Rào cản kỹ thuật cho nhà đầu tư ngoại

Chuyện khóa room ngoại tại VIB

Năm 2010, Commonwealth Bank of Australia (CBA) trở thành cổ đông chiến lược của VIB khi mua 15% cổ phần, tương đương với 60 triệu cổ phiếu. Động thái này giúp vốn điều lệ của VIB tăng 600 tỷ đồng, lên 4.000 tỷ đồng và đem lại một khoản thặng dư tốt. Một năm sau đó, CBA nâng tỷ lệ sở hữu tại VIB lên 20%, mức tối đa mà một cổ đông nước ngoài được nắm giữ.

CBA đã cử các chuyên gia sang hỗ trợ VIB trong những hoạt động kinh doanh quan trọng như ngân hàng bán lẻ, công nghệ ngân hàng, quản lý rủi ro, quản trị nguồn nhân lực, tài chính và nguồn vốn, đồng thời giới thiệu các ứng viên tham gia Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát VIB trong nhiều năm liên tục.

Tháng 6/2024, VIB tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường, thông qua đề xuất giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại) từ 20,5% xuống 4,99%, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Điều này có nghĩa, CBA không được tăng tỷ lệ sở hữu, mà chỉ được phép bán ra cổ phần cho đến khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VIB bằng hoặc nhỏ hơn 4,99%, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Đáng lưu ý, CBA không thể chuyển nhượng cả lô cổ phần VIB cho nhà đầu tư nước ngoài khác, muốn chuyển nhượng cả lô chỉ có thể bán cho nhà đầu tư nội, hoặc xé lẻ lô cổ phần để thoái vốn. Trong khi đó, 18 nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước, trong đó có Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB Đặng Khắc Vỹ và người có liên quan, đang sở hữu tới 72% cổ phần, trở thành bên mua có ưu thế lớn nhất trong trường hợp này.

Phản ứng của CBA là bỏ phiếu phủ quyết các nội dung mà Hội đồng quản trị VIB đưa ra tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường hồi tháng 6. Biên bản đại hội cho thấy, hơn 2 tỷ cổ phiếu đã được bỏ phiếu trong cuộc họp (hiện VIB có 2,54 tỷ cổ phiếu lưu hành), trong đó có 25,7% (tương đương 538 triệu cổ phiếu) bỏ phiếu phản đối, trong khi biên bản các cuộc họp trước đó của Ngân hàng cho thấy, tỷ lệ tán thành thường chiếm 99,9%.

Cách ứng xử của VIB với CBA theo nhận xét của nhiều thành viên thị trường là một tiền lệ xấu về quản trị công ty.

Trông người, ngẫm ta

Để có thể nâng hạng thị trường chứng khoán, cả FTSE và MSCI đều khuyến nghị, Việt Nam cần nới giới hạn sở hữu nước ngoài.

Nói về các cải cách cần thiết để nâng cấp và tăng sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư thị trường mới nổi, đại diện Ngân hàng Thế giới nêu ra 3 vấn đề, gồm bỏ yêu cầu ký quỹ trước khi giao dịch, cải thiện tỷ lệ sở hữu nước ngoài (bao gồm triển khai chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết) và tiếp cận thông tin bình đẳng qua công bố thông tin bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt.

“Việt Nam có gần 1.600 công ty đang giao dịch trên thị trường chứng khoán, trong khi Indonesia có 853 công ty, Malaysia có 991 công ty, Singapore có 706 công ty, Thái Lan có 612 công ty và Philippines có 286 công ty, nhưng cổ phần có thể giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài của Việt Nam rất thấp”, ông Ketut Kusuma, chuyên gia cấp cao lĩnh vực tài chính Ngân hàng Thế giới nhận xét.

Để có thể nâng hạng thị trường chứng khoán, Việt Nam cần cải thiện tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Linh Phương, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đang trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng, nâng mức tối đa từ 30% lên 49%.

Đối với lĩnh vực ngân hàng, thu hút dòng vốn ngoại được xem là giải pháp quan trọng, được đề cập tại Quyết định 689/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” và kế hoạch hành động của Ngân hàng Nhà nước. Ngành ngân hàng cũng tích cực triển khai Basel II nâng cao và tiến tới Basel III. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội hợp tác đa dạng, tham gia quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng, tiến tới chuẩn mực cao và bền vững hơn.

Bàn rộng hơn về câu chuyện room ngoại và quản trị công ty nhằm đáp ứng yêu cầu nâng hạng thị trường chứng khoán, bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIOD cho biết, Việt Nam đạt điểm số rất thấp về quản trị công ty tại châu Á. Có một số yêu cầu về quản trị theo thông lệ quốc tế ở mức cơ bản nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được và hiện chỉ có 80 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán thực hiện công bố báo cáo bằng tiếng Anh.

Trong các cuộc hội thảo về nâng hạng thị trường, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính đều nhấn mạnh, nếu các thành viên thị trường không cùng chung nỗ lực thì mục tiêu này khó đạt được.

“Thị trường chứng khoán Việt Nam phải lên thị trường mới nổi, thị trường cận biên là chết, không ai quan tâm”, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc khối đầu tư Dragon Capital nhấn mạnh trong một hội thảo gần đây với các nhà đầu tư.

Ông Tuấn cho rằng, chứng khoán Việt Nam bị khối ngoại bán ròng hơn 2 tỷ USD từ đầu năm 2024 đến nay là con số rất lớn, nếu thị trường không được nâng hạng thì khả năng cao sẽ tiếp tục bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng.

“Đối với tôi, cấp thiết và bằng mọi giá, chúng ta phải lên được thị trường mới nổi. Lên thị trường mới nổi, không chỉ chứng khoán mà về kinh tế, dự trữ ngoại hối cũng sẽ có sự tăng lại tốt hơn, được hỗ trợ từ dòng tiền nước ngoài vào Việt Nam”, ông Tuấn nói.

“Tại sự kiện xúc tiến đầu tư nước ngoài do Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức mới đây ở Singapore, rất nhiều nhà đầu tư tham gia so với sự kiện ở các nước khác. Tôi thắc mắc, họ quan tâm như vậy, tham gia nhiều như vậy, nhưng sao vẫn bán ròng? Khi nói chuyện với các nhà đầu tư, tôi cảm giác họ đang chờ điều gì đó để quay lại thị trường Việt Nam”, ông Tuấn chia sẻ.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán MB (MBS)
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Do xu hướng bán ròng của khối ngoại trong thời gian gần đây, tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm từ mức 19% cách đây 5 năm xuống còn khoảng 15% hiện nay.

Điểm đáng quan ngại là trong nhiều năm trở lại đây, thị trường chứng khoán Việt Nam không có nhiều hàng hóa mới, không có các doanh nghiệp IPO quy mô lớn để thu hút sự chú ý của nhà đầu tư ngoại.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh khẩu vị của các nhà đầu tư nước ngoài trên thế giới đang ưa thích các nhóm ngành như công nghệ, bán dẫn, thì Việt Nam chưa có nhiều cơ hội đầu tư trong các ngành đó.

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán BIDV (BSC)

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán BIDV (BSC)

Việc cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mua chứng khoán mà không cần có đủ 100% tiền trên tài khoản (pre-funding) sẽ là một bước quan trọng để tăng tính thanh khoản và thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này cũng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho quá trình nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi theo tiêu chuẩn của MSCI và FTSE, đặc biệt khi Việt Nam vẫn đang đặt mục tiêu nâng hạng vào năm 2025 và quỹ chỉ số lớn nhất đầu tư vào thị trường cận biên đã dừng hoạt động (Quỹ iShare Frontier ETF).

Bên cạnh đó, vấn đề room ngoại cũng vẫn là điểm cần lưu ý, do nhiều doanh nghiệp lớn đã ở trạng thái không còn room hoặc còn rất ít room cho nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, có những doanh nghiệp giảm room nước ngoài, có thể vì mục tiêu dành room cho nhà đầu tư chiến lược.

Mục tiêu nâng hạng do vậy cần đồng bộ nhiều giải pháp, không chỉ pre-funding, room cho nhà đầu tư nước ngoài, mà cần tăng cường sự minh bạch trong công bố thông tin, giải trình thông tin, đăng ký mua/bán cổ phiếu của cổ đông nội bộ, cũng như phát triển các sản phẩm tài chính.

Song song với mục tiêu thu hút nhà đầu tư nước ngoài và nâng hạng, việc phát triển cộng đồng nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức (các quỹ đầu tư chuyên nghiệp) là rất quan trọng.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn