PVTrans chi gần 500 triệu USD mua 21 tàu mới trong năm 2024
Theo bà Lan Anh, giá trị còn lại ghi trên sổ sách của đội tàu thuộc PVT tương đối thấp do doanh nghiệp đã đầu tư những đội tàu này từ giai đoạn 2018-2020. Trong năm 2023, PVT đã tiếp nhận thêm 12 tàu, trong đó mua mới 7 tàu, tham gia hợp đồng thuê 5 tàu. PVT cũng đã thanh lý 2 tàu, đem lại nguồn lợi nhuận khác 50 tỷ.
Trong năm 2024, PVT dự kiến đầu tư thêm 21 tàu mới với số tiền dự chi gần 500 triệu USD (khoảng 12.300 tỷ đồng), bao gồm 13 tàu chở dầu, hoá chất, 4 tàu chở dầu khí hoá lỏng (LPG) và 4 tàu chở hàng rời. Năm 2025, số tiền dự chi là hơn 327 triệu USD, đầu tư thêm 10 tàu.
Được biết, PVT cũng vừa công bố về kế hoạch đầu tư công ty mẹ năm 2024, với tổng nhu cầu vốn đầu tư là hơn 3.374 tỷ đồng. Bà Bùi Lan Anh cho biết, con số gần 500 triệu USD là kế hoạch của toàn tổng công ty, bao gồm công ty mẹ và các đơn vị thành viên, do đó cao hơn nhiều so với các số liệu của công ty mẹ công bố ở tài liệu ĐHCĐ.
Đại diện PVT nhận định, kế hoạch đầu tư của toàn tổng công ty là khá tham vọng, đòi hỏi số lượng vốn tương đối lớn. Tuy nhiên, thông thường PVT sẽ lên kế hoạch mở rộng đội tàu tương đối lớn, nhưng thực tế thực hiện sẽ phụ thuộc vào tình hình thị trường và khả năng khai thác của các đơn vị thuộc PVT.
Về kế hoạch cổ tức, bà Bùi Lan Anh tiết lộ PVT sẽ tiến hành chia cổ tức bằng cổ phiếu trước khi ĐHCĐ thường niên năm 2024 diễn ra (giữa tháng 4), với tỷ lệ 10% mỗi năm. PVT hiện đang “nợ” cổ đông cổ tức bằng cổ phiếu của năm 2021 và năm 2022. Cổ tức năm 2023 dự kiến được phân phối bằng tiền mặt với tỷ lệ khoảng 8%.
Theo Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, động lực tăng trưởng năm 2024 của PVT sẽ đến từ 12 tàu mới chở dầu/hóa chất đã mua trong năm 2023 với tổng công suất 378.000DWT, tăng thêm tổng công suất đội tàu gần 150% so với trước đó. Ngoài công suất gia tăng, Yuanta đánh giá việc đa dạng kích cỡ và loại tàu cũng giúp PVT dễ dàng hơn trong việc cho thuê.
Trong trung hạn, việc tiếp tục mở rộng đội tàu trong năm 2024 sẽ tăng khả năng cạnh tranh của PVT tăng vị thế cũng như năng lực cạnh tranh của PVT trên thị trường quốc tế. Yuanta cho rằng việc mở rộng ra thị trường quốc tế sẽ thúc đẩy doanh thu và biên lợi nhuận cho PVT. Mục tiêu PVT là đến 2024 tỷ trọng thị trường quốc tế sẽ chiếm ít nhất 70% trong cơ cấu doanh thu.
Trong dài hạn, cùng với xu hướng Việt Nam sẽ tăng việc dùng khí LNG nhập khẩu vào sản xuất, Yuanta kỳ vọng đây sẽ là động lực tăng trưởng cho PVT khi nhu cầu vận tải dầu khí gia tăng.
Năm 2024, Yuanta dự phóng doanh thu thuần của PVT sẽ đạt 10.531 tỷ đồng, tăng 11% so với mức thực hiện năm 2023. Lợi nhuận sau thuế dự phóng đạt 1.297 tỷ đồng, tăng trưởng 4,7%.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn