Pyn Elite Fund không còn là cổ đông lớn Nhựa An Phát Xanh
Tại Nhựa An Phát Xanh (HOSE: AAA), Pyn Elite Fund (non-units) báo cáo bán 500.000 cp vào ngày 21/5, hạ sở hữu xuống 19,05 triệu cp, tương ứng với 4,98% vốn, không còn là cổ đông lớn. Chiếu theo thị giá chốt phiên 21/5, lượng cổ phiếu trên trị giá khoảng 6 tỷ đồng.
Trước đó, quỹ ngoại trở thành cổ đông lớn sau khi mua 3,75 triệu cp vào 29/2, nâng sở hữu lên 20,19 triệu cp, tương ứng với 5,28% vốn. Như vậy, Pyn Elite Fund đã bán ròng 2,14 triệu cp trong gần 3 tháng.
AAA ghi nhận tăng giá 14,5% qua 1 tháng gần đây, kết phiên 27/5 tại 11.200 đồng/cp, khối lượng giao dịch bình quân phiên khoảng 4,5 triệu cp. Thị giá hiện tại đi ngang so với thời điểm 3 tháng trước.
Gần đây, có hai thành viên hội đồng quản trị Nhựa An Phát Xanh gồm bà Hòa Thị Thu Hà và bà Nguyễn Thị Tiện cùng thực hiện bán ra cổ phiếu. Cụ thể, từ 4/4 đến 3/5, bà Hòa Thị Thu Hà đã bán toàn bộ 1 triệu cp, bà Nguyễn Thị Tiện bán 460.000 cp, hạ sở hữu xuống còn 560.000 cp.
Hiện cổ đông lớn nhất tại doanh nghiệp nhựa vẫn là An Phát Holdings (Mã: APH), với gần 192 triệu cp, tương ứng tỷ lệ 50,2% vốn.
Nhựa An Phát Xanh chưa tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2024. Theo báo cáo thường niên 2023, công ty đặt mục tiêu kinh doanh năm nay có doanh thu thuần 12.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 377 tỷ đồng. So với thực hiện 2023, doanh thu giảm 5% nhưng lợi nhuận tăng 22%.
Quý I, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế 143 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước, thực hiện 38% kế hoạch năm. Theo giải trình, lợi nhuận tăng cao nhờ giá hạt nhựa ổn định nên hoạt động sản xuất kinh doanh và thương mại hiệu quả hơn. Công ty đã tiết giảm được 29% chi phí tài chính so với cùng kỳ. Mặt khác, kết quả kinh doanh của các công ty liên doanh liên kết cũng khởi sắc hơn trước.
Về phần Pyn Elite Fund, ngày 14/5, quỹ ngoại đã bán toàn bộ 765.000 cp tương ứng 7,68% vốn của Sách Giáo dục tại Thành phố Hà Nội (Mã: EBS). Quỹ cũng giảm tỷ lệ sở hữu tại MIG và CMG trong thời gian gần đây.
Xem thêm tại vietnambiz.vn