Quỹ đầu tư tìm cơ hội tăng trưởng mới

Lĩnh vực năng lượng tái tạo và công nghệ tại Việt Nam đang được các quỹ đầu tư theo dõi, cân nhắc đầu tư
Lĩnh vực năng lượng tái tạo và công nghệ tại Việt Nam đang được các quỹ đầu tư theo dõi, cân nhắc đầu tư.

Cần nhân tố mới hút dòng tiền

Mọi chỉ số đang cho thấy dòng tiền vào các quỹ ETF (quỹ hoán đổi danh mục) đầu tư khu vực Đông Nam Á tiếp tục bị rút ròng. Các chuyên gia phân tích của SSI Research duy trì quan điểm thận trọng về dòng vốn vào các quỹ ETF của Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, cường độ rút ròng sẽ hạn chế hơn so với quý II vừa qua. 

“Tín hiệu tích cực có thể bắt đầu xuất hiện khi môi trường vĩ mô (tỷ giá và lãi suất) hay chính trị ổn định hơn. Đặc biệt, Việt Nam có thể được hưởng lợi khi xu hướng chốt lời và tìm kiếm cơ hội đầu tư khác xuất hiện ở thị trường Đài Loan”, SSI Research nhận định.

Trong tháng 7, các quỹ ETF tiếp tục rút vốn với tổng khối lượng 2.330 tỷ đồng, chiếm 3,5% tổng tài sản. Tính từ đầu năm, các quỹ ETF đã rút ròng tổng cộng 18.500 tỷ đồng, tương đương 24,4% tổng tài sản vào cuối năm 2023, đưa tổng tài sản các quỹ ETF về chỉ còn 59.900 tỷ đồng.

Nhìn chung, sau tháng 7 đầy biến động (đặc biệt về cuối tháng), dòng vốn vào các quỹ cổ phiếu nhiều khả năng thận trọng hơn trong tháng 8 nhằm đánh giá rủi ro suy thoái ở thị trường Mỹ.

Theo thống kê của FiinGroup, nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu khoảng 14% trên thị trường cổ phiếu Việt Nam. Riêng trên HOSE, tỷ lệ này là 17,3%, HNX là 5,4% và UPCoM là 3%. Tại thời điểm cuối năm 2023, tỷ lệ sở hữu nước ngoài lần lượt là 19,83% (HOSE), 10,99% (HNX) và 4,24% (UPCoM).

SSI Research tiếp tục có quan điểm thận trọng khi vào đầu tháng 6, Tập đoàn quản lý tài sản Blackrock công bố giải thể Quỹ iShares Frontier tại Việt Nam.

Quỹ iShares Frontier có quy mô 425 triệu USD. Trong đó, cổ phiếu Việt Nam chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt 28%. Theo dữ liệu từ BSC Research, ngay sau khi ra thông báo, từ ngày 7/6 đến hết ngày 18/6, quỹ này giảm mạnh tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam từ 28% xuống còn 13,77%, tương đương giá trị còn lại khoảng 50,22 triệu USD (khoảng 1.256 tỷ đồng).

Quỹ đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài là một cấu phần quan trọng trong hệ thống các nhà đầu tư tổ chức trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, nhóm này đã bán ròng liên tiếp kể từ năm 2023 đến nay. Tính riêng từ đầu năm 2024, khối ngoại bán ròng 2 tỷ USD. Nếu tính từ năm 2023, nhóm này bán ròng khoảng 4 tỷ USD.

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, khối ngoại bán ròng một phần bởi nhà đầu tư nước ngoài phân bổ lại tài sản, rút khỏi thị trường mới nổi do họ không kỳ vọng vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất.

Trong khi đó, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital cho rằng, một phần do Việt Nam chưa được nâng hạng, không có yếu tố mới hấp dẫn.

Linh hoạt phân chia rủi ro

Cùng với tiến trình thoái vốn nhà nước ở nhiều doanh nghiệp, dư địa để thu hút thêm nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước còn rất lớn. Các quỹ đầu tư cũng linh hoạt và thích ứng trong mọi hoàn cảnh.

Theo đại diện VinaCapital, quỹ theo dõi chặt chẽ các chỉ số kinh tế vĩ mô và diễn biến địa chính trị để điều chỉnh chiến lược đầu tư. VinaCapital cũng ưu tiên tận dụng cơ hội tại các lĩnh vực có khả năng chống chịu tốt hoặc có thể đi ngược chu kỳ.

Điểm tích cực trong tháng 7 là Bộ Tài chính công bố Dự thảo Thông tư cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài được thực hiện giao dịch ký quỹ trong thời gian T+2 với sự hỗ trợ từ các công ty chứng khoán. Kỳ vọng thông tư này được ban hành trong quý IV/2024, tạo điều kiện để các quỹ đầu tư nước ngoài xem xét giải ngân trở lại thị trường Việt Nam.

Thời điểm này, tiềm năng trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo và công nghệ đang được các chuyên gia đầu tư tại quỹ theo dõi sát sao. Đó là những lĩnh vực ít bị ảnh hưởng bởi các chu kỳ kinh tế truyền thống, đồng thời mang đến cơ hội tăng trưởng trong bối cảnh toàn cầu không ngừng thay đổi.

“Việt Nam nằm trong danh sách của các nhà đầu tư trên thế giới nhờ những triển vọng và lợi thế rất hấp dẫn”, đại diện VinaCapital khẳng định.

Theo đó, vị này kỳ vọng, khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng cấp lên thị trường mới nổi, sẽ có thêm 25 tỷ USD vốn ngoại mới được rót vào cổ phiếu Việt Nam đến năm 2030. Rất ít quốc gia có vị thế tốt hơn Việt Nam để duy trì tăng trưởng trong tương lai gần.

Dù hấp dẫn, song Việt Nam cũng không nằm ngoài bối cảnh biến động chung toàn cầu. Theo đó, quản lý rủi ro là một phần cơ bản trong chiến lược đầu tư của VinaCapital thời gian tới.

VinaCapital đã xây dựng được một quy trình đa tầng, bao gồm việc xác định, đánh giá và giảm thiểu rủi ro ở mọi giai đoạn trong quá trình đầu tư. Quá trình này bắt đầu bằng việc thẩm định kỹ lưỡng về các khoản đầu tư tiềm năng, bao gồm phân tích tài chính, đánh giá thị trường, lập kế hoạch kịch bản, giám sát liên tục và điều chỉnh các vị thế khi cần thiết. Trong đó, đa dạng hóa là một yếu tố cốt lõi trong chiến lược quản lý rủi ro của VinaCapital, đảm bảo dòng vốn được phân bổ trên các lĩnh vực và loại tài sản khác nhau.

Ngoài ra, ông Alex Hambly, thành viên Hội đồng đầu tư VinaCapital đặc biệt chú trọng việc sử dụng công nghệ và phân tích dữ liệu để đưa ra chiến lược đầu tư. Được biết, VinaCapital đã đầu tư vào những nền tảng phân tích dữ liệu nâng cao, cho phép thu thập và phân tích lượng lớn dữ liệu thị trường trong thời gian thực tế. Điều này giúp quỹ đưa ra các quyết định đầu tư sáng suốt, cũng như nhận diện những xu hướng và cơ hội có thể không nhìn thấy bằng cách phân tích truyền thống.

Xem thêm tại baodautu.vn