo dự án VSIP III có thể đóng góp 70 tỷ đồng lợi nhuận và dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng dự kiến đóng góp 147 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2024.

Nếu như các giả định diễn ra, ước tính, Cao su Phước Hoà sẽ ghi nhận từ 70 - 284 tỷ đồng lợi nhuận được chia từ hai dự án bất động sản công nghiệp. Số tiền này có thể thấp hơn giá trị đền bù năm 2023 là 283,65 tỷ đồng và thấp hơn nhiều tiền đền bù năm 2022 là 698,3 tỷ đồng.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn