PVP muốn tìm đối tác chiến lược để tăng sức mạnh tài chính, mở rộng đội tàu
Trong báo cáo gặp gỡ doanh nghiệp của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) thông tin trong quý II, doanh thu của CTCP Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương (Mã: PVP) - công ty con do Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans - Mã: PVT) nắm gần 64,5% vốn, vẫn duy trì ổn định do các tàu gần như được ký hợp đồng dài hạn với giá cước cố định.
Biến số của lợi nhuận quý II sẽ đến từ chi phí tài chính - chủ yếu là lãi lỗ chênh lệch tỷ giá. Với diễn biến gần đây của tỷ giá cùng với việc điều chỉnh lãi suất đầu vào thông qua việc đàm phán lại các điều khoản, VDSC cho rằng lợi nhuận sau thuế dự kiến sẽ tốt hơn so với quý đầu năm.
Trong quý I, PVP đạt doanh thu 373 tỷ đồng, tăng trưởng 22,5% so với cùng kỳ với động lực tăng trưởng chính đến từ mảng vận tải. Doanh thu vận tải đạt 126 tỷ đồng, tăng gần 102% nhờ giá cước tàu Apollo duy trì mức cao và có đóng góp thêm từ tàu Pacific Era.
Biên lợi nhuận gộp của PVP đạt 21,1% so với mức 16,4% cùng kỳ nhờ biên gộp mảng vận tải duy trì mức cao (42%). Ngoài ra, doanh thu mảng vận tải dần chiếm tỷ trọng cao hơn trong tổng doanh thu trong khi doanh thu từ hoạt động thương mại (biên gộp thấp) giảm. T
Lợi nhuận sau thuế quý đầu năm đi ngang so với cùng kỳ khi chỉ ghi nhận 46 tỷ đồng chủ yếu do chi phí tài chính tăng mạnh – phần lớn do lỗ chênh lệch tỷ giá.
Năm 2024, PVP lên kế hoạch tổng doanh thu 1.700 tỷ đồng, tăng 2,3% so với năm 2023 còn lãi sau thuế dự kiến giảm 6% còn 176 tỷ.
Việc đầu tư đội tàu gặp khó vì giá cao
Về hợp đồng, giá cước đội tàu và tình hình đầu tư tàu, doanh nghiệp cho biết tàu Apollo đã ký được hợp đồng T/C 6 tháng từ đầu tháng 2 trong khi tàu Pacific Era ký được hợp đồng T/C một năm kể từ đầu tháng 1 với giá cước tốt hơn so với trung bình của năm 2023.
Với diễn biến hiện tại, PVP cho rằng giá cước sẽ có thể duy trì mặt bằng cao trong hai, ba năm tới và giúp cho các tàu hoạt động hiệu quả.
Ngược lại, tình hình đầu tư của PVP sẽ gặp khó khăn trong bối cảnh giá mua bán tàu neo cao. Trong năm 2024, PVP dự kiến đầu tư hai tàu MR hoặc một tàu Aframax. Tuy nhiên, giá tàu MR đang ở mức 28 triệu USD trong khi tàu Aframax 15 tuổi đang có giá khoảng 44 triệu USD.
Với giá tàu này, việc đầu tư tàu MR được đánh giá khả thi hơn và công ty sẽ tiếp tục thực hiện việc chào thầu mua một tàu MR trong thời gian tới.
Về chiến lược phát triển của PVP, với việc xin ý kiến cổ đông điều chỉnh lại các ngành nghề hạn chế nhà đầu tư nước ngoài, PVP mong muốn sẽ tìm kiếm được các đối tác tham gia vào công ty để hỗ trợ về mặt quản trị cũng như tăng sức mạnh tài chính nhằm thực hiện việc mở rộng đội tàu.
Trong vòng vài năm tới, PVP vẫn sẽ tập trung vào phân khúc tàu dầu thô và tàu sản phẩm. Với tàu dầu thô, kế hoạch đầu tư tàu VLCC để vận chuyển cho Nghi Sơn vẫn đang chờ thời điểm thích hợp để thực hiện.
Xem thêm tại vietnambiz.vn