PV GAS đồng hành và tham gia tọa đàm tại Diễn đàn “Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường”

Trong khuôn khổ Diễn đàn “Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” lần thứ VIII năm 2024 do Báo Tài nguyên và Môi trường tổ chức gần đây, ông Nguyễn Công Luận, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã tham dự phiên toạ đàm “Con đường đến đích xanh” với nội dung xoay quanh động lực của doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi xanh, cùng sự tiếp sức và đồng hành của nhà quản lý, nhà báo.


Diễn đàn “Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” lần thứ VIII năm 2024 có chủ đề “Kinh tế xanh - Trách nhiệm của nhà sản xuất”. Tham dự Diễn đàn có các đại biểu: Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành; Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Quế Đình Nguyên; lãnh đạo Vụ Tuyên truyền - Ban Tuyên giáo Trung ương; Cục Cảnh sát Phòng, Chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an; Cục Truyền thông Công an Nhân dân - Bộ Công an; đại diện Hội Nhà báo Việt Nam; lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chiến lược và tư vấn chính sách cùng 200 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, lãnh đạo các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý của một số tỉnh/thành trong cả nước.


Nối tiếp thành công của các diễn đàn trước, Diễn đàn “Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” lần thứ VIII – 2024 tập trung vào các vấn đề về phát triển xanh của doanh nghiệp, trách nhiệm và vướng mắc đang cản trở doanh nghiệp thực hành phát triển bền vững; thảo luận những hành lang cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp xanh, cũng như vai trò của báo chí truyền thông trong việc đồng hành, tuyên truyền và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế cả về chính sách và hoạt động của các doanh nghiệp.


Kinh tế xanh (Green economy) là nền kinh tế ít phát thải các-bon, giảm thiểu mối nguy hại đến môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Trên nền tảng này, nền kinh tế xanh đặt ra khuôn khổ lồng ghép các hoạt động kinh tế với vấn đề bảo vệ môi trường và tài nguyên. Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 của Việt Nam khẳng định mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất. Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.


Phần tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả: TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia; TS. Bùi Đức Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ - Phó Chủ nhiệm Thường trực Câu lạc bộ Báo chí Phát triển xanh – Green Media Hub; ông Nguyễn Công Luận, Phó Tổng Giám đốc PV GAS; ông Nguyễn Phước Minh, Nhà máy Ford Việt Nam…


Tại tọa đàm, Lãnh đạo PV GAS đã khẳng định quan điểm của doanh nghiệp trong tiên phong đẩy mạnh hành trình năng lượng xanh, phát triển theo định hướng tích cực và đổi mới, thì thách thức cũng là cơ hội để tiến xa hơn trong chuyển dịch năng lượng. Với cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện sự quyết tâm rất cao trong vấn đề chuyển dịch các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, hướng đến giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu. PV GAS - đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), hoạt động trong lĩnh vực năng lượng với chức năng chính phát triển ngành công nghiệp khí xem đây là các cơ hội để ngày càng hoàn thiện và phát triển bền vững, tiến xa trong tương lai.

Trên cơ sở xu hướng chuyển dịch năng lượng và phát triển kinh tế xanh, PV GAS đang nghiên cứu các sản phẩm mới phục vụ cho hóa dầu, hydro xanh, ammonia xanh. PV GAS cũng đang nghiên cứu đưa Hydro vào đường ống để cung cấp cho các hộ tiêu thụ điện hoặc các khu công nghiệp.


Việc chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng xanh cần có lộ trình từng bước. LNG là nguồn năng lượng có mức độ phát thải thấp, trước mắt Nhà nước cần xem xét giải pháp điều chỉnh lộ trình chuyển đổi nhiên liệu của các nhà máy điện từ khí trong nước và LNG sang hydro với tiến độ phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi và đủ thời gian cho đầu tư phát triển các dự án khí trong nước cũng như các dự án LNG. Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện đầy đủ khung pháp lý, cơ chế chính sách mới cho phát triển các loại năng lượng mới như Hydro xanh, Amonia xanh…


Về đầu tư hạ tầng LNG, PV GAS mong Chính phủ và các Bộ, ban ngành quan tâm trên cơ sở tối ưu hóa nguồn lực quốc gia, ủng hộ quan điểm phát triển, xây dựng hạ tầng kỹ thuật quốc gia về điện khí LNG theo mô hình các kho cảng LNG trung tâm (LNG Hub). Ngoài ra, mô hình kho cảng LNG trung tâm còn giúp tận dụng tối ưu tài nguyên diện tích cảng biển và mặt nước cho các mục đích khai thác và phát triển kinh tế khác.


Về nhập khẩu LNG, PV GAS mong cấp có thẩm quyền sẽ ủng hộ chuyển ngang giá, phí và bao tiêu sản lượng điện dài hạn và giao Petrovietnam/PV GAS xây dựng quy trình nhập khẩu, đảm bảo cạnh tranh, công bằng, minh bạch. Giai đoạn từ nay đến 2030 giao Petrovietnam /PV GAS là đầu mối để tập trung và tạo lợi thế đàm phán với các nhà cung cấp LNG.


Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành chia sẻ: Thời gian gần đây, sự hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp về kinh doanh bền vững, giảm phát thải ra môi trường đã được nâng cao rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp đã và đang lấy kinh doanh xanh là chiến lược và là lợi thế cạnh tranh. Nhiều tập đoàn kinh tế và các doanh nghiệp lớn cũng đã nhanh chóng vào cuộc, đẩy mạnh chuyển đổi xanh phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế các-bon thấp, hướng tới mục tiêu Net Zero. 


Tại Diễn đàn, tất cả các ý kiến đóng góp, gợi ý của đại biểu sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tiếp thu để phục vụ nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường. Mục tiêu chung nhằm bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26”.

Xem thêm tại pvgas.com.vn