Quản trị doanh nghiệp theo ESG như thế nào để thành công?

“ESG vừa là thuốc bổ, vừa là thuốc chữa bệnh”

Chia sẻ tại hội thảo về ESG (môi trường, xã hội và quản trị) được tổ chức mới đây tại TPHCM, TS Lê Thái Hà, Giám đốc Điều hành Quỹ VinFuture, Giám đốc Điều hành Quỹ Vì tương lai xanh cho biết, từ trước đến nay, quản trị DN thường được coi là một khoản gây phát sinh chi phí cho DN và nếu không thực hiện đúng cách có thể "lợi bất cập hại". Điều này đồng nghĩa với việc áp dụng quản trị DN có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều ý kiến lại cho rằng quản trị DN theo định hướng ESG có thể là một yếu tố tạo ra lợi nhuận, vì nếu quản trị tốt thì DN không những vừa có thể tiết giảm được chi phí mà còn có thể xây dựng tạo nền tảng cho lợi nhuận bền vững.

Đồng tình với ý kiến của TS Lê Thái Hà, TS Bùi Thanh Minh, Phó Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, vấn đề quản trị đang là nỗi đau đáu của các chủ DN. Bởi về vĩ mô, nền kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa trên thâm dụng lao động, môi trường, tài nguyên… Nội lực DN cũng rất yếu. Các DN thua lỗ đều có nguyên nhân từ quản trị yếu kém. Trong khi đó, quản trị là một trong 3 trụ cột của ESG. Khi thực hành ESG, DN sẽ khắc phục được những điểm yếu về quản trị và tối ưu hóa được chi phí, tài nguyên.

Theo TS Bùi Thanh Minh, hiện người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho những sản phẩm xanh, nên DN có thể thay thế sản phẩm và mở rộng thị trường từ những DN khác chưa xanh. Chuyển động theo ESG cũng giúp DN có cơ hội tiếp cận vốn xanh – tuy không rẻ nhưng là vốn trung, dài hạn và được cấp dựa trên tín chấp. Đây là cơ hội để DN khắc phục những vấn đề trong cấu trúc vốn trong bối cảnh chỉ dựa vào tín dụng.

“Với những vấn đề nội tại trong quản trị DN và xu hướng ESG trên toàn cầu, việc quản trị DN theo định hướng ESG vừa là thuốc bổ, vừa là thuốc chữa bệnh. Cơ bản là phải sử dụng thuốc ra sao, liều lượng thế nào để DN có một cơ thể khỏe mạnh” – TS Bùi Thanh Minh nhấn mạnh.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT khẳng định ESG là sức mạnh để DN phát huy giá trị cốt lõi. "Khi thương thảo với đối tác nước ngoài, các DN Việt Nam luôn được hỏi về ESG. Nếu không quản trị DN theo hướng ESG thì không có cơ hội hợp tác với họ. ESG là sức mạnh để DN phát huy giá trị cốt lõi" - ông Nguyễn Văn Khoa khẳng định.

Tập đoàn PAN cũng là một trong những minh chứng về lợi ích của việc thực hành ESG khi DN này đã soán ngôi đầu trong nhiều lĩnh vực như dẫn đầu thị trường giống cây trồng, nông dược và khử trùng, kiểm soát dịch hại; đứng thứ 3 về xuất khẩu tôm và thuộc nhóm đầu trong phân khúc bánh kẹo nội địa… Với việc thực hành ESG, các công ty thành viên của PAN nhanh chóng dịch chuyển sản xuất sang các công nghệ an toàn, thân thiện môi trường hơn. Tập đoàn cũng khánh thành nhiều nhà máy sử dụng công nghệ hiện đại, nhiên liệu sạch. ESG cũng giúp PAN tiếp cận được dòng vốn từ các tổ chức quốc tế như IFC, quỹ TAEL Partners, GIC (quỹ đầu tư quốc gia Singapore), PYN Elite Fund, Sojitz Corporation… Theo bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng giám đốc Tập đoàn PAN, trong 10 năm qua, tập đoàn đã huy động được khoảng 200 triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài, qua nhiều hình thức khác nhau.

Bắt đầu như thế nào?

Dù có rất nhiều lợi ích, song việc quản trị DN theo định hướng ESG lại không hề đơn giản. Nhiều DN vẫn đang loay hoay trong quá trình này, đặc biệt khi các DN Việt Nam hiện nay chủ yếu là DN vừa và nhỏ.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Hội Sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội cho biết, kinh nghiệm thực tế từ DN triển khai ESG là phải xác định đâu là ưu tiên. Bản chất triển khai ESG phải có lộ trình. Các đơn vị thẩm định ESG cũng đánh giá theo lộ trình. Trong lộ trình đó, sẽ có những ưu tiên theo từng giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên, DN có thể triển khai ESG ở mức độ nhận thức của lãnh đạo cấp cao, cấp trung. Giai đoạn tiếp theo là triển khai các vấn đề về tài chính, nhà máy.

TS Bùi Thanh Minh cũng thừa nhận, các DN hiện đang ở giữa “ma trận” thông tin khi có rất nhiều tiêu chuẩn, luồng ý kiến khác nhau về ESG. Theo đó, trước tiên DN cần phân tích mô hình kinh doanh, xu hướng ESG tác động như thế nào tới mô hình kinh doanh của mình. “Nếu thực hành ESG để tiếp cận các quỹ thì DN nên xem xét yêu cầu của các quỹ. Còn thực hành ESG để mở rộng thị trường, DN có thể học hỏi từ các DN tiên phong. Điều đặc biệt quan trọng trong thực hành ESG chính là dữ liệu, DN phải xây dựng dữ liệu thống kê để chứng minh” – TS Bùi Thanh Minh nói.

Chia sẻ câu chuyện thực tế của DN, bà Phạm Thị Quỳnh Vi, Giám đốc chất lượng, Tập đoàn FPT cho biết, khi triển khai ESG từ 5 năm trước, FPT đã phải học rất nhiều. Trước tiên là học từ các khách hàng lớn. Mỗi cuộc đánh giá của khách hàng đều là cơ hội cho DN học hỏi và cải tiến. “Từ những điều học hỏi được, DN rút ra điều gì là quan trọng, có thể làm được và xây dựng nên bộ chỉ số ESG để đưa vào triển khai” – bà Quỳnh Vi chia sẻ.

TS Lê Thái Hà cũng cho biết, mỗi DN có đặc thù về ngành nghề, quy mô, định hướng phát triển, nên sẽ không có công thức ESG chung cho tất cả DN. Do đó, việc thuê các đơn vị tư vấn ở giai đoạn đầu là rất cần thiết nếu nội bộ DN không đủ nguồn lực cũng như kiến thức để triển khai ESG.

Vấn đề quan trọng là DN cần làm việc sát sao với các đơn vị tư vấn để họ hiểu sâu sắc về hoạt động kinh doanh, bản sắc của DN. Các đơn vị tư vấn có thể cung cấp rất nhanh kiến thức về ESG, xu thế, xu hướng triển khai ESG trên thế giới cũng như các bài học từ DN có mô hình hoạt động tương tự. Các chủ DN phải dựa trên thông tin của đơn vị tư vấn để chọn ra mô hình phù hợp với chính mình. "Việc thuê tư vấn sẽ giúp DN tiết kiệm thời gian cho việc tìm hiểu. Nhưng tư vấn chỉ đóng vai trò đồng hành, còn DN mới là người lựa chọn, chịu trách nhiệm hoàn toàn" – TS Lê Thái Hà nhấn mạnh.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn