Royal Invest JSC (RYG) muốn vay thêm 80 tỷ đồng sau khi được chấp thuận niêm yết sàn HOSE

Royal Invest JSC thông qua hạn mức tín dụng 80 tỷ tại Ngân hàng Wooribank Việt Nam – Chi nhánh Bắc Ninh, mục đích vay vốn bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh, thời gian vay dự kiến 364 ngày.

Trong đó, Royal Invest JSC dự kiến sẽ dùng bảo đảm khoản vay bằng tiền gửi có kỳ hạn của Công ty hoặc bên thứ ba trị giá 32 tỷ đồng; thư bảo lãnh của ông Đinh Việt Anh trị giá 60 tỷ đồng; và hàng tồn kho của Royal Invest JSC trị giá 48 tỷ đồng.

Như vậy, tổng giá trị tài sản bảo đảm là 140 tỷ đồng, bằng 175% giá trị khoản vay.

Điểm đáng lưu ý, ngày 31/10, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã chấp thuận niêm yết 45 triệu cổ phiếu RYG trên sàn HOSE.

Được biết, trước thời điểm nộp hồ sơ niêm yết trên HOSE, tháng 10/2023, Royal Invest JSC đã chào bán thêm 9 triệu cổ phiếu ra bên ngoài, tương ứng 20% vốn điều lệ với giá 15.000 đồng/cổ phiếu để huy động 135 tỷ đồng. Sau chào bán cổ phiếu, Công ty đã tăng vốn điều lệ từ 360 tỷ đồng lên 450 tỷ đồng, đồng thời thông qua kế hoạch đưa cổ phiếu niêm yết sàn HOSE trong tháng 12/2023.

Thêm nữa, kể từ khi thành lập năm 2009 tới nay, Royal Invest JSC đã trải qua 7 lần tăng vốn điều lệ liên tiếp, tăng từ 49,3 tỷ đồng lên 450 tỷ đồng, tức tăng gấp 8,13 lần so với thời điểm thành lập.

Trong đó, trước thời điểm niêm yết, Royal Invest JSC đẩy mạnh quá trình tăng vốn khi năm 2021 tăng từ 120 tỷ đồng lên 214,52 tỷ đồng; năm 2022 tiếp tục tăng vốn từ 214,52 tỷ đồng lên 360 tỷ đồng; và gần đây nhất là lần tăng vốn vào tháng 10/2023 như đã đề cập ở trên, để thiết lập mặt bằng giá tối thiểu 15.000 đồng/cổ phiếu, cũng như đáp ứng điều kiện niêm yết sàn HOSE.

Điểm đáng chú ý, đợt tăng vốn tháng 1/2022, Công ty chào bán hơn 14,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ chào bán là 67,82% để tăng vốn điều lệ từ 214,52 tỷ đồng lên 360 tỷ đồng. Số tiền huy động được sử dụng để trả nợ vay ngắn hạn, mua dây chuyền sản xuất gạch men, mua cổ phần CTCP Sản xuất và Đầu tư Hoàng Gia Khang.

Về cơ cấu cổ đông sau đợt tăng vốn năm 2022, Công ty chỉ có 17 cổ đông cá nhân sở hữu 100% vốn điều lệ, trong đó có 3 cổ đông lớn gồm ông Đinh Việt Anh, Chủ tịch HĐQT sở hữu 26% vốn điều lệ; bà Lê Thị Vi Na sở hữu 24,65% vốn điều lệ; bà Nguyễn Thị Lê sở hữu 18,85% vốn điều lệ; và còn lại 30,5% thuộc về các cổ đông nhỏ sở hữu dưới 5% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, tính tới ngày 30/9/2024, cơ cấu cổ đông đã thay đổi khi ông Đinh Việt Anh chỉ còn sở hữu 20,8% vốn điều lệ; bà Lê Thị Vi Na sở hữu 19,72% vốn điều lệ; bà Nguyễn Thị Lê sở hữu 15,08% vốn điều lệ; và còn lại 44,4% vốn điều lệ thuộc về cổ đông nhỏ sở hữu dưới 5% vốn điều lệ.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý III/2024, Royal Invest JSC ghi nhận doanh thu đạt 352,81 tỷ đồng, giảm 0,4% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 18,46 tỷ đồng, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 23,6%, về 19%.

Luỹ kế trong 9 tháng đầu năm 2024, Royal Invest JSC ghi nhận doanh thu đạt 1.161,65 tỷ đồng, tăng 28,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 63,53 tỷ đồng, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm trước.

Điểm đáng lưu ý, trong 9 tháng đầu năm 2024, Royal Invest JSC tiếp tục tăng nợ vay. Trong đó, tính tới 30/9/2024, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn đã tăng 25,3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 153,1 tỷ đồng, lên 757,2 tỷ đồng và bằng 95,6% tổng vốn chủ sở hữu (đầu năm dư nợ 604,1 tỷ đồng và bằng 82,8% tổng vốn chủ sở hữu).

Tính tới quý III/2024, tỷ lệ nợ vay trên tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp trong ngành như Tổng Công ty Viglacera (mã VGC – sàn HOSE) là 50%; CTCP Vicostone (mã VCS – sàn HNX) là 16%; CTCP Phú Tài (mã PTB – sàn HOSE) là 45%.

Như vậy, so với doanh nghiệp cùng ngành, hệ số tổng nợ vay trên tổng vốn chủ sở hữu của Royal Invest JSC đang cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp đầu ngành.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn