PVS cần vốn đầu tư hơn 70.000 tỷ đồng đến 2030

Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Mã: PVS) đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 15.500 tỷ đồng, giảm gần 29% so với mức thực hiện năm 2023. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 660 tỷ đồng, giảm gần 38%.

Theo báo cáo quý đầu năm, PVS đã hoàn thành 46% kế hoạch lợi nhuận khi đạt gần 305 tỷ đồng (tăng 34% so với cùng kỳ năm 2023) nhờ kiểm soát giá vốn và tăng lãi từ công ty liên kết. 

Ban lãnh đạo cho biết sẽ tích cực đấu thầu, thiết lập quan hệ liên doanh liên kết, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng để đón đầu dịch vụ mới, đẩy mạnh tham gia các dự án năng lượng tái tạo, xây dựng chuỗi cung ứng cho điện gió ngoài khơi...

 Nguồn: HL tổng hợp. 

Trong năm 2023, tổng công ty ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất 21.742 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ và vượt 65% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế lần đầu vượt mốc nghìn tỷ đồng, tăng 89% so với năm liền trước và đủ hoàn thành kế hoạch năm. 

Với kết quả đạt được, Hội đồng quản trị trình cổ đông việc chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7% (700 đồng cho mỗi cổ phiếu), tương đương với số tiền trích ra gần 335 tỷ đồng. Kế hoạch cổ tức cho năm 2024 dự kiến giữ nguyên ở mức 7%. 

Đáng chú ý, PVS cũng lên kế hoạch tài chính dự kiến đến năm 2030 với nhu cầu vốn hàng tỷ USD. Nhu cầu vốn lớn khi tổng công ty định hướng phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi, bao gồm làm tổng thầu EPC và tham gia phát triển điện gió ngoài khơi.  

PVS đã trúng các gói thầu lớn trong lĩnh vực dầu khí thuộc chuỗi dự án phát triển mỏ khí Lô B, các dự án chế tạo chân đế điện gió, trạm biến áp ngoài khơi thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi; tham gia chào thầu và dự kiến đạt được kết quả khả quan đối với các dự án lớn trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng tài tạo ngoài khơi.

Cùng với đó, tổng công ty đã tham gia dự án đầu tư và xây dựng điện gió ngoài khơi tại Việt Nam để xuất khẩu điện sạch sang Singapore thông qua tuyến cáp ngầm cao áp dưới biển, với đối tác Semcorp Utilities Ltd. 

PVS hiện là đơn vị duy nhất thuộc PVN có đầy đủ cơ sở pháp lý để đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi. Do đó, việc tăng mức đầu tư mới và chuyển đổi hạ tầng để nâng cao năng lực sản xuất vào các dự án là yêu cầu tất yếu. 

Tổng nhu cầu vốn cho các dự án khoảng 70.640 tỷ đồng đến năm 2030. Nguồn: PVS. 

Tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2024-2030 lên tới 70.640 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu về vốn chủ sở hữu của PVS là 17.641 tỷ đồng (bao gồm 4.720 tỷ đồng giai đoạn 2024-2025 và 12.921 tỷ đồng giai đoạn 2026-2030).

Trong giai đoạn này, PVS dự kiến sẽ sử dụng các nguồn lực nội bộ, bao gồm bổ sung từ lợi nhuận sau thuế khoảng 3.586 tỷ đồng, thu hồi các khoản đầu tư dài hạn 776 tỷ đồng, nguồn từ khấu hao ở mức 5.077 tỷ đồng, các khoản phân bổ tài sản dài hạn khác ở mức 689 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu chưa sử dụng để đầu tư là 1.149 tỷ đồng.

 Tổng công ty sẽ cần bổ sung vốn chủ sở hữu hơn 8.900 tỷ đồng. Nguồn: PVS.

Như vậy, doanh nghiệp cần cân đối thêm khoảng 8.919 tỷ đồng vào vốn chủ sở hữu giai đoạn 2024-2030.

Doanh nghiệp đang tính tới các phương án như chưa chia cổ tức bằng tiền và sử dụng toàn bộ lợi nhuận hàng năm (sau khi trích quỹ khen thưởng phúc lợi và thưởng ban điều hành) để bổ sung quỹ đầu tư phát triển; thực hiện tăng vốn điều lệ thoogn qua phát hành chào bán cổ phiếu, phát hành cổ phiếu để trả cổ tức…

Xem thêm tại vietnambiz.vn