Quý 4/2023, thị trường phái sinh giao dịch sôi động, đạt 1.487.574 tài khoản
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố báo cáo thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam quý 4/2023.
Theo báo cáo của HNX, kinh tế Việt Nam trong quý 4/2023 tiếp tục xu hướng phục hồi từ các động lực tăng trưởng kinh tế như: Chính sách tập trung đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ; vốn FDI đăng ký mới và giải ngân vào Việt Nam gia tăng; thặng dư thương mại cao tạo thuận lợi ổn định đồng nội tệ; sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu phục hồi theo từng quý,… Tuy nhiên, ảnh hưởng từ sự phục hồi chậm của kinh tế thế giới vẫn đang gây ra nhiều khó khăn đối với kinh tế Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, GDP quý 4/2023 ước tăng 6,72% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn quý 4 các năm 2012 ÷ 2013 và 2020 ÷ 2022. GDP năm 2023 ước tăng 5,05% so với năm 2022, tuy chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,87% và 2,55% của các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011 ÷ 2023 nhưng có xu hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 3,41%, quý 2 tăng 4,25%, quý 3 tăng 5,47%).
Cũng trong quý 4/2023, chỉ số VN30 và VN-Index điều chỉnh giảm mạnh trong tháng đầu của quý và phục hồi mạnh trở lại theo hướng cân bằng trong phần còn lại của quý và của năm 2023. Biên độ dao động giá trong khoảng 1.173,06 điểm (mức cao nhất, ghi nhận trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 10/2023 (phiên giao dịch ngày 02/10/2023) ÷ 1.034,04 điểm (mức thấp nhất, ghi nhận trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 11/2023) đối với VN30, và 1.161,48 điểm (mức cao nhất, ghi nhận ngày 02/10/2023) ÷ 1.020,01 điểm (mức thấp nhất, ghi nhận ngày 01/11/2023) đối với VN-Index.
Nếu tính theo giá đóng cửa, phiên giao dịch cuối cùng của năm 2023 (ngày 29/12/2023), VN30 đóng cửa tại 1.131,46 điểm, giảm 2,97% so với giá đóng cửa phiên giao dịch kết thúc quý 3/2023 (1.166,26 điểm), trong khi đó VN-Index đạt 1.129,93 điểm, giảm 2,10% so với giá đóng cửa phiên giao dịch kết thúc quý 3/2023 (1.154,15 điểm). Khối lượng giao dịch (KLGD) cổ phiếu trong rổ VN30 đạt trung bình hơn 170,5 triệu CP/phiên, giảm mạnh 37,71% so với bình quân quý 3/2023.
Trong quý 4/2023, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam giao dịch sôi động trong nửa đầu quý và cân bằng trong nửa cuối quý với biến động giá đồng pha với thị trường chứng khoán cơ sở.
Tổng khối lượng giao dịch và khối lượng giao dịch bình quân của thị trường chứng khoán phái sinh tăng mạnh so với quý 3/2023, lần lượt tăng 23,90% về tổng KLGD và tăng 20,09% về KLGD bình quân.
Tổng KLGD toàn thị trường đạt hơn 16,50 triệu hợp đồng, KLGD bình quân đạt 253.925 hợp đồng/phiên; OI bình quân đạt 54.896 hợp đồng/phiên.
Về HĐTL Chỉ số VN30: Tổng số phiên giao dịch trong quý là 65 phiên với KLGD cao nhất trong quý 4/2023 đạt 429.570 hợp đồng vào ngày 26/10/2023.
Về HĐTL TPCP 5 năm: tổng số phiên giao dịch trong quý là 65 phiên; Trong quý 4/2023, tổng KLGD của HĐTL TPCP 5 năm là 600 hợp đồng, OI cuối quý là 0 hợp đồng.
Về HĐTL TPCP 10 năm: Tổng số phiên giao dịch trong quý là 65 phiên; Trong quý 4/2023, tổng KLGD của HĐTL TPCP 10 năm là 500 hợp đồng, OI cuối quý là 0 hợp đồng.
Về cơ cấu nhà đầu tư thị trường chứng khoán phái sinh: số lượng các tài khoản giao dịch mở trên thị trường chứng khoán phái sinh tiếp tục tăng kể từ thời điểm khai trương thị trường năm 2017 đến năm 2020, tăng trưởng nhanh vào năm 2021. Sau khi đạt đỉnh vào tháng 11/2021, mức độ tăng trưởng suy giảm mạnh đến giữa quý 2/2022, duy trì mức tăng tương đối thấp, ổn định đến hết quý 3/2023. Quý 4/2023 chứng kiến sự tăng trưởng trở lại của số lượng tài khoản, đạt 1.487.574 tài khoản tại thời điểm cuối quý 4/2023.
Về thị phần môi giới chứng khoán phái sinh: tính đến hết ngày 29/12/2023, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam có 24 công ty chứng khoán thành viên - trong quý 4/2023, top 5 thị phần môi giới trên thị trường chứng khoán phái sinh gồm VPS, HSC, TCBS, VND, SSI.
Xem thêm tại vneconomy.vn