Quán quân lợi nhuận Vietcombank lãi hơn 42.000 tỷ, đâu là động lực tăng trưởng?
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) ghi nhận quý có lợi nhuận giảm so với cùng kỳ năm trước trong quý IV/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 10.703 tỷ đồng, giảm 9,1% so với cùng kỳ.
Tuy vậy luỹ kế cả năm, ngân hàng vẫn lãi trước thuế hơn 42.200 tỷ đồng, tăng 2,2% so với năm trước và hoàn thành kế hoạch lợi nhuận của cả năm. Mảng thu nhập ngoài lãi của ngân hàng giảm mạnh trong năm nhưng nhờ cắt giảm chi phí dự phòng nên lợi nhuận của Vietcombank vẫn tăng trưởng dương. Với kết quả lợi nhuận này Vietcombank đang tiếp tục dẫn đầu toàn ngành, bỏ xa các đối thủ còn lại.
Trong quý IV, cả thu nhập lãi thuần và thu ngoài lãi của Vietcombank đều lấy lại được đà tăng trưởng. Ngoài ra, xét trong cả năm, thu nhập lãi thuần của ngân hàng cũng đã quay lại xu hướng tăng trưởng dương, tuy nhiên thu ngoài lãi vẫn tiếp tục thấp hơn cùng kỳ.
Về cơ cấu thu nhập trong quý IV, thu nhập lãi thuần của Vietcombank tăng trưởng 8,2% so với cùng kỳ, lên 13.842 tỷ đồng khi chi phí lãi giảm nhanh hơn thu nhập lãi. Cụ thể, thu nhập lãi đã giảm 6% (khoảng 1.510 tỷ đồng) so với cùng kỳ, trong khi chi phí lãi giảm tới 20,8% (khoảng 2.558 tỷ đồng).
Ngoài ra, lãi thuần từ mảng kinh doanh ngoại hối cũng ghi nhận mức tăng trường 77,7%, lên 1.586 tỷ đồng. Mảng kinh doanh khác lãi gấp 3,1 lần so với cùng kỳ, đem về 1.285 tỷ đồng. Ba mảng chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư và góp vốn, mua cổ phần có lãi thuần tăng trong quý này. Duy nhất, lãi thuần từ mảng dịch vụ giảm 50,2% so với cùng kỳ, chỉ mang về 942 tỷ đồng.
Tổng thu nhập hoạt động (TOI) quý của ngân hàng đạt 17.711 tỷ đồng, tăng 10,7%. Tuy nhiên do không còn khoản hoàn nhập dự phòng cao hơn 1.500 tỷ như quý IV/2023 nên lợi nhuận trước thuế của Vietcombank giảm hơn 9% so với cùng kỳ.
Trong quý IV, chi phí hoạt động của Vietcombank đã tăng 22,6%, lên 7.040 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí nhân viên cao hơn. Vietcombank là một trong những ngân hàng chịu chi nhất cho nhân viên. Bình quân trong năm, mỗi nhân viên Vietcombank được ngân hàng chi tới 42,8 triệu đồng/tháng.
Tính đến 31/12/2024, tổng tài sản của Vietcombank tăng 13,4% đạt hơn 2,08 triệu tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng đạt 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 14,1%,trong đó, tín dụng bán buôn tăng 15%, tín dụng bán lẻ tăng 12%. Số dư tiền gửi của ngân hàng tăng 8,5%, lên 1,5 triệu tỷ đồng. Trước đó vào cuối quý II, tiền gửi của Vietcombank từng giảm 1,5%.
Đáng chú ý, số dư tiền gửi của Bộ Tài chính tại Vietcombank tăng mạnh với 77.650 tỷ đồng vào tính đến hết tháng 12, gấp 100 lần so với đầu năm (770 tỷ đồng). Chi phí lãi tiền gửi của Bộ Tài chính trong năm là 1.280 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước là 671 tỷ đồng).
Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 10,7% so với đầu năm. Tổng nợ nhóm 3 đến nhóm 5 là 13.964 tỷ đồng đưa tỷ lệ nợ xẩu của Vietcombank từ 0,99% (đã điều chỉnh lại) về 0,96%, vẫn ở mức thấp so với mặt bằng trong ngành. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao 223%.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho Vietcombank tăng vốn điều lệ thêm 27.666 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Sau khi hoàn thành, vốn điều lệ ngân hàng dự kiến sẽ tăng từ 55.891 tỷ đồng lên 83.557 tỷ đồng.
Sắp tới, Vietcombank dự kiến họp bất thường vào ngày 7/3/2025 bàn các vấn đề về nhân sự. Ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền là 4/2/2025.
Xem thêm tại vietnambiz.vn