PVD sẽ đầu tư một tới hai giàn khoan cho giai đoạn 2025 - 2026
Thông tin từ buổi gặp gỡ nhà đầu tư của Chứng khoán Vietcap (VCSC) thông tin Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (Mã: PVD) hiện vẫn đang tiến hành kế hoạch đầu tư một giàn khoan tự nâng (loại đã qua sử dụng) với mức đầu tư 90 triệu USD.
Trước đây, PVD đã tạm hoãn thương vụ đầu tư này do áp lực dự kiến của thị trường ngắn hạn vì giá giàn khoan tự nâng có thể sẽ giảm sau khiSaudi Aramco đưa giàn khoan tự nâng ra thị trường.
PVD kỳ vọng điều kiện thị trường sẽ khả quan, khi lượng giàn khoan dư thừa trên thị trường đạt đỉnh trong tháng 9 và dự kiến sẽ giảm dần đến năm 2026.
Diễn biến này cho thấy nhu cầu khoan sẽ tăng, và các giàn khoan được đưa ra thị trường bởi Aramco có thể sẽ được hoạt động trở lại, từ đó hỗ trợ cho khả năng phục hồi của giá thuê ngày.
Do đó, PVD vẫn sẽ giữ kế hoạch đầu tư vào 1-2 giàn khoan tự nâng trong giai đoạn 2025 - 2026.
Trong quý III, Vietcap cho biết giá thuê ngày trung bình của giàn khoan tự nâng tại Đông Nam Á đạt mức khá thấp, chỉ ở mức 109.500 USD/ngày (giảm 8% so với cùng kỳ và giảm 21% so với quý trước), mặc dù thị trường vẫn thắt chặt với hiệu suất hoạt động ở mức 96,6% (tăng 3,3 điểm % so với cùng kỳ; tăng 0,5 điểm % so với quý trước).
Mức sụt giảm của giá thuê này xuất phát từ việc Saudi Aramco tạm thời đình chỉ các hợp đồng giàn khoan tự nâng của công ty này, nhằm đẩy thêm giàn khoan vào thị trường Đông Nam Á và buộc các đơn vị cho thuê phải đàm phán mức giá thuê thấp hơn.
Đặc biệt, theo PVD, một giàn khoan có chi phí thấp, COSLSeeker, đã giành được lợi thế khi ký hợp đồng 5 năm với PTTEP Thái Lan, qua đó thay thế TAR Sapura T17 với mức giá thuê ngày thấp hơn đáng kể. Các yếu tố này đã khiến cho giá thuê ngày trung bình trong khu vực giảm.
Trong tương lai, PVD kỳ vọng thị trường giàn khoan tự nâng tại Đông Nam Á sẽ tiếp tục duy trì trạng thái thuận lợi. Thị trường giàn khoan tự nâng tại Đông Nam Á đã cho thấy mức nhu cầu mạnh, với nhiều chương trình khoan trên khắp Indonesia, Malaysia, Thái Lan, và Việt Nam.
Các công ty cùng ngành lớn như BP, Hibiscus, PTTEP, và nhiều JOC khác đang lên kế hoạch tiếp tục thực hiện các dự án khoan nhiều giếng, với nhiều dự án kéo dài sang đến giai đoạn 2026 - 2029.
Ngoài ra, nguồn cung giàn khoan hạn chế với chỉ 12 giàn khoan tự nâng mới (2,8% tổng số giàn khoan trên thị trường toàn cầu) trong giai đoạn 2024 - 2026, và chỉ có 2 giàn khoan được đặt tại khu vực Đông Nam Á.
Triển vọng thị trường khả quan này dự kiến sẽ hỗ trợ tăng hiệu suất hoạt động giàn khoan trong những năm tới và cung cấp thêm nhiều cơ hội khoan cho đội tàu của PVD đến năm 2026, từ đó giúp hỗ trợ cho các kế hoạch đầu tư sắp tới của PVD.
Về tình hình kinh doanh quý III, PVD ghi nhận doanh thu 2.438 tỷ đồng và lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ 182 tỷ đồng; tăng lần lượt 76% và 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mức tăng trưởng này được thúc đẩy bởi mảng dịch vụ khoan nhờ giá thuê theo ngày trung bình của các giàn khoan tự nâng thuộc sở hữu tăng 14% so với cùng kỳ, và ghi nhận đóng góp từ hai giàn khoan mới thuê (Hakyryu-11 và BORR-THOR) (so với việc không ghi nhận đóng góp trong quý III/2023).
Ngoài ra, lợi nhuận của các công ty liên kết cũng hỗ trợ lợi nhuận quý III của PVD nhờ sự gia tăng của các hợp đồng dịch vụ liên quan đến giếng khoan.
Luỹ kế 9 tháng, PVD đạt 6.481 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi ròng 478 tỷ; tăng lần lượt 61% và 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm nay, PVD lên kế hoạch tổng doanh thu 6.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 380 tỷ đồng. Sau ba quý, doanh nghiệp đã vượt hơn 4% mục tiêu doanh thu và vượt 21% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Xem thêm tại vietnambiz.vn