Quỹ đầu tư Chính phủ Singapore chính thức không còn là cổ đông lớn của Masan Group
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, quỹ đầu tư Chính phủ Singapore (GIC) đã bán 545.800 cổ phiếu MSN của CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group) trong ngày 19/3. Như vậy, GIC chỉ còn sở hữu 71,2 triệu cổ phiếu MSN (tương đương 4,98% vốn) và chính thức không còn là cổ đông lớn của Masan Group.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/3, cổ phiếu MSN có giá giá 77.400 đồng/cp. GIC có thể đã thu về hơn 42 tỷ đồng từ giao dịch kể trên.
GIC bắt đầu đầu tư vào Masan Group kể từ năm 2016. Tại thời điểm giữa năm 2020, quỹ đầu tư đã từng sở hữu đến 13,03% vốn của Masan (khoảng 152,3 triệu cổ phiếu) sau khi chi ra hàng trăm triệu USD để mua gom. Tuy nhiên, ngay thời điểm cuối năm 2020, đơn vị này đã bắt đầu thoái vốn khỏi công ty của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang.
GIC là quỹ đầu tư thuộc Chính phủ Singapore được thành lập từ năm 1981. Tại Việt Nam, GIC đầu tư vào VinHomes, Masan Group, Vietjet, FPT, The PAN Group…
Về Masan Group, năm 2023, doanh nghiệp đạt doanh thu 78.252 tỷ đồng, tăng gần 3% so với năm 2022. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 1.870 tỷ đồng, giảm hơn 60%.
Sang năm 2024, Masan Group dự kiến doanh thu thuần hợp nhất nằm trong khoảng từ 84.000 đến 90.000 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt từ 7% đến 15% so với cùng kỳ. Đặc biệt, doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận nằm trong khoảng 2.290 tỷ đồng và 4.020 tỷ đồng. Trong kịch bản tích cực, lợi nhuận Masan tăng trưởng mạnh gấp đôi so với mức 1.950 tỷ đồng của năm 2023.
Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), một điểm sáng của Masan là áp lực tài chính sẽ giảm đáng kể từ 2024. Cuối quý 4/2023, nợ vay đến hạn trong 12 tháng tới của MSN là 8.963 tỷ đồng (giảm 62%) và chiếm 21,6% tổng dư nợ dài hạn.
Cuối năm 2023, MSN cũng cho biết đã hoàn tất thanh toán đầy đủ nghĩa vụ nợ đáo hạn trong năm 2023. Trong năm 2024, tổng mức đáo hạn trái phiếu theo tính toán của giới phân tích rơi vào mức 6.000 tỷ đồng, với dòng tiền cải thiện cùng với lượng tiền lớn lên đến 250 triệu USD từ thương vụ gần đây với Bain Capital , theo đó vấn đề thanh khoản không còn là nỗi lo trong thời gian tới với DN này.
Còn BSC Research dự báo mảng tiêu dùng cốt lõi gồm Masan Consumer, WinCommerce đã dần tiến tới điểm hiệu quả khi tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CARG) của lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) giai đoạn 2023-2025 đạt tới 20,8% so với giai đoạn 2021-2023 chỉ là 9%.
Đồng thời, kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng hồi phục và chi phí lãi vay suy giảm. Ngoài ra, Masan cũng đang có kế thoái thoái vốn các mảng kinh doanh không cốt lõi để tập trung hoạt động cốt lõi, cũng như có kế hoạch IPO The CrownX (đơn vị sở hữu Masan Consumer, VinCommerce) trong trung hạn.
Xem thêm tại cafef.vn