Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Khó chồng khó, doanh nghiệp vẫn thờ ơ

3-1

Nộp ngân sách gần 37.000 tỷ đồng trong 2 tháng

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, DNNN đã thể hiện vai trò to lớn trong việc giải quyết việc làm, đóng góp ngân sách nhà nước, thực hiện sứ mệnh điều tiết những bất cập và mặt trái của thị trường khi nền kinh tế gặp khó khăn.

Bộ trưởng dẫn chứng, nếu không có các ngân hàng thương mại nhà nước thì điều hành chính sách tiền tệ rất khó khăn. Nếu không có các tập đoàn như Petrolimex thì vừa qua, việc ứng phó với khủng hoảng về năng lượng, xăng dầu rất vất vả… DNNN cũng có nhiều đóng góp cho xã hội từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng đến an sinh xã hội.

Về đóng góp với ngân sách nhà nước, lãnh đạo Bộ Tài chính nêu rõ, trong báo cáo về ngân sách tài chính năm 2023, có 676 DNNN, trong đó có 19 tập đoàn và tổng công ty. Năm 2023 DNNN nộp 261 nghìn tỷ đồng tiền thuế, chiếm 17% thuế nội địa. Riêng 2 tháng đầu năm DNNN đã nộp ngân sách 36.894 tỷ đồng.

"Những năm qua DNNN bền vững hơn trong các lĩnh vực kinh doanh, nợ thuế cũng ít hơn. Hiện nợ thuế của doanh nghiệp nhà nước là 17.032 tỷ đồng, trong khi các doanh nghiệp lĩnh vực khác nợ thuế khoảng 150 nghìn tỷ đồng", ông Phớc nói.

Tuy nhiên, bên cạnh một số đầu tàu kinh tế, hoạt động của khu vực DNNN còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của các DNNN cơ bản ổn định, tuy nhiên chưa đạt kế hoạch đề ra; giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2023 chỉ đạt 80%, thấp hơn mức bình quân của cả nước; một số DNNN hoạt động thua lỗ, chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch sản xuất - kinh doanh. Năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của các DNNN nhìn chung còn hạn chế. Các DNNN chưa phát huy hết hiệu quả nguồn lực, vốn, tài sản Nhà nước giao...

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, nguyên nhân được chỉ ra là do một số vướng mắc về cơ chế chính sách chưa được kịp thời tháo gỡ. Các quy định pháp luật liên quan về quản trị doanh nghiệp, quản lý vốn và tài sản, đất đai, đấu giá… chưa đồng bộ, chưa phù hợp với đầu tư kinh doanh và quản trị điều hành DNNN trong nền kinh tế thị trường. Pháp luật hiện hành về DNNN, đặc biệt, Luật số 69/2014/QH13 có nhiều quy định không còn phù hợp với bối cảnh mới, chưa thật sự phân cấp, phân quyền, chưa trao quyền tự chủ cho cơ quan đại diện chủ sở hữu; hội đồng thành viên của doanh nghiệp chủ động quyết định hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Quản lý đầu vào hay đầu ra?

Liên quan tới Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Hồ Đức Phớc cho hay, hiện Bộ Tài chính đã lấy ý kiến nhiều vòng đối với luật thay thế Luật số 69/2014/QH13 nhưng có một số đơn vị không quan tâm đến vấn đề thể chế và việc sửa luật. Do vậy, sau này thực hiện sẽ dễ gặp vướng mắc.

Bộ trưởng cũng chỉ ra một số bất cập của quy định hiện hành, đó là các doanh nghiệp mà Nhà nước đầu tư trực tiếp nắm giữ dưới 100% vốn điều lệ không thuộc đối tượng điều chỉnh, việc quản lý, đầu tư vốn vào các doanh nghiệp này thông qua người đại diện vốn để thực hiện quyền của chủ sở hữu vốn nhà nước.

Bên cạnh đó, việc đầu tư vốn, bao gồm cả việc bổ sung và rút vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chưa chủ động, kịp thời, linh hoạt như việc đầu tư vốn vào Vietnam Airlines, các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước... Việc đầu tư bổ sung vốn cho doanh nghiệp được quy định của pháp luật ngân sách thuộc lĩnh vực chi đầu tư phát triển nhưng chưa xác định rõ trong đầu tư công...

Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần góp ý đối với luật thay thế Luật số 69/2014/QH13, đặc biệt là trong vấn đề tự chủ trong sản xuất kinh doanh, quản lý đầu vào hay đầu ra, quyền tự quyết trong vấn đề trả lương để thu hút người tài, giải quyết các vấn đề khoa học phát sinh…

“Tại sao các doanh nghiệp khác trả lương cao mà doanh nghiệp mình không trả lương cao được, tại sao bên ngoài đổi mới công nghệ mà mình không đổi mới được? Do đó, cần có chính sách để các doanh nghiệp tự chủ trong trả lương”, Bộ trưởng Phớc nêu vấn đề.

Đóng góp ý kiến về sửa đổi Luật 69/2014/QH13, lãnh đạo Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đề nghị điều chỉnh quy định về phân phối lợi nhuận của DNNN theo hướng cho phép một số DNNN kinh doanh hiệu quả trong nhiều năm liền, có các dự án đầu tư phát triển lớn, hiệu quả được chủ động giữ lại phần lợi nhuận sau thuế sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định. Từ đó, có thể bổ sung vốn điều lệ phục vụ đầu tư phát triển các dự án, đảm bảo khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Lãnh đạo Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng đề nghị, Bộ Tài chính xem xét cấp vốn trung và dài hạn đảm bảo cho tổng công ty được phát triển các dự án trọng điểm vừa tạo thế cạnh tranh bền vững vừa đảm bảo thực hiện chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm của giai đoạn 2021 - 2025 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cụ thể là chấp thuận và tạo điều kiện để tổng công ty tăng vốn điều lệ từ 6.931 tỷ đồng lên 10.445 tỷ đồng.

Ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) kiến nghị, Bộ Tài chính sớm phê duyệt tăng vốn bằng nguồn lợi nhuận để lại của tổng công ty, tiến tới tăng vốn bằng khu bay để giảm gánh nặng ngân sách nhà nước vào đầu tư nâng cấp sửa chữa các khu bay, tạo chủ động cho doanh nghiệp cảng trong việc đầu tư phát triển.

Về vấn đề lợi nhuận để lại, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, việc tăng vốn cho doanh nghiệp nào, đầu tư cho doanh nghiệp nào là do Thủ tướng Chính phủ quyết định, không thể tạo cơ chế để đầu tư tràn lan, không biết hiệu quả ra sao. Để doanh nghiệp phát triển, điều quan trọng là thị trường nhưng doanh nghiệp phải chứng minh rằng có sản phẩm tốt và có sức cạnh tranh. Thị trường rất quan trọng vì đánh giá sản phẩm và đánh giá nỗ lực của doanh nghiệp. Như người Mỹ nói "nền kinh tế trọng cung" có nghĩa rất quan trọng đầu vào, đầu cung cấp. Người ta dùng điện sạch thì mình cũng phải dùng điện sạch, người ta dùng công nghệ mới mình phải dùng công nghệ mới và nguyên liệu tốt để tạo sản phẩm tốt, có sức cạnh tranh.

Về thể chế, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp, kể cả Luật Đấu thầu ban hành, khi gặp vướng cũng sửa ngay.

Bộ trưởng cũng gợi mở các DNNN phải bàn đến kinh tế xanh, tuần hoàn và vai trò của kinh tế số. Đối với từng ngành nghề, phải bàn tính kỹ, thiếu cơ chế phải trình Chính phủ để quyết cơ chế, vượt thẩm quyền Chính phủ thì trình Quốc hội để quyết sớm thì mới có thể phát triển hùng mạnh và bền vững. Cốt lõi của nền kinh tế là doanh nghiệp, doanh nghiệp vừa có vai trò trụ đỡ nhưng cũng là yếu tố đột phá của nền kinh tế.

Duy Long

Xem thêm tại taichinhdoanhnghiep.net.vn