PVOIL ước lãi 300 tỷ quý đầu năm
Mở thêm 33 cửa hàng kinh doanh xăng dầu
Tổng công ty Dầu Việt Nam – PVOIL (mã: OIL) vừa tổ chức gặp mặt các cổ đông lớn và nhà đầu tư trước thềm ĐHCĐ thường niên 2024 vào ngày 26/4. Lãnh đạo PVOIL tiết lộ sản lượng kinh doanh xăng dầu quý đầu năm đạt gần 1,4 triệu m3/tấn, tăng 22% so với cùng kỳ; doanh thu hợp nhất đạt 29.400 tỷ đồng, tăng 41%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất 300 tỷ đồng, tăng 5%.
Trong năm nay, PVOIL dự kiến trình cổ đông kế hoạch doanh thu 83.000 tỷ đồng, giảm 20%; lãi trước thuế 740 tỷ đồng, giảm 7% so với thực hiện 2023. Như vậy, công ty đã đạt được 40,5% kế hoạch lợi nhuận năm sau 1 quý.
Kế hoạch doanh thu của tổng công ty được tính dựa trên giá dầu thô 70 USD/thùng trong khi theo nhận định của Platts ở mức 85,17 USD/thùng, tương đương mức bình quân 2023.
Lãnh đạo PVOIL cho biết trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, dự báo Chính phủ sẽ tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu theo hướng giảm đầu mối, giảm khâu trung gian, tăng cường công tác giám sát, quản lý thị trường. Qua đó, thị trường kinh doanh xăng dầu kỳ vọng sẽ ngày càng minh bạch và lành mạnh hơn.
Trong bối cảnh đó, công ty đã đẩy mạnh phát triển mạng lưới. Trong năm 2023, toàn hệ thống phát triển được 107 cửa hàng xăng dầu, thực hiện vượt 84% kế hoạch năm. Chiến lược này tiếp tục được triển khai trong năm nay, ngay quý I, tổng công ty đã phát triển thêm 33 cửa hàng xăng dầu trong quý I, nâng tổng số cửa hàng toàn hệ thống lên 789 cửa hàng.
Ngoài ra, sự phát triển của xe điện có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh xăng dầu, lãnh đạo chia sẻ PVOIL đã nghiên cứu và nắm bắt rất kỹ diễn biến phát triển của xe điện tại Việt Nam. Cho đến năm 2030, hoạt động của xe điện vẫn chưa ảnh hưởng đến mức đáng lo ngại đến việc kinh doanh xăng dầu.
Hiện tại, PVOIL đã tận dụng mặt bằng của các cửa hàng xăng dầu để hợp tác với VinFast lắp đặt trạm sạc xe điện tại hơn 322 cửa hàng trên cả nước. Hợp tác này đã và đang tạo ra doanh thu, lợi nhuận đáng kể đối với các đơn vị thành viên của PVOIL; đặc biệt, có những cửa hàng thu được lợi nhuận từ hợp tác với VinFast bằng mức lợi nhuận của 1 cửa hàng có sản lượng 300 m3/tháng. Số lượng cửa hàng hợp tác với VinFast sẽ tiếp tục được hai bên gia tăng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, việc phát triển các dịch vụ phi xăng dầu cũng được tổng công ty đầu tư thực hiện trong năm 2024 với việc duy trì và gia tăng các cửa hàng tiện ích; hợp tác với các nhãn hiệu café với quy mô linh hoạt, phù hợp với mặt bằng của cửa hàng; đầu tư các trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc… nhằm đáp ứng xu thế kinh doanh mới, đóng góp vào hoạt động sản xuất kinh doanh và mang lại nhiều tiện ích, giá trị cho khách hàng.
Khắc phục được 2 trên 3 ý kiến ngoại trừ của kiểm toán
Nhìn lại 2023, tổng công ty báo cáo sản lượng kinh doanh xăng dầu đạt hơn 5,2 triệu m3, tăng 29% so với năm 2022; doanh thu 103.600 tỷ đồng, hoàn thành 207% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 798 tỷ đồng, đạt 133 kế hoạch năm. Công ty đưa ra phương án chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 2% cho năm 2023.
Tại BCTC kiểm toán PVOIL năm 2023 ghi nhận ý kiến ngoại trừ của kiểm toán liên quan đến khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu Sinh học (PVB) – công ty liên kết trị giá 272 tỷ đồng, dựa trên số liệu BCTC chưa kiểm toán của PVB cho năm 2022 được lập trên cơ sở giả định hoạt động liên tục. Tổng công ty đang chờ phê duyệt của cơ quan chức năm về việc triển khai phương án phá sản PVB.
Do vậy, đơn vị kiểm toán không thể thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan khoản đầu tư vào PVB và không thể xác định có cần thiết phải điều chỉnh số liệu.
Ngoài ra, đơn vị kiểm toán còn nhấn mạnh vấn đề quyết toán cổ phần hóa Tổng công ty thương mại kỹ thuật và đầu tư (PETEC) – công ty con của PVOIL chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quyết toán cổ phần hóa tại ngày PETEC và công ty mẹ chính thức chuyển thành công ty cổ phần.
Theo đó, cổ phiếu OIL bị duy trì diện cảnh báo do BCTC năm bị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ 3 năm liên tiếp. Lãnh đạo tổng công ty cho biết đã khắc phục được 2 trên 3 ý kiến ngoại trừ của kiểm toán so với BCTC năm 2022. Vấn đề liên quan đến khoản đầu tư tại PVB tồn tại từ trước khi PVOIL chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần. PVOIL đầu tư vào PVB nhằm xây dựng nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ. Dự án đã dừng thi công từ 2012, đến nay vẫn trong tình trạng dở dang, chưa được nhà thầu bàn giao cho chủ đầu tư và công ty xây dựng chưa được nghiệm thu, quyết toán.
Chính phủ đã đồng ý đưa dự án ra khỏi danh sách theo dõi, xử lý của Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương và giao PVN chủ động quyết định. Hiện, tổng công ty và PVB đang tích cực làm việc với cổ đông PVB và các bên liên quan để xem xét, quyết định phương án phá sản PVB theo quy định.
Xem thêm tại nhadautu.vn