Cụ thể, kết thúc quý I/2024, FPT ghi nhận doanh thu đạt 14.093 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 2.534 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ đạt 1.798 tỷ đồng, tăng trưởng 20,4%, EPS (Earning Per Share) đạt 1.416 đồng/cổ phiếu, tăng trưởng 19,7% so với năm trước.
Trong đó, khối Công nghệ (bao gồm Dịch vụ công nghệ thông tin trong nước và nước ngoài) tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, đóng góp 60% doanh thu và 45% lợi nhuận trước thuế của toàn Tập đoàn, tương đương 8.472 tỷ đồng và 1.155 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 23,8% và 27,5% so với cùng kỳ năm trước.
Nhờ các thị trường trọng điểm đều giữ được đà tăng trưởng do vậy doanh thu từ mảng Dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài tiếp tục giữ vững đà tăng từ năm 2023, đạt 6.999 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.115 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 28% và 25%.
Đáng chú ý, ngay trong 3 tháng đầu năm 2024, FPT liên tục thắng thầu 15 dự án lớn (trên 5 triệu USD mỗi dự án), tập trung chủ yếu tại thị trường Nhật Bản và châu Á – Thái Bình Dương. Trong bối cảnh đồng Yên mất giá, hoạt động kinh doanh của FPT tại Nhật Bản vẫn giữ được đà tăng trưởng cao với 44,2% so với cùng kỳ, chủ yếu là nhờ nhu cầu chi tiêu lớn cho công nghệ thông tin, đặc biệt là chi tiêu cho chuyển đổi số tại đây.
Doanh thu chuyển đổi số từ thị trường nước ngoài đạt 2.956 tỷ đồng, tăng trưởng 36% so với cùng kỳ, tập trung vào các công nghệ mới như Cloud, AI/Data Analytics...
Mảng kinh doanh Điện toán đám mây và Trí tuệ nhân tạo cho các doanh nghiệp trong nước, mảng Dịch vụ công nghệ thông tin trong nước ghi nhận doanh thu đạt 1.472 tỷ đồng (tăng 4,6% so với cùng kỳ) và lợi nhuận trước thuế đạt 41 tỷ đồng (tăng 130,1% so với cùng kỳ).
Hệ sinh thái sản phẩm Made-by-FPT tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ, ghi nhận doanh thu 498 tỷ đồng (tăng 89,3% so với cùng kỳ) nhờ tính ứng dụng cao cho cả khối Doanh nghiệp lẫn khối Chính phủ.
Ngoài ra, khối Viễn thông và giáo dục tiếp tục tăng trưởng bền vững với mức tăng trưởng doanh thu lần lượt đạt 5,1% và 26% so với cùng kỳ.
Về các hoạt động nổi bật của Công ty trong quý I có thể kể đến như thương vụ M&A đầu tiên tại Nhật Bản với việc mua 100% vốn của Next Advanced Communications NAC Co., Ltd. (NAC) - Công ty dịch vụ công nghệ thông tin; thành lập liên doanh phần mềm với Konica Minolta; mở rộng sự hiện diện với chi nhánh FPT mới tại Đại Liên, Trung Quốc; bổ nhiệm ông Christophe giữ vị trí CEO FPT Pháp; cất nóc Tổ hợp Giáo dục FPT Thanh Hóa chỉ sau 3 tháng thi công; triển khai dự án Core Leasing - FPT.FINEX cho Công ty TNHH MTV Cho thuê Tài chính Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank-SBL).