Quảng Nam: Thanh tra và xử lý vi phạm về khoáng sản
Theo Thanh tra tỉnh Quảng Nam, kết quả thanh tra 10 mỏ khai thác khoáng sản của 9 đơn vị ở huyện Nam Trà My, Phú Ninh, Duy Xuyên, Đông Giang cho thấy bên cạnh những mặt tích cực thì các đơn vị vẫn có nhiều điểm còn tồn tại.
CHƯA NỘP, CHƯA KÊ KHAI, KÊ KHAI THIẾU THUẾ, PHÍ
Cụ thể, đối với Công ty Bình An Phú khai thác mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại thôn 1, xã Trà Don, huyện Nam Trà My: Tổng số thuế, phí chưa nộp, kê khai thiếu, chưa kê khai là 182.433.000 đồng.
Với công ty KONGO khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường và khai thác đất san lấp, xây dựng công trình (khoáng sản đi kèm) tại đồi Cù Lao, thôn Ngọc Giáp, xã Tam Dân, huyện Phú Ninh: Hợp đồng thuê 19.341 m2 đất để xây dựng khu chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã hết thời hạn từ năm 2016, nhưng công ty chưa lập thủ tục gia hạn thời gian thuê đất theo quy định.
Tương tự, Công ty Vạn Tín Thành khai thác đất san lấp xây dựng công trình và đá tảng lăn làm vật liệu xây dựng thông thường dư thừa trong quá trình thực hiện xây dựng Nhà máy chế biến dăm gỗ và sản xuất viên nén sinh học xuất khẩu tại xã Tam Dân, huyện Phú Ninh: Công ty không lắp đặt trạm cân và camera vi phạm Nghị định 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ; không chấp hành việc kê khai nộp thuế thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với khối lượng đá chẻ đã khai thác.
Với công ty Bàn Sơn khai thác đất sét làm vật liệu xây dựng thông thường tại khu vực Đồng Xe, thôn Phú Đa 2, xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên: Công ty không thông báo bằng văn bản về trình độ chuyên môn, năng lực của giám đốc mỏ và đăng ký ngày bắt đầu khai thác, kế hoạch khai thác khoáng sản gửi cho cơ quan nhà nước; không lắp đặt trạm cân và camera nằm trên đoạn đường vận chuyển đất sét ra khỏi bãi tập kết. Bên cạnh đó, qua kiểm tra thực tế mỏ, kết quả làm việc và kết quả xem xét giải trình của Công ty cho thấy, khối lượng đất sét tận thu từ việc bốc tầng phủ chưa nộp thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường là 4.892,8m3. Tổng giá trị thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường phải nộp là 135.530.560 đồng.
Trong khi 2 mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại thôn An Trung, xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên do Công ty cổ phần CTGTVT Quảng Nam khai thác: chưa kê khai sản lượng đá hộc tồn kho 977 m3 năm 2023, dẫn đến số thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường chưa nộp là 17.900.726 đồng.
Còn tại mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại thôn Ba Liêng, xã A Ting: Doanh nghiệp tư nhân Tiến Thịnh chưa kê khai khối lượng đá đã khai thác (đá sau nổ mìn) là 1.617,25 m3. Tổng số tiền thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường phải nộp là 21.510.000 đồng. Mặt khác, sử dụng diện tích đất thực tế cao hơn so với Hợp đồng thuê đất số 50/HĐTĐ ngày 16/6/2021 là 2.924,1 m2 nhưng không lập hồ sơ xin thuê đất.
Tại mỏ cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại thôn 5, xã Ba, huyện Đông Giang: Công ty Chiến Khánh không thông báo bằng văn bản về trình độ chuyên môn, năng lực của giám đốc điều hành mỏ về cơ quan quản lý nhà nước; không có lắp đặt trạm cân và camera nằm trên đoạn đường vận chuyển khoáng sản ra khỏi bãi tập kết; thực hiện mở rộng khai thác khoáng sản không đúng theo hồ sơ thiết kế được duyệt; kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường thiếu số tiền 49.706.930 đồng; tổng số tiền thuế, phí phải nộp đối với khối lượng sỏi 2.122,44 m3 khai thác chưa kể khai là 66.278.000 đồng.
Tại mỏ đất sét làm vật liệu xây dựng thông thường tại khu vực Nà Đạc, thôn Thạnh Xuyên, xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên: Công ty Phan Ngọc Anh cũng không lắp đặt trạm cân và camera nằm trên đoạn đường vận chuyển đất sét ra khỏi bãi tập kết.
THỰC HIỆN NGHIÊM KẾT LUẬN THANH TRA
Từ tình hình trên, Thanh tra kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện có mỏ khai thác khoáng sản và doanh nghiệp khai thác khoáng sản thực hiện nghiêm kết luận thanh tra. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra cụ thể Công ty Vạn Tín Thành để xử phạt vi phạm hành chính việc vi phạm quy định về khai thác khoáng sản, truy thu thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường, xử phạt đúng quy định khối lượng đá chẻ đã khai thác nhưng chưa kê khai nộp thuế.
Đồng thời, Thanh tra tỉnh đề nghị thu hồi nộp Ngân sách Nhà nước qua tài khoản tạm giữ của Thanh tra tỉnh Quảng Nam tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Nam với tổng số tiền sai phạm phát hiện qua thanh tra là 324.347.216 đồng.
Trong đó, Công ty cổ phần Đầu tư tư vấn và xây dựng Bình An Phú phải nộp số tiền 33.421.000 đồng; Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ và thương mại Bàn Sơn số tiền 135.530.560 đồng; Công ty cổ phần Công trình Giao thông vận tải Quảng Nam số tiền 17.900.726 đồng; Doanh nghiệp tư nhân Tiến Thịnh số tiền 21.510.000 đồng; Công ty TNHH Xây dựng – Dịch vụ vận tải và Thương mại Chiến Khánh số tiền 115.984.930 đồng.
Ngoài ra, Thanh tra cũng kiến nghị có một số xử lý khác. Cụ thể, Công ty cổ phần Đầu tư KONGO tiếp tục liên hệ cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn và lập thủ tục gia hạn thời gian thuê đất đối với 19.341 m3 đất để xây dựng Khu chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Phan Ngọc Anh tổ chức lắp đặt trạm cân và camera theo đúng quy định Nghị định 158/2016/NĐ-CP.
Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ và Thương mại Bàn Sơn liên hệ với các cơ quan chức năng tổ chức cắm lại một số cọc mốc các điểm góc của mỏ, theo đúng giấy phép được cấp do đã bị di dời; kiểm tra, rà soát và thông báo bằng văn bản về trình độ chuyên môn, năng lực của giám đốc mỏ, đăng ký ngày bắt đầu khai thác, kế hoạch khai thác khoáng sản gửi cho cơ quan nhà nước; tổ chức lắp đặt trạm cân và camera theo đúng quy định.
Đối với Công ty TNHH Xây dựng – Dịch vụ vận tải và Thương mại Chiến Khánh, Doanh nghiệp tư nhân Tiến Thịnh, Công ty cổ phần Thăng Hoa và Công ty Vạn Tín Thành: Do hiện nay mỏ khai thác khoáng sản đã hết hạn cấp phép khai thác, ngừng hoạt động, đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện việc đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường, lập các thủ tục tiếp tục khai thác (nếu có) theo đúng quy định.
Xem thêm tại vneconomy.vn