Quản trị bền vững ở PAN Group
Những ngày tham dự COP 28 - Hội nghị khí hậu lớn nhất lịch sử là trải nghiệm đặc biệt với bà Nguyễn Thị Trà My, CEO Tập đoàn PAN (PAN Group). Hội nghị quy tụ 180 nguyên thủ quốc gia và 97.000 đại biểu đã kêu gọi tất cả “áp dụng một tư duy khác” trong đàm phán các vấn đề cắt giảm nhiên liệu hóa thạch, cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng.
Việt Nam, với những thông điệp mạnh mẽ kể từ COP 26, tại COP 28 cũng có một vị thế lớn hơn khi có một khu vực riêng mang tên Vietnam Pavillion để tổ chức các hội nghị, lễ ký kết, tọa đàm và gặp gỡ song phương.
“Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi đến cộng đồng quốc tế nhiều thông điệp quan trọng, trong đó tôi ấn tượng nhất là thông điệp về hành động. Việc “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện” là chìa khoá để củng cố lòng tin giữa các quốc gia và khai thông bế tắc trong đàm phán về biến đổi khí hậu”, bà Trà My chia sẻ.
Tập trung vào khả năng thực hành cũng là thế mạnh lớn trong chiến lược phát triển bền vững của PAN Group. Kể từ năm 2016, khi Việt Nam còn rất ít người biết đến cụm từ phát triển bền vững, PAN đã sớm nhận thức và xây dựng hệ thống quản trị bền vững xuyên suốt từ tập đoàn đến các thành viên. Đến nay, phát triển bền vững đã gắn kết với từng hoạt động của PAN và phần nào cho thấy “trái ngọt”.
Tầm nhìn rộng
Trong 5 năm trở lại đây, PAN Group ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân 30 - 50% so với năm trước. Vốn điều lệ của tập đoàn cũng từ mức 200 tỷ đồng năm 2013 lên mức 8.900 tỷ đồng hiện tại. Giai đoạn tăng trưởng vượt bậc giúp PAN Group soán ngôi đầu trong nhiều lĩnh vực: dẫn đầu thị trường về giống cây trồng, nông dược và khử trùng/kiểm soát dịch hại, đứng thứ 3 về xuất khẩu tôm, và thuộc nhóm đầu trong phân khúc bánh kẹo nội địa…
Khởi điểm từ một doanh nghiệp trong lĩnh vực vệ sinh công nghiệp, sự xuất hiện của ông Nguyễn Duy Hưng, “ông trùm” trong lĩnh vực tài chính và bà Nguyễn Thị Trà My – một người có gần 18 năm tham gia điều hành Biomin Việt Nam, một tập đoàn nông nghiệp đa quốc gia đã đặt nền móng giúp PAN Group chuyển mình sang lĩnh vực nông nghiệp.
Trong giai đoạn 10 năm từ 2012 – 2022, PAN Group mở rộng sự hiện diện của mình trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm thông qua chiến lược M&A nhiều công ty đầu ngành. Tập đoàn đã xây dựng một hệ sinh thái đa dạng với hàng loạt thành viên tên tuổi như Vinaseed, VFC, Thực phẩm Sao Ta, Aquatex Bến Tre, Bibica, Lafooco, 584 Nha Trang, …
Dù mở rộng rất nhanh, các thương vụ của PAN rất chọn lọc khi chỉ nhắm đến các ngành là thế mạnh của Việt Nam và đến các công ty đã đạt những giá trị, thương hiệu, vị thế trong ngành, có sự minh bạch về thông tin, có quản trị chuyên nghiệp, và đặc biệt là chú ý tính bền vững.
Ngay từ những ngày đầu đặt nền móng cho tập đoàn nông nghiệp xanh, PAN đã khéo léo lồng ghép ý tưởng phát triển bền vững vào hoạt động của tập đoàn. Điều này thể hiện ngay ở việc xây dựng hệ thống quản trị từ tập đoàn đến công ty thành viên. Ngoài tiểu ban phát triển bền vững thuộc Hội đồng quản trị, một Ban chỉ đạo phát triển bền vững cũng được thành lập do Tổng giám đốc Tập đoàn làm trưởng ban, ủy viên là lãnh đạo các đơn vị thành viên. Các chương trình đào tạo nâng cao nhận thức về phát triển bền vững tới cán bộ nhân viên và người lao động cũng được triển khai ngay sau đó.
Các chỉ số môi trường, xã hội được giám sát định kỳ và công bố trên báo cáo phát triển bền vững của Tập đoàn. PAN là một trong những công ty đầu tiên thực hiện báo cáo phát triển bền vững hàng năm theo chuẩn GRI và luôn nằm trong nhóm báo cáo tốt nhất và có độ tin cậy nhất thị trường.
Năm 2015, PAN gia nhập ngành điều thông qua đầu tư vào Lafooco, một trong những đơn vị lớn nhất ngành. Doanh thu cao nhưng khi ấy, Lafooco chủ yếu kinh doanh điều thô, bán buôn và bán thành phẩm với công nghệ lạc hậu. Công nghệ chao dầu phổ biến ở thời kỳ đó không những ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, rủi ro cho người lao động mà còn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ nguồn nước thải ra. Nếu áp dụng các tiêu chuẩn thấp trong quá trình sản xuất sẽ hạn chế khả năng xuất khẩu sang những thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao như EU hay Mỹ.
PAN đã thay đổi điều đó bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng, thiết bị để chuyển từ hoạt động sản xuất điều thô sang các sản phẩm giá trị gia tăng cao hơn, hướng tới phân khúc cao cấp. Cùng với sự biến chuyển về định hướng, tiêu chuẩn trong sản xuất của Lafooco được đẩy lên tầm cao mới. Trong đó có việc thay thế công nghệ hấp để giải quyết triệt để vấn đề, nước thải độc hại hầu như không phát sinh. Công nghệ Low Oxy đang áp dụng ở Lafooco an toàn đến mức được chấp nhận ở trong cả những sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Cùng với việc đạt được những chứng nhận như HACCP, BRC, SEDEX… Lafooco cũng gây dựng thành công hơn 500 ha vùng trồng điều tại Bình Phước được cấp chứng nhận hữu cơ của Mỹ và EU.
Cùng với những thay đổi mang tính bền vững đó, kết quả kinh doanh của Lafooco cải thiện rõ rệt. Sau hơn 2 năm chuyển hướng sản xuất kinh doanh sang hàng chế biến sâu, Lafooco đã chính thức xóa lỗ lũy kế và có lãi từ 2020. Từ một doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản thô, công ty đã chuyển hướng hoàn toàn tập trung vào hàng chế biến sâu, đồng thời đặt mục tiêu đưa hạt điều mang nhãn hiệu Lafooco từ Việt Nam vượt xuyên biên giới vào top 100 hạt điều trên Amazon Mỹ.
Có thể thấy, phát triển bền vững mang lại những giá trị thực tế tới hoạt động kinh doanh của PAN. Mặc dù vậy, ban đầu không dễ để thuyết phục ban lãnh đạo công ty vốn đã quá quen thuộc với cách làm cũ phải chuyển sang phương hướng mới.
Bà Trà My nhớ lại, thời điểm Vinarice – một thành viên của Vinaseed đầu tư nhà máy chế biến gạo công nghệ cao trị giá 350 tỷ đồng, công suất chế biến bảo quản 100.000 tấn gạo/năm và 50.000 tấn giống/năm, nhiều cổ đông tỏ ra hoài nghi vì chi phí quá đắt và tính cần thiết cũng là một câu hỏi lớn. Nếu xây dựng phải tính đến khấu hao, chi phí lãi vay cao, ảnh hưởng tới lợi nhuận doanh nghiệp.
Bất chấp những hoài nghi đó, Tổng giám đốc PAN tin rằng việc xây dựng một dây chuyền hiện đại là bắt buộc. Bởi khách hàng sẽ sang Việt Nam kiểm tra các công đoạn sản xuất như người lao động, nhà máy, môi trường, tất cả đều phải tiêu chuẩn cao.
Đề xuất xây dựng nhà máy gạo Vinarice theo chuẩn ESG sau đó được phê duyệt. Nhờ đáp ứng những tiêu chuẩn cao của các thị trường châu Âu, Mỹ, gạo từ nhà máy được xuất sang các thị trường này với giá 1.100 USD/tấn, cao gấp đôi so với giá thông thường.
“Đây là thành quả mà nhắc đến tôi hết sức tự hào. Rõ ràng nếu đầu tư bài bản, làm tốt thì mọi thứ sẽ đến. Tôi được truyền cảm hứng về ESG rất nhiều khi làm việc tại các công ty đa quốc gia trong thời gian dài. Nhưng làm sao để thuyết phục được những lãnh đạo lớn tuổi trong các công ty thành viên là một việc rất khó khăn và cần nhiều tâm sức”, bà Trà My nhìn nhận.
Nhờ tư duy đổi mới mạnh mẽ của ban lãnh đạo PAN, khả năng thực hành phát triển bền vững của tập đoàn rất ấn tượng. Chỉ trong thời gian ngắn, các công ty thành viên của tập đoàn nhanh chóng dịch chuyển sản xuất sang các công nghệ an toàn, thân thiện môi trường hơn. Tập đoàn cũng khánh thành nhiều nhà máy sử dụng công nghệ hiện đại, nhiên liệu sạch.
Trong 3 năm qua, PAN Group đã xây dựng 7 nhà máy mới để đáp ứng nhu cầu thị trường, cùng những yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, điều kiện lao động an toàn cho công nhân và hạn chế phát thải ra môi trường.
Không ngừng thực hành
Trong khuôn khổ COP 28, PAN Group và Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam đã công bố biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai các giải pháp và dịch vụ tài chính theo tiêu chí ESG. Theo đó, Standard Chartered Việt Nam hỗ trợ PAN trong việc tiếp cận các giải pháp và dịch vụ tài chính dựa trên các yếu tố ESG nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư vào các dự án phát triển bền vững. Các dự án này sẽ có cơ hội được tiếp cận các khoản tín dụng xanh, liên kết bền vững trong trung và dài hạn với nhiều hỗ trợ ở thủ tục giải ngân và lãi suất.
Song song đó, các dự án được cấp vốn tín dụng xanh sẽ chịu sự đánh giá định kỳ trên các tiêu chí ESG và đảm bảo tuân thủ khung tài chính bền vững của Standard Chartered Việt Nam.
Hợp tác này sẽ mở ra cơ hội đối với cả hai bên. Tập đoàn PAN có thể mở rộng các lựa chọn tài chính của mình đối với những dự án phát triển của tập đoàn và các công ty con bằng giải pháp liên quan đến ESG.
Trong khi đó, Standard Chartered Việt Nam có thể đồng hành và tiếp tục hỗ trợ các dự án xanh của PAN trong tương lai, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường tài chính xanh, từ đó đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững, giảm phát thải, trung hòa carbon đã được Chính phủ cam kết mạnh mẽ.
Những người đứng đầu ở PAN, từ Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng đến Tổng giám đốc - bà Nguyễn Thị Trà My đều là những người dày dạn kinh nghiệm về tài chính. Kinh nghiệm này giúp việc thực hành phát triển bền vững của PAN nhanh chóng liên kết với hiệu quả về mặt kinh tế.
Đây được xem là lợi thế khác biệt của PAN. Tập đoàn tiếp cận được dòng vốn từ các tổ chức quốc tế như IFC, quỹ TAEL Partners, GIC (quỹ đầu tư quốc gia Singapore), PYN Elite Fund, Sojitz Corporation…. Bà Trà My cho biết, trong 10 năm qua, tập đoàn đã huy động được khoảng 200 triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài, qua nhiều hình thức khác nhau.
Những khoản tiền huy động được thúc đẩy PAN phát triển mạnh mẽ nông nghiệp xanh. Ngày 27/11, ngay trước thềm COP 28, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Đề án tạo ảnh hưởng đến việc tổ chức sản xuất chuỗi giá trị lúa gạo, không chỉ đóng góp quan trọng cho mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 của Việt Nam, mà còn giúp nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của nông dân. PAN là một trong những thành viên quan trọng đồng hành với đề án này.
PAN đã triển khai song song các dự án phát triển bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp. Tập đoàn cùng UBND tỉnh Đồng Tháp xây dựng và triển khai đề án “Nâng cao thu nhập người trồng lúa” trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của dự án hướng đến phát triển chuỗi lúa gạo đa giá trị, giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao thu nhập cho người nông dân lên 30% đến 2025.
Nông nghiệp là lĩnh vực thâm dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên như đất, nước, cũng như tạo ra nhiều chất thải ra môi trường, vì vậy càng mở rộng hoạt động, PAN càng phải tìm kiếm các giải pháp và nguồn lực phát bền vững, hài hòa các lợi ích đối với môi trường và xã hội.
Những nỗ lực thực thi phát triển bền vững tại PAN chưa bao giờ dừng lại. Nhiều sáng kiến được đưa ra để tận dụng tối đa nguồn lực và tối thiểu hóa tác động đến môi trường. Chẳng hạn, phụ phẩm cá tra dùng để chiết xuất dầu và làm thức ăn chăn nuôi.
Vỏ và đầu tôm được dùng để sản xuất chitin, chitosan là đầu vào quan trọng của cả nông nghiệp, thực phẩm và y tế. Vỏ hạt điều vừa được tái sử dụng làm nguyên liệu đốt lò sấy, vừa được ép lấy dầu để làm chất đốt và làm chất tạo màng để sản xuất sơn tàu biển hay các loại vật liệu ép, chịu nhiệt.
Thậm chí, bã mắm được tái sử dụng làm phân bón, phụ phẩm từ nhà máy gạo như vỏ trấu cũng được tái sử dụng tại chỗ làm chất đốt lò sấy, tấm và cám gạo được bán cho các đơn vị làm thực phẩm, nấu cồn.
Ngay cả phụ phẩm sản xuất bánh kẹo cũng được tái sử dụng cho thức ăn chăn nuôi, bao bì được thiết kế để người dùng có thể tái sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như đồ dùng trong nhà, đồ chơi trẻ em.
“Tuy mỗi thành viên đều có vấn đề riêng của mình, nằm trong bối cảnh khác nhau nên không thể có chung một cách làm nhưng có chung một đích tới”, bà Trà My chia sẻ.
Với cam kết khí thải, tập đoàn đặt mục tiêu net zero 2050, tương tự như cam kết từ phía Chính phủ. Song song với đó là các hoạt động tích cực giảm thiểu các chất thải, ưu tiên các vật liệu và phương pháp thân thiện với môi trường, thực hiện các biện pháp bền vững ở mọi bước.
Tổng giám đốc PAN cho biết, Tập đoàn hiện chưa có doanh nghiệp thuộc diện phải thực hiện kiểm kê khí thải nhà kính theo Quyết định 01/2022 của Chính phủ nhưng PAN chắc chắn không bỏ qua mối quan tâm đối với các vấn đề môi trường, xã hội. Tập đoàn đã có kế hoạch và đang trong quá trình xây dựng lộ trình giảm phát thải khí nhà kính từ năm 2024.
Các thành viên của PAN khai thác sức mạnh của các nguồn năng lượng xanh bằng cách đầu tư vào các nguồn năng lượng mặt trời, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Hiện Vinaseed, Bibica, 584 Nha Trang đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái cho các nhà máy tại khu vực có bức xạ cao. Hệ thống này giúp giảm đáng kể chi phí điện và góp phần giảm lượng carbon thải ra môi trường.
Với nguồn nước, Tập đoàn tối ưu hóa các kỹ thuật tưới tiêu, giảm lượng nước sử dụng và triển khai các hệ thống tái chế nước. Các đơn vị thành viên của PAN như Bibica hay thủy sản Bến Tre đều ứng dụng công nghệ tái sử dụng nước, tuần hoàn nước để bảo vệ nguồn tài nguyên quan trọng này.
Bên cạnh đó, Tập đoàn còn tập trung vào việc tăng cường tái tạo, đặc biệt là thông qua các dự án trồng rừng, để khôi phục và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. PAN đã khởi động dự án “Nguồn sống lâm sinh” từ 2020, theo đó đặt mục tiêu trồng được 1 triệu cây xanh đến 2030 nhằm tăng diện tích che phủ, bảo vệ môi trường đất và tạo nhiều cơ hội sinh kế cho người dân địa phương. Đến nay, dự án đã trồng được hơn 500.000 cây tại 9 tỉnh thành trên khắp cả nước.
“Hướng tới tương lai, phát triển bền vững đối với chúng tôi vẫn luôn là chiến lược xuyên suốt. Tập đoàn PAN sẽ tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu chất lượng cao, truy xuất được nguồn gốc, nâng cao giá trị sản phẩm để đem lại lợi ích lớn hơn cho chuỗi cung ứng, trong đó có người nông dân. Chúng tôi cũng đồng thời ứng dụng công nghệ hiện đại, an toàn cho con người và thân thiện môi trường, góp phần đưa nền nông nghiệp, thực phẩm Việt Nam có vị trí xứng đáng trên bản đồ sản xuất lương thực thế giới”, Tổng giám đốc của PAN Group chia sẻ.
Xem thêm tại theleader.vn