PVGas lên kế hoạch tỷ đô tại Thái Bình
Tổng công ty khí Việt Nam – PVGas chính thức ngỏ lời UBND tỉnh Thái Bình khảo sát đầu tư dự án cung cấp khí cho nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình và các hộ tiêu thụ công nghiệp tại tỉnh.
Đề xuất này dựa trên cơ sở tận dụng đường ống hiện hữu của PVGas, trong đó giai đoạn 1 triển khai ngay kho nổi FSRU đặt ngoài khơi, kết nối cấp khí vào đường ống Thái Bình hiện hữu.
Giai đoạn 2 cấp khí từ kho LNG của PVGas tại Nam Định hoặc Hải Phòng, kết nối cấp khí vào đường ống Thái Bình hiện hữu.
Theo tính toán, nếu được triển khai, dự án sẽ có doanh thu dự kiến khoảng 1 tỷ USD/năm, đóng góp ngân sách nhà nước cho tỉnh khoảng 2.500 tỷ đồng/năm.
Ông Nguyễn Quang Hưng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình cho rằng, dự án của PVGas là một trong những giải pháp quan trọng để bảo đảm nguồn năng lượng phục vụ sản xuất của tỉnh.
Tại buổi làm việc giữa hai bên, ông Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình lưu ý, PVGas cần nghiên cứu để đầu tư kho có quy mô lớn, bảo đảm các điều kiện, phương án mang tính lâu dài cũng như hoạch định chiến lược đầu tư dài hạn, không chỉ bảo đảm nhu cầu cho tỉnh Thái Bình mà hướng đến toàn miền Bắc.
Ông Hải cho biết, địa phương sẵn sàng là trung gian, kết nối PVGas với nhà đầu tư dự án nhiệt điện LNG Thái Bình và lưu ý phương án đầu tư của PVGas cần phải được bổ sung vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng của Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tính đến năm 2023, tỉnh Thái Bình ghi nhận 23 doanh nghiệp sử dụng khí để phục vụ sản xuất công nghiệp.
Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, giai đoạn đến năm 2030, tỉnh Thái Bình được quy hoạch một nhà máy nhiệt điện LNG 1.500MW công suất tiêu thụ khoảng 1,2 triệu tấn/năm.
Mới đây, dự án nhiệt điện LNG Thái Bình, bao gồm hạng mục kho nổi FSRU do liên danh Công ty TNHH Tokyo Gas - Tập đoàn Quốc tế Kyuden - Công ty CP Công nghiệp Trường Thành Việt Nam đầu tư đã được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt chủ trương.
Nhiệt điện LNG Thái Bình sở hữu công suất 1.500MW, đặt tại xã Thái Đô, huyện Thái Thụy, quy mô diện tích đất và mặt nước dự kiến gần 270ha, tổng vốn đầu tư gần 47.120 tỷ đồng.
Năm qua, doanh thu của PVGas đạt khoảng 116 nghìn tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế vượt 11,7 nghìn tỷ đồng, giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán hơn 7 tỷ USD.
Khoảng một tháng trước, PVGas đã thông báo chính thức triển khai cung cấp LNG phục vụ sản xuất công nghiệp từ ngày 15/3/2024 và cũng là đơn vị duy nhất được cấp chứng nhận đủ điều kiện xuất nhập khẩu LNG tại Việt Nam.
Tuy nhiên, thời gian gần đây cũng cho thấy một số khó khăn mà PVGas phải đối diện. Cụ thể như nguồn khí trong nước bước vào giai đoạn suy giảm nhanh, đặc biệt nguồn khí từ hệ thống Nam Côn Sơn 1 (Lô 06.1, Lô 11.2 và Lô 12W), Hàm Rồng - Thái Bình.
Nguồn khí có giá rẻ giảm sâu, thay vào đó là nguồn khí giá cao tại các mỏ Thiên Ưng, Đại Hùng, Sao Vàng - Đại Nguyệt, PM3 – Cà Mau mua từ Petronas, chiếm tỷ trọng lớn.
Tiếp theo là sự phát triển của năng lượng tái tạo khiến nhu cầu sử dụng khí cho sản xuất điện khí đang giảm dần và nhu cầu sử dụng điện khí và điện than cũng giảm.
Đặc biệt, tại khu vực miền Nam, một số dự án kho chứa LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng) lớn của các đối thủ cạnh tranh (như Pacific, Hyosung, Hengyi) đưa vào vận hành, gây áp lực nguồn cung và giảm giá hàng bán cạnh tranh trực tiếp với PVGas.
Ngoài ra, theo PVN cho biết, một số công ty có nhà máy lọc hóa dầu tại Thái Lan, Brunei, Malaysia tiếp cận các khách hàng khu vực phía Nam để tiêu thụ LPG và được miễn thuế nhập khẩu.
Qua đó cạnh tranh trực tiếp với nguồn LPG nhập khẩu từ Trung Đông của PVGas đang chịu thuế suất 5%.
Xem thêm tại theleader.vn