PVI báo lãi cao kỷ lục trong quý I, đầu tư hơn 3.000 tỷ vào trái phiếu
CTCP PVI (PVI - Mã: PVI) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất với lợi nhuận trước thuế đạt 446,4 tỷ đồng, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của công ty ở mức 372,6 tỷ đồng, tăng 38,7%. Đây mà mức lợi nhuận theo quý cao nhất trong lịch sử của PVI, vượt qua kỷ lục từng ghi nhận vào quý II/2020.
Theo biên bản ĐHĐCĐ thường niên 2024, PVI đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm ở mức 1.080 tỷ đồng. Như vậy, sau ba tháng đầu năm, công ty đã thực hiện được 41,3% kế hoạch.
Theo giải trình của PVI, lợi nhuận quý I đột biến do tăng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Cụ thể, doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty (phần lớn là doanh thu từ bảo hiểm) đạt gần 6.160 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ. Trong đó, thu phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm đều có mức tăng trưởng lần lượt là 30,5% và 231,7%, mang về doanh thu 4.217 và 1.662 tỷ đồng.
Các khoản giảm trừ doanh thu cũng tăng 80,8%, lên 4.235 tỷ đồng, khiến doanh thu thuần từ hoạt động này ở mức 1.914 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán và dịch vụ cung cấp đi lên 10%, chủ yếu do tăng chi bồi thường nhận tái bảo hiểm. Lãi gộp từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ ở mức 387,9 tỷ đồng, tăng 46,3%.
Hoạt động tài chính của công ty hợp nhất không có nhiều thay đổi so với cùng kỳ năm trước. Phần lớn doanh thu của hoạt động này đến từ lãi tiền gửi, tiền cho vay và lãi đầu tư trái phiếu, giấy tờ có giá. Hoạt động kinh doanh khác đóng góp không đáng kể vào cơ cấu lợi nhuận của PVI. Chi phí quản lý doanh nghiệp của PVI đi ngang so với cùng kỳ, ở mức 161 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý I, tổng tài sản của PVI ở mức 30.711 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm ngoái. Tiền và các khoản tương đương tiền tăng thêm 5,7%, ở mức 928 tỷ đồng.
Sau ba tháng, công ty tăng số dư các khoản đầu tư tài chính thêm 30,6% lên 10.285 tỷ đồng, trong khi giảm các khoản đầu từ tài chính dài hạn 16,3% xuống 3.520 tỷ đồng.
Xét theo mục đích đầu tư, tính đến cuối quý I/2024, PVI đang đầu tư 1.135 tỷ đồng vào chứng khoán kinh doanh, 12.685 tỷ đồng cho các khoản nắm giữ đến ngày đáo hạn và 65 tỷ đồng cho hoạt động góp vốn vào đơn vị khác.
Công ty dành tổng cộng gần 79 tỷ đồng để dự phòng cho chứng khoán kinh doanh và đầu tư góp vốn. Phần lớn danh mục đầu tư của PVI là tiền gửi có kỳ hạn, kế đến là trái phiếu, cổ phiếu và chứng chỉ tiền gửi.
Cuối quý I/2024, PVI ghi nhận lợi nhuận chưa phân phối lũy kết ở mức gần 1.500 tỷ đồng. Trong năm 2024, công ty có kế hoạch bỏ ra gần 750 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 32%.
Xem thêm tại vietnambiz.vn